Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

110827- Cần cải cách việc quản lý đất thổ cư và xây nhà ở

Ở nhiều thành phố, mặc dù đã phát triển các khu đô thị mới, nhiều vùng đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng nhà ở, nhưng vẫn thiếu nhà cho người thật sự cần nhà. Ngược lại, vẫn có nhiều nhà để không, nhiều lô đất để hoang …
Tình hình thực tế cho thấy việc quản lý đất thổ cư và xây dựng nhà ở những năm vừa qua còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Về quản lý đất thổ cư sau khi đã cấp cho các cơ quan, đơn vị (chủ yếu thuộc biên chế của Nhà nước) để làm nhà ở và họ thường chia lô, phân nền theo danh sách những “gia đình chưa có nhà ở”.  Danh sách này cũng do các cơ quan, đơn vị tự lập lúc xin đất mà không có sự thẩm tra cần thiết. Điều đó đã dẫn đến hậu quả nhiều hộ được mua đất giá rẻ thuộc diện thiếu nhà ở mà qua nhiều năm vẫn chẳng thấy xây nhà.

 Như vậy chứng tỏ những gia đình này đã có nhà ở nơi khác (hoặc tự ý bán nền cho kẻ đầu cơ), chứ đâu phải họ chưa có nhà ở hoặc không có tiền xây nhà. Thật là bất công vì “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Và đây cũng là 1 hình thức tham nhũng, đầu cơ đất thổ cư - bất động sản. Hơn nữa những lô đất trống bỏ không xen kẽ trong khu nhà ở để cho cỏ dại mọc và làm chỗ đổ rác thải, làm mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

 Về thiết kế chiều cao kiến trúc nhà ở chung cư cao tầng, có những địa chỉ không phù hợp với bề rộng đường giao thông. Đồng thời vi phạm tiêu chuẩn xây dựng quy định khoảng cách giữa các ngôi nhà, quy định mật độ dân cư.

 

Có rất nhiều nơi đều thiết kế diện tích để ô tô trong nhà chung cư, tạo điều kiện, tiếp tay cho những cư dân ở căn hộ xuống đường đi làm hàng ngày bằng xe 4 bánh cá nhân là một trong những nguyên gây ra tắc đường thành phố, đô thị. Nhưng lại không thiết kế diện tích nhà trẻ, mẫu giáo, khiến những phụ huynh cùng các cháu bé phải ra đường 2 lần mỗi ngày từ căn hộ đến nhà trẻ, mẫu giáo và ngược lại (từ nhà trẻ mẫu giáo về căn hộ) làm tăng mật độ phương tiện giao thông trên đường phố.

 

Để khắc phục những điều không hợp lý nói trên, kiến nghị Chính phủ cũng như chính quyền các cấp nên cải cách triệt để việc quản lý đất thổ cư và xây dựng nhà. Theo chúng tôi suy nghĩ, nên ban hành và thực hiện các chính sách, quy định, biện pháp cụ thể dưới đây:

 

Thứ nhất, các thành phố nên giao cho UBND phường, xã thống kê, đo vẽ sơ đồ toàn bộ diện tích những lô, nền đất thổ cư bỏ trống quá 5 năm (kể từ ngày được cấp giấy sử dụng đất) mà chưa xây nhà ở, hiện đang “cài răng lược” tại các khu nhà ở gia đình và tập thể của bất kể cơ quan, đơn vị nào (trong địa bàn, lãnh thổ phường, xã) để báo cáo UBND quận, huyện trình UBND tỉnh, thành phố ra quyết định thu hồi.
 

(ảnh minh họa)

 

Đồng thời (UBND tỉnh, thành phố) chuyển quyền sử dụng những lô, nền đất thổ cư này cho UBND quận, huyện tổ chức đấu thầu làm nhà ở ưu tiên những gia đình chính sách, những gia đình thu nhập thấp đến thuê ( thuộc diện chưa có nhà ở, hoặc nhà ở quá chật dưới mức quy định).

 

Thứ hai, chỉ trừ hình thức nhà ở doanh trại ra, cơ quan thẩm quyền chỉ cấp đất xây dựng nhà ở (kể cả nhà ở gia đình và nhà ở tập thể) hợp khối-chung cư cao tầng cho các cơ quan đơn vị, trên cơ sở danh sách những gia đình, những người chưa có nhà ở và từng gia đình, từng trường hợp một, phải được UBND phường, xã (nơi cư trú) chứng nhận (chưa có nhà ở). Có như vậy mới triệt tiêu vụ việc các cơ quan đơn vị chia lô, phân nền đất thổ cư. Và tránh tình trạng đã xảy ra trong nhiều gia đình, vợ được cấp đất theo cơ quan vợ, chồng cũng được cấp đất theo cơ quan chồng. Thậm chí 1 cơ quan đơn vị đã được cấp đất nhà ở rồi, đến khi thay đổi tên cơ quan đơn vị lại làm thủ tục xin cấp đất xây dựng nhà ở 1 lần nữa, tạo ra tham nhũng, đầu cơ đất thổ cư.

 

Thứ ba, trong khuôn viên các khu đô thị mới, chỉ cấp đất xây dựng nhà ở chung cư cao tầng, nhà ở biệt thự (theo 1 tỷ lệ phù hợp-có giới hạn) và chấm dứt việc cấp đất xây dựng nhà ở thấp tầng liền kề (thông tầng) đối với các chủ đầu tư dự án địa ốc-bất động sản, để không phung phí đất thổ cư như khu đô thị Thủ Thiêm, thuộc dự án Him Lam, trên địa bàn phường Bình An (bên trong đường Lương Đình Của), ở quận 2, TPHCM; khu đô thị Vân Canh ở Thủ đô Hà Nội...

 

Thứ tư, không thiết kế diện tích-chỗ để ô tô trong nhà chung cư cao tầng (kể cả dưới tầng hầm), nhằm hạn chế cư dân ở căn hộ đi làm hàng ngày bằng xe 4 bánh cá nhân, góp phần giảm tắc đường thành phố, đô thị. Nhưng thay vào đó là diện tích nhà trẻ, mẫu giáo và cả diện tích cho học sinh đi học lớp 1. Tất nhiên về mô hình nhà trẻ, mẫu giáo cũng như trường tiểu học sẽ không bị bó hẹp, “máy móc”- phải ở trong 1 khuôn viên như hiện nay.

 

Tiến sỹ Hoàng Long (nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), người từng sống ở Đức những năm đi nghiên cứu sinh, cho biết: "Một số nước châu Âu từ lâu đã thiết kế ngay trong nhà ở chung cư cao tầng có diện tích nhà trẻ, mẫu giáo và diện tích cho học sinh đi học lớp 1. Liên hệ ở nước ta từ năm 1983, gia đình tôi được cơ quan phân phối cho 1 căn hộ tại 1 khu chung cư 5 tầng của Bộ Công an (ở Hà Nội) cũng đã tổ chức được nhà trẻ, mẫu giáo hoạt động (ngay tại tầng trệt chung cư), vô cùng tiện lợi cho gia đình tôi và những gia đình có con nhỏ khác".

 

Thứ năm, cơ quan chức năng cần dứt khoát không được cấp giấy phép xây dựng-nếu thiết kế chiều cao nhà ở không phù hợp với bề rộng đường giao thông cùng với hè phố (đối với đường đô thị); cùng với lề đường, hành lang an toàn giao thông (đối với đường ngoài đô thị) và không bảo đảm tiêu chuẩn xây dựng quy định khoảng cách giữa các ngôi nhà, mật độ dân cư… Có như vậy, việc xây dựng-làm nhà ở nước ta mới ngày càng văn minh, hiện đại.

 

                                                                              Nguyễn Thành Lập

                                                                                       Hà Nội

 

LTS Dân trí - Việc quản lý đất thổ cư cũng như xây dựng nhà ở của nhiều thành phố hiện nay, kể cả Hà Nội và TPHCM, còn nhiều sơ hở, gây ra tình trạng xây dựng lộn xộn, thiếu mỹ quan. Mặt khác, những sơ hở trong việc phân phối đất dưới hình thức bán giá rẻ cho một số cơ quan không đúng đối tượng thiếu nhà đã tạo điều kiện cho những kẻ đầu cơ đất đai và nhà ở, trong khi nhiều người khác, nhất là người có thu nhập thấp vẫn không có nhà ở.

 

Sự phản ảnh về những điều bất hợp lý cũng như những kiến nghị các biện pháp cải cách quản lý đất đai và xây nhà trong bài viết trên đây là có cơ sở thực tế. Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm quản lý đất thổ cư cũng như xây dựng nhà ở sớm có biện pháp khắc phục để lập lại trật tự trong lĩnh vực này. Nhất là kịp thời ngăn chặn tình trạng sơ hở trong công tác quản lý, tạo cơ hội làm giàu cho những người đầu cơ bất động sản, trong khi nhiều người dân có thu nhập trung bình (chưa nói đến thu nhập thấp) cũng không mua nổi nhà ở.  

nguon: http://dantri.com.vn/c673/s673-511892/can-cai-cach-viec-quan-ly-dat-tho-cu-va-xay-nha-o.htm

Không có nhận xét nào: