>> Read this on Tuoitrenews.vn
>> Tu bổ di tích lịch sử văn hóa - mộ cụ Phạm Phú Thứ
>> Quảng Nam: 42 tỉ đồng tu bổ di tích văn hóa
Điện Voi Ré - một thành phần quan trọng của di tích cố đô Huế - đang xuống cấp, sẽ được trùng tu trong giai đoạn tới - Ảnh: Thái Lộc |
Nội dung chủ yếu của dự án này là hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích đặc biệt quan trọng; tiếp tục triển khai các dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia đang đầu tư dở dang như cố đô Huế, phố cổ Hội An, tháp Chăm Mỹ Sơn, đền Hùng, cố đô Hoa Lư, di tích Côn Sơn Kiếp Bạc.
Bên cạnh đó là đầu tư tu bổ các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hiện đang bị xuống cấp; đầu tư tu bổ các di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu như ATK Việt Bắc, các dự án đường mòn Hồ Chí Minh, hệ thống các nhà tù tố cáo tội ác, các khu căn cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.
Dự kiến mỗi năm đầu tư tổng thể 50-60 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 100-150 di tích; hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua 10-30 hiện vật mỗi năm; tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên ngành làm công tác tôn tạo, tu bổ di tích...
Số tiền 11.000 tỉ đồng này nằm trong tổng kinh phí 15.400 tỉ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011-2015 (những số liệu này được trích ra trong cuốn Kỷ yếu hội nghị triển khai công tác văn hóa - thể thao và du lịch năm 2011).
Để chương trình của giai đoạn này được triển khai trên thực tế, các bộ ngành liên quan sẽ trình Chính phủ xem xét và quyết định.
Cũng theo kỷ yếu, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010 đã hỗ trợ, tu bổ tổng thể 130 di tích; hỗ trợ chống xuống cấp cấp thiết, sửa chữa nhỏ 810 di tích; thực hiện được 45 dự án sưu tầm văn hóa phi vật thể; hỗ trợ lập hồ sơ khoa học bốn kiệt tác văn hóa phi vật thể trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; cấp trang thiết bị cho 15 trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu phi vật thể...
Đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn này, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết trên thực tế có một số địa phương do ưu tiên các mục tiêu khác đã bố trí không hợp lý nguồn vốn cho mục tiêu văn hóa; trách nhiệm bộ và các địa phương chưa được phân định rõ ràng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các bộ ngành có liên quan cần tiến hành khảo sát, đánh giá một cách cụ thể hơn nữa những kết quả đã đạt được trong dự án tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích của giai đoạn vừa qua; đồng thời cần chỉ ra những công trình tu bổ, tôn tạo di tích nào chưa đảm bảo yếu tố khoa học, vi phạm Luật di sản văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nguyên gốc của di tích.
Có như vậy mới có thể phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém khi thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích trong giai đoạn tới.
YÊN TÙNG
GSTS.KTS Hoàng Đạo Kính:
Mừng, ngạc nhiên và... lo lắng
“Con số 11.000 tỉ đồng cho tu bổ và tôn tạo di tích là một con số gây cho tôi cùng lúc cả sự mừng rỡ, ngạc nhiên và nỗi lo.
Sẽ rất mừng vì nếu đúng là số tiền 11.000 tỉ đó được phê duyệt, di sản văn hóa vật thể của VN đang được sự quan tâm rất lớn của cả nhà nước và xã hội. Số tiền đó tương đương 500 triệu USD, 10 năm trước con số 5-10 triệu USD cũng chỉ dám mơ ước. Và ở thời điểm hiện nay, con số 500 triệu USD với một nước chưa giàu như VN đã là rất lớn.
Nhưng tôi ngạc nhiên vì không hiểu số tiền trên được tính trên cơ sở nào và sẽ lấy từ đâu? So với các chi tiêu khác của xã hội, nhất là chi cho văn hóa xưa nay vốn khiêm tốn, vậy mà giờ đây lại dành đến 3/4 ngân sách khiêm tốn ấy cho di sản (11.000 tỉ/15.400 tỉ đồng) thì quả thật tôi chưa thấy ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả ở những nước mà ngành di sản của họ có số lượng di tích rất lớn và đem lại lợi nhuận hàng tỉ USD/năm như Ý, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Trung Quốc...
Và trên hết là nỗi lo của một người cả đời làm bảo tồn di sản: lo tiền nhiều, đầu tư nhiều mà hiệu quả trùng tu kém. Đặc biệt, trong khi tiêu chí của bảo tồn phải được đánh giá bằng sự nguyên vẹn của di tích gốc thì tiền đầu tư nhiều có khi lại dẫn đến sự hủy hoại nhanh chóng của di tích. Thực tế này đã và đang xảy ra.
Vì vậy, nhân câu chuyện đầu tư này tôi có ba đề xuất:
Thứ nhất: có thể có nhiều tiền nhưng đầu tư cho bảo tồn trùng tu phải tính toán trên cơ sở ưu tiên: phải chọn ra một cách khoa học những di tích quan trọng bậc nhất - những công trình có ý nghĩa đặc biệt với lịch sử, những bảo vật quốc gia và những công trình sắp bị hủy hoại, cần được “cấp cứu”.
Thứ hai: ưu tiên tu bổ để cứu vãn và bảo tồn chứ không phải để tôn tạo kiểu “mới hơn, khang trang hơn, hoành tráng hơn, bắt mắt hơn”.
Thứ ba: đầu tư lớn cho di tích đòi hỏi phải có lực lượng nhân sự: nhà khoa học và nghệ nhân. Đầu tư không thể chỉ tính bằng giá thành vật liệu mà phải bắt đầu từ đào tạo đội ngũ. Nếu không, công trình chỉ còn là xây dựng cơ bản theo ý nghĩa kinh tế thuần túy.
Một ý kiến mà tôi đã tha thiết đề nghị nhiều lần với nhiều cơ quan chức năng: cần có một cuộc điều tra, khảo sát, tổng đánh giá chất lượng các hoạt động trùng tu trên toàn quốc thời gian qua. Có như vậy chúng ta mới biết mình đã làm được những gì và nên tiếp tục làm như thế nào?
THU HÀ ghi
nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/433132/De-xuat-tu-bo-hang-tram-di-tich.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét