Phát ngôn & Hành động tuần này là sự trở lại của Trực Ngôn sau gần 7 tuần vắng bóng, với rất nhiều nỗi buồn và trăn trở từ chuyện khiếu nại, tố cáo của dân, đến trục cong trong quy hoạch Hà Nội và sự lệ thuộc văn hóa trong phim Lý Công Uẩn.
Đơn khiếu nại, tố cáo: vì sao lại thế???
Báo chí đưa tin: Theo quy trình xử lý đơn thư do Thanh tra Chính phủ vừa mới ban hành, từ ngày 11-10, tất cả các loại đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến cơ quan hành chính Nhà nước sẽ bị trả lại nếu đơn có họ tên, chữ ký của nhiều người.
Những đơn được gửi đến nhiều cơ quan, gửi tới nhiều người và đã gửi đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết, cũng sẽ không được tiếp nhận. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xử lý đơn trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Trước khi nói đến việc quy trình nói trên đã hoàn toàn hợp lý chưa, tôi muốn nói vì sao người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo lâu nay thường có nhiều người ký tên và gửi đến nhiều cơ quan và nhiều người.
Vì sao đơn lại có nhiều người cùng ký tên? Tôi xin tạm thời trả lời như sau:
Một là: Vì những đơn khiếu nại, tố cáo này liên quan đến lợi ích của nhiều người hoặc cả tập thể cùng nhận ra một sự sai trái, oan khuất nào đó là đứng tên khiếu nại, tố cáo.
Từ ngày 11-10, tất cả các loại đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến cơ quan hành chính Nhà nước sẽ bị trả lại nếu đơn có họ tên, chữ ký của nhiều người. Ảnh minh họa |
Hai là: Vì để thể hiện tính nghiêm trọng của sự việc trong các đơn thư khiếu nại, tố cáo và thể hiện hành động xây dựng chứ không phải là do tư thù. Thực tế lâu nay, không ít người đứng đơn khiếu nại, tố cáo lại bị coi là gây mất đoàn kết nội bộ hay do tức tối, thù oán cá nhân.
Hơn nữa, một người đứng đơn thường lo sợ bị trả thù và thực tế cũng chứng minh không ít người lao đao, khốn đốn vì đứng tên trong đơn khiếu nại, tố cáo. Bởi thế một trong những lý nhiều người cùng đứng tên trong một đơn như là làm giảm bớt tính nguy hiểm cho một cá nhân.
Còn việc người dân khiếu nại, tố cáo gửi đến nhiều người và nhiều cơ quan cùng một lúc cũng có hai nguyên nhân chính:
Một là: Vì dân ta dân trí thấp, cho nên đấu tranh chống tiêu cực đôi khi cũng chưa đúng bài bản. Các nước khác người dân được hướng dẫn cụ thể cách thức khiếu nại, tố cáo. Nhưng ở nước ta hỏi có bao người biết được điều này? Chúng ta cứ nói sống và làm việc theo pháp luật nhưng giáo dục luật pháp cho người dân lại quá thờ ơ hoặc quá yếu kém.
Hai là: Vì người dân gửi đơn tới một người hoặc một cơ quan nhiều lúc chẳng thấy hồi âm hoặc chẳng có hiệu quả nên gửi cho nhiều người và nhiều cơ quan như một sự ăn may không được chỗ này thì được chỗ kia.
Đấy là mấy lý do tôi tạm đưa ra. Còn việc một lá đơn khiếu nại, tố cáo sẽ bị trả lại nếu có nhiều người đứng tên thì quả thực tôi chưa hiểu nổi vì sao lại như vậy?
Không hiểu thì nói là không hiểu thì mới mong được giải thích để mà hiểu. Vậy đề nghị các cơ quan chức năng giải thích cho nhân dân hiểu để được sáng cái đầu ra: Vì sao nhiều người ký tên trong một đơn khiếu nại, tố cáo lại không được chấp nhận.
Trong ba tuần tới có thể cho đề án xây dựng TRỤC...lên trời?
Ngày 17/8, trong văn bản gửi Thủ tướng, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, khi đã không xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế xã hội. Nếu trục Hồ Tây - Ba Vì được hình thành như tư vấn đề xuất, sẽ có nguy cơ không chỉ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh, còn tạo cơ hội cho sự ra đời các khu đô thị bám hai bên hệ trục.
Ba tuần sau khi có văn bản gửi Thủ tướng phản bác xây trục Hồ Tây - Ba Vì (hơn 30 km), Hà Nội vừa có văn bản cho rằng, đây là trục cảnh quan, hỗ trợ liên kết các không gian lớn Ba Đình - Hồ Tây - Ba Vì.
Như vậy, đâu là lời giải thích đúng?
Vẫn giữ trục Hồ Tây - Ba Vì? |
Chỉ trong một thời gian ngắn mà cái TRỤC kia nó xoay ngang rồi lại xoay dọc. Người dân cứ xoay trái rồi lại xoay phải đến chóng mặt và cho đến lúc này thực lòng người dân không hiểu cái TRỤC này là TRỤC gì nữa, nên có TRỤC hay không có TRỤC. (Nói thực lòng là thực lòng chứ người dân không dám bóng gió gì ở đây nữa).
Vì cái TRỤC này chắc chắn là rất to nên nghe nói tiền đầu tư làm cái TRỤC này nhiều như cát sông Hồng và được những cơ quan chuyên môn, các chuyên gia hàng đầu bàn luận đêm ngày, rồi trình lên Quốc hội rồi lại trình xuống Quốc hội.
Bàn luận và trình nhiều như thế nhưng đến hôm nay đã có ai dám chắc chắn cái TRỤC này nó sẽ nằm ở đâu đâu? Bây giờ mới thấy cái TRỤC này nó phức tạp và khó khăn nhường nào.
Khó thì phải cố gắng. Đặt cái TRỤC này dọc không ổn thì ta lại đặt ngang. Đặt ngang không ổn thì ta lại đặt...
Với tình hình như thế này có lẽ ba tuần tới chúng ta sẽ trình đề án dựng cái TRỤC này thẳng lên... trời xem sao. Có khi lại là một phương án hay.
Yêu Quan Vân Trường hơn Quang Trung
Sáng ngày 16-9-2010, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ và Nhà sách Vạn Niên đã tổ chức lễ ra mắt hai bộ tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tám triều vua Lý gồm 4 tập với 3514 trang và Bão táp triều Trần gồm 2912 trang. Có lẽ đây là một trong rất ít những công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long có ý nghĩa nhất.
Đại lễ 1000 năm Thăng Long không phải để cho chúng ta tiêu tiền vào những hoạt động chỉ để vui chơi trong vài ba ngày. Đại lễ 1000 năm Thăng Long là cơ hội để chúng ta thêm một lần nhìn lại lịch sử kiêu hãnh và nền văn hóa sâu thẳm của dân tộc ta.
Tôi thực sự kính trọng tình yêu tổ quốc, trách nhiệm với lịch sử và văn hóa dân tộc cùng với ý chí lao động sáng tạo phi thường của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Ông đã yêu tổ quốc bằng hành động cụ thể chứ không phải những lời sáo rỗng quen thuộc.
Khi được hỏi ông nghĩ gì về bộ phim: Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long sắp công chiếu, nhà văn đã bật khóc và nói: Con cháu chúng ta hãy noi theo tiền nhân, có lúc ta thua nhưng tổ tiên ta không bao giờ chịu nhục. Tôi rất buồn vì bộ phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long, người ta đã làm nhục nhà Lý. Tôi xin tình nguyện làm cố vấn đạo cụ cho nếu ai đó làm phim về triều Lý, tại đất nước ta có tất cả không cần mượn nước người làm sai lạc hết...Nếu không vì những bức xúc hiện nay chắc tôi không thể hoàn thành bộ sách này.
Với những gì được biết về bộ phim truyền hình nhiều tập nói trên, chúng ta kinh hãi nhận ra rằng: tình yêu tổ quốc đang bị đánh mất. Nếu những người còn ít hiểu biết về thời đại Lý Công Uẩn thì sau khi xem bộ phim nói trên họ đã hiểu sai về dân tộc mình.
Một cảnh quay đại cảnh trong phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long tại trường quay Hoành Điếm. |
Cách đây dăm năm, tôi đã làm một khảo sát nhỏ với một số học sinh tiểu học và trung học với câu hỏi: Cháu thích Quan Vân Trường hay Quang Trung? 90% số học sinh được hỏi trả lời: thích Quan Vân Trường. Quan Vân Trường là người trung nghĩa thật đáng thờ cho dù ông là người mang quốc tịch nào. Bởi ông là một giá trị chung cho đạo làm người. Nhưng thật cay đắng khi những công dân tương lai của một đất nước không hề mang cảm xúc gì về Quang Trung, một vị Vua tài đức, một Anh hùng vĩ đại của một dân tộc vĩ đại.
Lỗi này thuộc về những người làm sử, dạy sử, thuộc về các nhà văn và cao hơn thuộc về những người quản lý và điều hành giáo dục nước nhà. Có những người hỏi tôi, với hai bộ tiểu thuyết như vậy làm thế nào mà những học sinh có thể đọc được? Tôi trả lời: hai bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải không phải viết cho lứa tuổi học trò. Nhưng những người và những cơ quan có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ có thể tìm ra 1000 cách để truyền bá lịch sử và những nhân vật lịch sử vào tâm hồn những đứa trẻ từ chính hai bộ tiểu thuyết ấy. Họ có thể trích đoạn để làm truyện tranh, làm phim hoạt hình, làm phim truyền hình nhiều tập vv...
Khi người ta có tình yêu tổ quốc thực sự và có trách nhiệm với lịch sử dân tộc, người ta có thể tìm ra nhiều cách để yêu dân tộc của mình. Bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long là một nỗi ê chề, cay đắng và xấu hổ đối với những người Việt Nam yêu nước. Chính vì thế mà hai bộ tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Quốc Hải làm chúng ta thêm kính trọng ông và tự hào về những người con như ông của mảnh đất này.
Tác giả: Trực Ngôn
nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-09-17-tre-em-viet-nam-yeu-quan-van-truong-hon-quang-trung-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét