Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

091126- Văn hóa làng làm nát giao thông đô thị?

Có đến 55% số người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy quá tốc độ... cho rằng mình làm theo người khác. “Người ta đi được, cả làng đi được thì tôi cũng đi (trái luật) được chứ!”. Đó là lời của một người từng vi phạm giao thông đã trả lời khi được khảo sát.

“Xây dựng văn hóa giao thông trong đô thị tại TP.HCM từ người tham gia giao thông, người quản lý xã hội, người thực thi pháp luật giao thông hay từ hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị...?”. Đó là những vấn đề được các nhà khoa học, nhà quản lý đặt ra tại buổi hội thảo do Sở VH-TT&DL và Ban An toàn giao thông TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 25-11.

Chị đẩy xe cá viên chiên ung dung qua ngã ba, ngã tư, bất kể dòng xe dồn ứ phía sau. Ảnh: LĐ

Thích làm theo ý mình

Tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định tình hình giao thông ở TP.HCM ngày càng xấu, bất ổn là do nhiều người tham gia giao thông chưa có văn hóa, thiếu hiểu biết hoặc biết nhưng bất chấp pháp luật về giao thông... Thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP, dẫn chứng có hơn 80% số vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người là do ý thức văn hóa, chấp hành luật của người tham gia giao thông kém. Điều đó thể hiện qua các hành vi như lưu thông không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, đổi hướng, tránh vượt không đúng quy định, không nhường quyền ưu tiên, vượt đèn đỏ...

Dù không có con số phân tích cụ thể nhưng trong bản tham luận gửi đến hội thảo, Sở GTVT đưa ra nhận định văn hóa giao thông của một bộ phận người dân TP kém. Lý do, họ là dân nhập cư đến từ nông thôn, trình độ văn hóa nói chung và kiến thức, văn hóa giao thông nói riêng còn hạn chế dẫn đến hành vi ứng xử khi tham gia giao thông còn tùy tiện, làm theo ý thích của riêng mình.

Văn hóa làng không xấu

Xe ba gác máy chở nặng, cồng kềnh chạy ngược chiều. Ảnh: LĐ

Theo nhà giáo hưu trí Thân Ngọc Dũng, lối sống nông nghiệp, văn hóa làng xã còn in đậm trong tâm lý và các hành vi khi tham gia giao thông ở đô thị của nhiều người dân. Như việc đi ngược chiều, băng lên vỉa hè, qua đường không đúng vạch kẻ... là xuất phát từ tâm lý “đường ruộng rất gần sao phải đi quanh” hoặc “gần đâu đi đó”... Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên đưa ra con số chứng minh tâm lý làm theo làng, theo hội. Cụ thể có đến 55% số người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy quá tốc độ... cho rằng mình làm theo người khác. “Người ta đi được, cả làng đi được thì tôi cũng đi (trái luật) được chứ!”. Đó là lời của một người từng vi phạm giao thông đã trả lời khi được khảo sát.

Theo Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, những người dân nhập cư, lao động thời vụ là nhóm có nguy cơ gây mất mỹ quan, cản trở giao thông cao nhất. Một hình ảnh minh chứng, những đoàn xe buýt bị dồn ứ nơi ngã ba, ngã tư vì phía trước là chị gánh ve chai, anh đẩy xe bánh mì... đủng đỉnh qua đường. Tuy nhiên, Phó giáo sư-Tiến sĩ Hòa đưa ra “phản đề”: Lối sống nông nghiệp, văn hóa làng xã hoàn toàn không xấu mà nó chỉ chưa phù hợp với không gian đô thị. Cụ thể là ý thức và lối sống khiêm, hòa, nhẫn... của cư dân nông nghiệp, làng xã vẫn thể hiện trong đời sống giao thông đô thị qua các hành vi như chạy xe đúng tốc độ, không phô trương khoe khoang xe cộ bằng cách rú ga, nẹt pô...; không chen lấn, chèn ép người đi cùng đường...

Đô thị nén và tiếp nối văn hóa truyền thống

Theo Phó giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, văn hóa giao thông đô thị đang hình thành và phải mất một thời gian dài mới định hình (qua tác phong đi lại), định chất (qua chất lượng pháp luật và ý thức tuân thủ của người dân). Lý do, hiện chúng ta đang sống trong đô thị nén với các cơ sở thương mại, hành chính, giáo dục, y tế... đều dồn về khu vực trung tâm TP.

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, việc TP.HCM trở thành đô thị nén mà Tiến sĩ Hòa nêu ra là hệ quả của lịch sử từ trước 1975 để lại. Trong đó, đặc điểm nổi trội là cư dân ở các nơi tản cư đổ dồn về Sài Gòn làm vỡ quy hoạch đô thị có từ lâu. Do đó, “Ngay từ bây giờ, nếu lắp đặt ngay hệ thống kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông hiện đại, đèn tín hiệu giao thông, làn sơn đường đầy đủ cùng với mức xử phạt vi phạm cao hơn các địa phương khác thì sẽ tạo chuyển biến trong ý thức, văn hóa giao thông!” - Tiến sĩ Cương nói.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nghệ cũng cho rằng văn hóa giao thông được xây dựng từ chính hệ thống pháp luật nghiêm và minh, kết hợp với việc tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống như chất khiêm, hòa, nhẫn... nêu trên. Nhiều ý kiến cho rằng việc giáo dục, tuyên truyền đạo đức, văn hóa truyền thống cùng với pháp luật hiện hành không nên chỉ tiến hành theo kiểu phong trào với riêng học sinh bậc tiểu học như hiện nay mà cho tất cả cấp học và với ngay chính người lớn. “Không thể chấp nhận cảnh con học tiểu học ngồi sau xe nhắc bố phạm luật, còn bố cứ vô tư cầm lái vượt đèn đỏ với câu dạy lại con: Đường ta ta cứ đi!” - một diễn giả nói.

- Anh NGUYỄN THANH DŨNG, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM:

Lấn vạch một chút, để làm gì?

Tôi thấy khi đèn đỏ, nhiều người luôn tìm cách lấn qua vạch dành cho người đi bộ, gây nguy hiểm cho những người đang băng ngang đường. Nhiều khi vì lấn quá xa, họ không thể nhìn thấy cột đèn tín hiệu nên khi đèn xanh lại không biết để đi tiếp. Như vậy, họ tuy tới vạch trước nhưng vẫn đi sau. Đừng để người khác nghĩ bạn là người thiếu văn hóa chỉ vì một phút vội vàng!

- Anh NGUYỄN VĨNH LONG, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Bắc Bình, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM:

“Đừng khạc nhổ bừa bãi”

Công ty chúng tôi thường đưa khách nước ngoài tới các khu trung tâm TP. Một lần đi qua ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai-Huyền Trân Công Chúa, khách vừa hạ kính xe xuống thì bị một người đi đường nhổ nước bọt trúng người. Chúng tôi phải giải thích đó chỉ là lỗi vô ý của một cá nhân chứ không phải thói quen của người dân TP. Tôi chỉ mong khi đi trên đường, mọi người đừng khạc nhổ bừa bãi nữa.

HÀ KHẨU ghi

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

nguồn: http://phapluattp.vn/20091126121453586p1085c1091/van-hoa-lang-lam-nat-giao-thong-do-thi.htm

5 nhận xét:

Đàm Quỳnh Anh nói...

Nghĩ đến mấy cảnh ùn tắc giao thông mà mệt đầu lắm anh ơi. Chuyện khó giải quyết như nợ khó đòi trong kinh doanh vậy. Văn hóa giao thông và văn minh đô thị thì VN còn lâu mới đạt tới.

Ty Le Vang nói...

nếu quan sát kỹ sẽ thấy kẹt xe là do người đi đường tự gây ra.
nếu như thế thì mở đường rộng vẫn còn bị kẹt- không giải quyết triệt để vấn đề.

Đàm Quỳnh Anh nói...

Vâng! Đúng là như thế. Cái điều ai cũng biết nhưng không ai làm. Vậy mới có vấn đề để viết trên báo, bàn luận trên truyền hình và 888 ở quán cà phê.

Nguyen trung kien nói...

Quê em ở Hoà Bình nay đc sát nhập Hà nội . Tự hào quá , ngày mai em sẽ dắt cả bản và cả trâu bò nữa . Ngắm Hồ Gươm và thăm Lăng Bác chứ ! Hà....hà

Ty Le Vang nói...

thêm vài lít đế nữa mới thú vị...