Như một cơn sốt, chỉ trong ngày 19/11 đã có hàng ngàn bạn trẻ đến Nhà văn hoá Thanh niên TPHCM để học... sống, thông qua những hình ảnh, những con người trong triển lãm "Họ đã sống như thế" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á.
Chăm chú nhìn hình ảnh cô gái khiếm thính Dương Phương Hạnh nhăn mặt, nhíu mày, vặn vẹo đôi bàn tay để dạy cho những người bạn khiếm thính khác ngôn ngữ bằng tay, một cậu bé bất ngờ hỏi người mẹ đi ên cạnh: "Khiếm thính là gì hở mẹ?". Vậy là bài học bắt đầu...
Vừa dẫn con sang bức tranh kế bên, bà mẹ trẻ quay sang khẽ khàng đáp: "Khiếm thính tức là không nghe được. Họ không nghe được, không nói được nên phải học ngôn ngữ bằng tay".
"Không nghe được sao chị Hạnh ấy học đến đại học được hở mẹ?"
"Chị ấy nhìn miệng mọi người nói sẽ hiểu mọi người nói gì".
Cậu bé tròn mắt: "Vậy sao được!".
Bà mẹ trẻ quả quyết: "Được hết, chỉ cần kiên trì!".
Làm được hết, chỉ cần kiên trì!
Nghe thế, cậu bé cố ngoái lại nhìn hình ảnh cô gái trong tranh đang cười rạng rỡ vung vẩy hai bàn tay. Có lẽ, cậu bé đang cố ghi sâu bài học đầu tiên về những người khiếm thính, về thế giới im lặng, về ngôn ngữ bằng tay, ngôn ngữ mà từng có bạn trẻ ví von là "bàn tay nở hoa".
Đứng trước bức tranh cậu học sinh tiểu học Nguyễn Minh Trí cụt hai tay, ngày ngày vẫn chèo ghe bằng chân để đến trường, cô bé học trò trường American International School Quốc tế Mỹ) quay sang hỏi cô bạn học: "Có cảm nhận gì không? Cảm nhận gì không?". Có lẽ đó là chủ đề bài tập buổi thực tế hôm nay của cô, cũng có lẽ cô bé quá phấn khích nên lặp lại câu hỏi ấy đến hai lần.
Xem và ghi lại cảm nhận về từng bức tranh là giờ học ngoại khóa của các em
Chăm chú xem những bài học ngoài nhà trường.
Còn cô bé khác học trường THPT Lê Quý Dôn thì đứng ngơ ngẩn nhìn bức tranh "Hoa đến trường". Trong ấy, hình ảnh hai anh em khuyết tật Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Thảo Vân ngồi xe lăn nhìn về chân trời xa xăm phía bờ biển, như ước vọng được đến trường xa mịt mù của họ. Có lẽ, cô bé thấy khó hiểu. Bởi ngày nay, không biết bao nhiêu đứa trẻ đang ngày ngày nói dối cha mẹ, thầy cô để bỏ học đi chơi.
Nhìn họ, thấy mình hiện tại thật nhỏ bé.
Xốc lại cái balô trên lưng, em cố ghi lại hình ảnh ấy bằng chiếc máy ảnh nhỏ trong tay. Khi được hỏi, em bảo: "Nhìn vào thành tích mà anh chị ấy đạt được sau quá trình tự học, tự vươn lên trong hoàn cảnh tật nguyền, em thấy mình hiện tại thật nhỏ bé...".
Ở giữa sảnh, trung tâm không gian triển lãm, hàng chục bạn trẻ quây quần bên hai chị em ruột Đậu Thị Thủy (29 tuổi) và Đậu Thị Bốn (24 tuổi), nhân vật trong bức tranh "Bay cùng cánh hạc". Thân thể hai chị em Thủy, Bốn teo quoắt lại, phải nằm liệt giường từ nhỏ nhưng vẫn cố gắng tự chăm sóc bản thân, học chữ, đọc sách, gấp hạc giấy, đan len để kiếm sống.
Hai chị em Thủy và Bốn nằm lọt thỏm trong chiếc xe lăn vẫn vui vẻ truyện trò, gấp hạc giấy cùng mọi người cả ngày.
Đây là hai nhân vật trong tranh duy nhất xuất hiện trong cuộc triển lãm này nên khách tham quan tụ tập lại thăm hỏi. Các em học sinh thì vây quanh trò truyện, gấp hạc giấy cùng Thủy và Bốn. Nhìn hai chị em nhỏ như con mèo, cùng nằm lọt thỏm trong một chiếc xe lăn nhưng vẫn vui vẻ truyện trò, chia sẻ với mọi người, một cậu học sinh nam quay sang thằng bạn bên cạnh bảo: "Sống thế mới là sống !"...
Tùng Nguyên
4 nhận xét:
...sống thế mới là sống....
hôm nay là ngày cuối của triển lãm.
Triển lãm tiếp theo tại Hà Nội từ 2/12
em hụt mất cơ hội...mốt có cái gì hay hay nhớ hú em...nếu ok em sẽ đi...
em có ra HN đầu tháng 12 chơi thì có dịp xem lại mà.
Đăng nhận xét