Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

091103- Vốn ngân sách là chùm khế ngọt- muốn cắt là cắt, muốn gọt là gọt

Cầu vượt ở Trạm 2 có độ tĩnh không chỉ 4 m. Ảnh: TR.DUNG.

Gọt đường hay nâng cầu đều không ổn

Thiết kế cầu lẽ ra không chỉ sử dụng cho hiện tại mà phải phù hợp tốc độ phát triển vài chục năm sau.

Ngày 2-11, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Xe không chui lọt gầm cầu vượt”. Sở GTVT TP cũng đã đưa ra lý giải một phần câu chuyện trên và các chuyên gia cầu, đường, giao thông cũng đưa ra quan điểm về biện pháp khắc phục và “bài học nghiệp vụ” trong xây dựng hạ tầng qua chuyện này.

Có quy định mới, cứ xài thiết kế cũ!

Theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM: quy định tĩnh không của cầu vượt (từ mặt đường đến gầm cầu vượt) mỗi thời kỳ có quy định khác dẫn đến các cầu vượt trên địa bàn TP.HCM khác nhau. Theo Nghị định 186 ban hành năm 2004, các công trình cầu, đường xây dựng mới thì độ tĩnh không của cầu vượt phải là từ 4,75 m. Các cầu vượt băng qua tuyến quốc lộ 1A (từ ngã ba An Lạc đến ngã tư Bình Phước) được thiết kế và xây dựng theo quy định cũ là độ tĩnh không 4,5 m. Ngay cả nút giao thông xa lộ Hà Nội (nằm trong dự án đại lộ Đông Tây) hiện nay đã và đang thi công được duyệt thiết kế từ năm 2002 thì ứng với quy định lúc đó chỉ là 4,5 m. Vậy khi thi công cũng theo thiết kế cũ chứ không theo quy định mới dù nó được khởi công sau khi có quy định này? Trả lời, ông Toàn chỉ nói: “Ứng với thời điểm thiết kế là phù hợp”.

Gọt đường hay nâng cầu?

Theo kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, có hai giải pháp để khắc phục cầu vượt có độ tĩnh không thấp. Thứ nhất là phải hạ thấp nền đường. Giải pháp này ít tốn kém nhưng dẫn đến hệ lụy sẽ ngập nước và nền dễ xuống cấp. Thứ hai là phải nâng cầu. Giải pháp này tốn kém không thua gì xây mới nhưng rất khó thực hiện vì phải kéo dài đường dẫn và không phải cầu nào cũng nâng được.

“Tôi cũng thấy cầu vượt ở ngã ba Cát Lái có độ tĩnh không thấp. Cầu này là cầu vòng chứ không phải cầu thẳng nên không thể nâng độ cao tĩnh không bằng cách nâng cầu mà chỉ có hạ nền đường xuống...” - PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định.

Ngay ông Lê Toàn cũng băn khoăn: “Về góc độ quản lý, theo tôi thì các cầu có độ tĩnh không 4,5 m thì không được phép nâng cao mặt đường lên nữa. Còn vấn đề hạ nền đường xuống để nâng cao tĩnh không thì phải nghiên cứu trục, tuyến đường...”.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Xuân Vinh, Chủ nhiệm ngành xây dựng cầu, đường Trường ĐH Tôn Đức Thắng, lại cho rằng thực tế có thể xảy ra chuyện va quẹt gầm cầu nếu xe đi qua là xe quá khổ. Đây là những trường hợp cá biệt, nếu xây dựng những công trình đặc biệt để phục vụ cho số ít đó có thể không hiệu quả về kinh tế. Bởi “khi nâng tĩnh không, phải vuốt cầu cho dài ra, cần mặt bằng lớn hơn sẽ tốn kém hơn. Với những trường hợp đó, nên hướng dẫn để xe đi theo các tuyến đường thích hợp” - ông Vinh nói.

“Một lần sợ tốn, bốn lần không đủ”

PGS-TS cầu, đường Lê Thị Bích Thủy phân tích: “Tuổi thọ của cầu cả 100 năm, nên khi thiết kế không chỉ tính sử dụng hiện tại mà còn phải tính đến tốc độ phát triển kinh tế. Khi xây dựng, người ta còn phải tính đến độ lún của các mố trụ cầu. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn của nhà quy hoạch, thiết kế. Nếu cầu xây có độ tĩnh không thấp thì các giải pháp xử lý để tăng độ tĩnh không chỉ là giải pháp tình thế, hiệu quả không cao”.

Ông Phan Phùng Sanh bổ sung: Cách đây hơn 10 năm, khi xây dựng nút giao thông ngã tư Hàng Xanh, nhiều ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực giao thông cho rằng cần phải xây dựng cầu vượt mới giải bài toán ùn tắc giao thông chứ làm vòng xoay cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Thế nhưng cuối cùng cơ quan chức năng phê duyệt làm vòng xoay. Hiện rõ ràng là ùn tắc tại khu này bắt đầu quay trở lại. Về độ tĩnh không cầu vượt, tôi biết sẽ có ý kiến rằng độ tĩnh không cao sẽ tốn kém kinh phí nhiều hơn, đường dẫn dài hơn. Nhưng xây cầu vượt với độ tĩnh không thấp thì cái giá phải trả còn nhiều hơn. Tôi rất thấm thía câu ví von: “Một lần sợ tốn, bốn lần không đủ...”. “Các nhà quy hoạch, thiết kế phải có tầm nhìn từ 50 năm trở lên. Rõ ràng với độ tĩnh không cầu vượt thấp như hiện nay, chỉ 10-15 năm nữa là lạc hậu, buộc phải nâng cao độ tĩnh không hoặc phải bỏ để xây mới thì càng tốn kém và lãng phí nhiều hơn..” - ông Sanh bình luận.

Chủ đầu tư đề nghị: Ngăn xe và “khoét” đường

Ngày 2-10, Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị Sở GTVT TP.HCM cho lắp đặt rào cản, ngăn những xe cao quá khổ đi dưới cầu vượt ở nút giao Cát Lái. Nút giao này nằm trong dự án đại lộ Đông Tây do Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây làm chủ đầu tư.

Theo chủ đầu tư, dự án được Bộ GTVT thẩm định thiết kế từ năm 2002 và tĩnh không của tất cả cầu vượt trên tuyến đường của dự án đại lộ Đông Tây được phê duyệt với thiết kế theo quy chuẩn lúc ấy là 4,7 m. Việc thiết kế, thi công và khoảng cách giữa gầm cầu vượt với bề mặt đường là theo đúng quy chuẩn, quy định. Ngay tại nút giao ở ngã ba Cát Lái, tĩnh không cũng là 4,7 m. Việc gắn biển báo 4,5 m là để... trừ hao nhưng ngay sau đó thường xuyên xảy ra va quẹt vào gầm cầu. “Về lâu dài, nếu không có biện pháp xử lý sẽ dẫn đến mất an toàn” - đại diện chủ đầu tư quan ngại.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết nếu cho phép xe quá khổ vượt giới hạn tĩnh không của cầu thì chỉ có cách... khoét lõm mặt đường. Tuy nhiên, khi ấy mặt đường sẽ bị lõm xuống, gây đọng nước. Biện pháp tiếp theo sẽ là bố trí máy bơm tương tự như phần đường ở dưới cầu Khánh Hội - cũng thuộc dự án đại lộ Đông Tây.

M.PHONG

nguồn: http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=276575

 

2 nhận xét:

Ty Le Vang nói...

lạ lùng thật- một công trình như thế, phải qua bao nhiêu lần phê duyệt, kiểm định hồ sơ,...
nghẹn ngào quá- họ không biết xót tiền...tiền Ngân sách.
Tầm nhìn của nhà quản lý liệng đi đâu rồi?

Phạm Ngọc Thiên Ân nói...

lam gi co ma lieng!Hihiih