Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Nhật ký trên những đôi giày: Dã ngoại Cực Đông trong cơn bão số 1-SGTT

Một nhóm chúng tôi trên Facebook có đam mê dã ngoại, leo trèo và khám phá trên những nẻo đường đất nước. Lần này là Cực Đông với kế hoạch được các thành viên lên từ hai tháng trước, sau chuyến đi cực Nam (mũi Cà Mau) thật thú vị. Dù bất thần cơn bão số 1 ập đến ngay trong ngày khởi hành nhưng cả đoàn vẫn quyết tâm lên đường.

Biển Cực Đông sau đêm bão.

Cực Đông trên đất liền của Việt Nam nằm ở Mũi Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà). Đây là hành trình gian khổ nhất so với ba cực Nam – Tây – Bắc. Gian khổ vì để đến đó, phải di chuyển hơn sáu giờ dưới thời tiết miền Trung nắng gió vô cùng khắc nghiệt, vượt qua những đồi cát lớn, trèo đèo, lội suối... thật đúng nghĩa.

Bốn chặng đường cam go

Đã chuẩn bị tinh thần phải chiến đấu với cái nắng nóng, cái gió rát cả người của Cực Đông nhưng còn hơn thế, bão lớn xuất hiện bất ngờ tiến vào đất liền đúng những ngày của lịch trình – đầu tháng 4 vừa qua. Cuộc biểu quyết online diễn ra đầy kịch tính và hồi hộp suốt buổi sáng ngày lên đường. Tưng bừng vui nhộn giữa các thành viên, tôi tham gia với quan điểm: “Chui vào tâm bão cho nó máu!” và kiên trì với nó cho đến khi bước lên xe. Đoàn khởi hành 11 giờ đêm thứ sáu theo kế hoạch đã định.

Thành viên nhí nhất đoàn là chàng nhóc Bo năm tuổi rưỡi, hè năm nay vào lớp 1. Trước khi đi, nhiều người lo ngại, khuyên nên để Bo ở nhà vì thời tiết nguy hiểm quá. Nhưng tôi vẫn quyết định cho Bo tham gia, tuy có chút hồi hộp và lo lắng... Hành trang của hai cha con tôi chiếm thể tích balô nhiều nhất là sữa và đồ ăn dọc đường cho Bo.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ đi bộ vào và đi ghe về cho phong phú lộ trình. Nhưng do tình hình gió bão nên bàn bạc với hướng dẫn – trưởng đoàn – anh Ba Chòi quyết định không đi ghe về mà đi bộ cho an toàn. Đi như đoàn người trong sa mạc dưới mưa bay, gió thổi đều đều không mạnh lắm nên 1/4 đoạn đường đầu tiên nhẹ nhàng. Đoạn hai cũng tương tự, chủ yếu lội trên những đồi cát. Các thành viên chia thành nhiều nhóm nhỏ và đi hàng một như hành quân. Trạm dừng tiếp theo là căn chòi nhỏ của gia đình anh Ba Chòi được che kín bằng tôn và chiều cao thấp vừa phải để sinh hoạt, chắc để… tránh bão. Mọi người vội buông ba lô, tủa ra các hướng, người thì rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân, người giữ thức ăn tung “hàng nóng” ra. Lúc này cơn đói đã cồn cào, nhìn thứ gì cũng… đặc sản. Buổi trưa muộn với các món ăn nhanh, dù bánh mì đã bẹp gí nhưng mọi người vẫn ngấu nghiến ngon lành, không khí thật vui vầy nhưng trong ánh mắt mọi người vẫn có chút lo lắng về quãng đường còn lại và cơn bão sắp tới. Bo của tôi hơi thấm mệt và đói, nên không ỏng ẹo như mọi khi, đưa gì ăn ngay món đó. Đồng hồ lúc này chỉ 14 giờ.

Đón bão trong đêm ở Cực Đông

Khi đuối quá, chàng Bo ca bài: “ba ơi, con chiụ hết nổi rồi”, “ba ơi, con đuối quá ba ơi”, “cõng con đi ba”... Dù than vãn vậy nhưng khi được các cô chú trong đoàn chọc ghẹo, khích, chàng nhóc vẫn hớn hở hùa theo rất nhiệt tình và quên đi cặp chân đang rã rời.

Chặng thứ ba bắt đầu khó hơn với những đồi dốc. Có những nơi phải hụp xuống thấp mới chui qua lọt để tránh bụi gai, có vài đoạn phải lội suối, leo trên những tảng đá to...; thêm cái lạnh của mưa, cái nặng của hành lý nhưng nhóm vẫn tiến bước.

Càng về chiều, hành trình càng gay hơn. Mưa nặng hạt và gió mạnh giật liên tục. Trời tối dần, đến 6 giờ, còn cách điểm tập kết 200m, đường trước mặt toàn đá tảng lớn và rất dốc. Lúc này đã có vài ánh đèn pin từ phía sau. Tôi nắm tay thằng Bo bước nhanh về phía trước. Dù đường xuống bờ biển đá dựng đứng, cheo leo, nhưng cuối cùng cũng đến nơi trong nhiều nỗi âu lo và mệt mỏi.

Mưa rộ hơn, mọi người vừa lo dựng lều, vừa lo ăn uống. Bo ngồi thu mình trong một hốc đá mệt phờ và ngủ lúc nào không hay trong bộ đồ ướt nhẹp và tấm áo mưa tả tơi bên ngoài... Tôi phụ dựng lều những mong thật nhanh để thay đồ cho Bo. Khi lều xong, đưa Bo vào túi ngủ. Hai phút sau chàng say như chết. Lúc đó khoảng 9 giờ tối.

Đến 10 giờ 30, bão nổi lên, lều như muốn bật tung. Trong lều sáu người nam thay nhau bám vào khung sắt ở bốn góc, nếu không lều sẽ bay luôn. Với vài tảng đá cao chừng 2m không đủ sức che chắn cho hai chiếc lều to nằm trơ trọi trên bờ biển khi gió bão tung mạnh. Vừa ngồi ngủ, vừa giữ khung lều được 30 phút, gió mạnh hơn, các mép lều bị bung lên hết, tôi rờ tóc thằng nhỏ ướt như mới tắm, quần áo ướt mem, vội thay đồ, kéo Bo nằm vô trong và nằm chắn gió cho nó. Đến 12 giờ tôi nằm ôm thằng nhóc và thiếp đi lúc nào không hay, dù bên ngoài bão đang ập kinh thiên động địa. Giữa đêm, tôi sờ trán, xem Bo có nóng không, thật may mắn, mọi thứ bình thường. Nghe tiếng nói nhỏ của một người, đồng hồ điện thoại báo 5 giờ sáng, mới biết mình vừa vượt qua đêm bão kinh hoàng.

Sáng ra, dù sức cũng đã đuối nhưng mọi người mừng vui vì đã được qua đêm trong... giông bão! Mọi người túa ra chụp hình, ngắm nghía cảnh sắc đẹp như tranh với cát, đá; với biển Cực Đông hoang sơ như chưa có bước chân người.

Vậy là cuối cùng hai cha con tôi cũng đã đặt chân đến Cực Đông như mong đợi và hơn thế là đi trong bão tố. Sau chuyến đi, tôi được các thành viên trong đoàn tặng cho tôi biệt danh: “cha ghẻ thời @”… vì những gì mà tôi đã... dành cho thằng Bo!

bài và ảnh: KTS Nguyễn Văn Châu

nguồn: http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/163348/Da-ngoai-Cuc-Dong-trong-con-bao-so-1.html

9 nhận xét:

Lãng tử Sài Gòn nói...

Him là you hở?

Ty Le Vang nói...

dạ

Lãng tử Sài Gòn nói...

Hết hồn hén!

Ty Le Vang nói...

dạ- hú vía :-)

Đàm Quỳnh Anh nói...

Anh vừa đi về hả?

Đàm Quỳnh Anh nói...

Em có người để học hỏi kinh nghiệm chinh phục 4 cực rồi.

Ty Le Vang nói...

a đi hôm 30/3 đó em...theo kế hoạch thì cuối tháng 9 a đi cực bắc- tiếc là k cho thằn nhóc theo được...cực tây thì từ từ hihi

Ty Le Vang nói...

còn thiếu 2 ngã 3 biên giới là đủ bộ :-)

Ty Le Vang nói...

http://tylevang.multiply.com/photos/album/372/372 - thu hoạch sau chuyến đi