Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

101207- Việt Nam cần Luật Thủ đô hay Luật đô thị?

Thay vì ra một luật riêng về thủ đô, sẽ là tốt hơn nếu chúng ta có Luật đô thị và dành riêng một chương quy định về thủ đô trong Luật đô thị, TS Diệp Văn Sơn đặt vấn đề.

Chiếc áo nông thôn quá chật với đô thị

Trước hết, phải khẳng định, yêu cầu về một Luật đô thị không có gì mới với Việt Nam.

Dự thảo Báo cáo chính trị đặt lại vấn đề "Nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tổng kết đánh giá việc thực hiện chủ trương không tổ chức HĐND huyện, quận và phường..." (Dự thảo Báo cáo chính trị BCHTUĐ khóa X trình Đại hội Đảng khóa XI).

Ngay tại Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Tp HCM lần thứ IX cũng đề cập "Nghiên cứu kiến nghị Trung ương bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thực hiện mô hình xây dựng chính quyền đô thị".

Quản lý đô thị (QLĐT) là vấn đề phức tạp. Đối tượng QLĐT rất khác nhau và rất khác với quản lý nông thôn. QLĐT ngày càng phức tạp và đa dạng, ngày càng xuất hiện nội dung quản lý mới, đối tượng quản lý mới.




Thực trạng QLĐT ở nước ta những năm gần đây đã xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, nhiều biểu hiện tiêu cực. Thực trạng đó bắt nguồn từ các nguyên nhân sau đây:

- Hệ thống pháp luật chưa đủ để vận hành nền kinh tế thị trường nên nảy sinh nhiều tiêu cực (đô thị là nơi giáp mặt giữa cung và cầu, nó là hàn thử biểu về tình hình kinh tế, nó rất nhạy cảm với các chính sách kinh tế vĩ mô). Luật pháp về đô thị chưa đủ, chưa đồng bộ, pháp chế chưa nghiêm.

- Cơ sở hạ tầng của đô thị lạc hậu, không đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng làm phát sinh những hậu quả xấu.

- Công tác tổ chức và quản lý đô thị chưa khoa học, chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Công tác quy hoạch đô thị tiến hành chậm, chưa đồng bộ.

- Chưa phân biệt được QLĐT với quản lý nông thôn (điều này thể hiện trong công tác tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, trình độ cán bộ...)

Trước thực trạng như vậy, đòi hỏi công tác QLĐT phải có những nét đặc thù riêng: Tổ chức QLĐT theo nguyên tắc tập trung thống nhất cao, tránh tình trạng "cắt khúc";  QLĐT nhất thiết phải dựa theo quy hoạch; Tổ chức QLĐT theo nguyên tắc trực tiếp; Phân cấp quản lý rành mạch giữa ngành và cấp ở đô thị; Triệt để sử dụng công cụ pháp luật để QHĐT.

Vả lại, bộ máy QLĐT phải tinh gọn, con người phải có kiến thức về QLĐT hiểu biết về đô thị, luật pháp phải đồng bộ, pháp chế nghiêm, phương tiện quản lý dần dần phải được hiện đại (ưu tiên đi trước một bước so với các vùng khác).

Nghiên cứu cơ cấu lại chính quyền địa phương rất cần nghiên cứu kế thừa những bài học lịch sử về xây dựng chính quyền do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và những kinh nghiệm các nước tiên tiến.

Điểm mấu chốt phải phân biệt chính quyền ở đô thị và nông thôn, phải được thiết kế khác nhau do đặc thù của hai loại địa bàn này.
Chiếc áo nông thôn quá chật với đô thị. Các TP. cần được may chiếc áo mới: Luật Đô thị.

Xem lại lịch sử, trên địa bàn đô thị, Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo chỉ thiết kế "ở mỗi thành phố đặt 3 thứ cơ quan: HĐND thành phố, Ủy ban Hành chính thành phố và Ủy ban Hành chính khu phố" (Điều 3). Như vậy là ở thành phố theo Sắc lệnh 77 có 2 cấp và HĐND chỉ có ở cấp thành phố.

Phải chăng đây là tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chính quyền nhân dân: lấy hiệu quả làm mục tiêu, gọn, nhẹ theo đúng khoa học về tổ chức và đỡ tốn tiền của dân, có hiệu lực để phục vụ tốt cho dân.

Mô hình tổ chức đô thị 2 cấp chính quyền theo Sắc lệnh 77 cũng giống như tổ chức quản lý đô thị của các thành phố như Paris, Tokyo... điều chúng ta đang hướng tới.

Chương về thủ đô trong Luật đô thị?

Nhu cầu là thế, tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng luật này. Thời gian qua, chúng ta lại chứng kiến quá nhiều những bất cập trong dự thảo Luật Thủ đô đang được trình lấy ý kiến.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật quy định 18 chính sách, cơ chế đặc thù phục vụ cho việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị và xây dựng chính quyền.

Đánh giá về 18 cơ chế đặc thù cho thấy  sẽ chỉ "biến" Hà Nội thành một vương quốc riêng, cách biệt với các địa phương khác, và dường như các điều trong luật chỉ mang tính cả nước với thủ đô chứ chưa có nội dung thủ đô với cả nước.

Nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa phản ánh được tính đặc thù trong cơ chế, chính sách dành cho Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước trong khi lại chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể cho việc phát triển và quản lý của riêng Thủ đô, đô thị đặc thù.

Ngay trong dự thảo này, nhiều quy định đều có thể áp dụng cho cả các địa phương khác, chẳng hạn, quy định về mục tiêu xây dựng, phát triển Hà Nội (Điều 3); quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng (Điều 12); quản lý và bảo vệ môi trường (Điều 20)...

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,  Bộ Tư pháp, ông Hoàng Phước Hiệpt ừng đặt vấn đề, điểm quan trọng nhất là mô hình pháp lý của luật thủ đô lại không tìm thấy.

Ông Hiệp cho rằng, nếu chỉ là việc tìm ra những ưu đãi, chính sách cho Hà Nội thì chỉ cần Quốc hội ra nghị quyết mà không cần xây dựng một đạo luật cho Thủ đô. Nếu thiết kế ở tầm luật, cần phải khảo sát thấu đáo, trong đó phải xác định phần cốt lõi như bộ máy quản lý Thủ đô và cơ chế phối hợp với bên ngoài của bộ máy này.

Một luật quá rộng, đưa ra quá nhiều vấn đề, nhưng lại chưa có tính đặc thù cho Thủ đô, và có thể áp dụng cho bất cứ thành phố nào như  Tp HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... thì sự ra đời của nó là không phù hợp.

Hơn nữa, các vấn đề như đô thị hoá, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông... là vấn đề đặt ra đối với tất cả các địa phương chứ không chỉ riêng Hà Nội. Có lẽ, cách thuận nhất là xây dựng Luật đô thị và dành một chương riêng cho Thủ đô.

Diệp Văn Sơn

nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-07-viet-nam-can-luat-thu-do-hay-luat-do-thi-

1 nhận xét:

Phuc Nguyen nói...

ở nước ngoài có một rừng luật ...ở VN , vui lòng đọc ngược lại , :))