Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

091214- Bếp: Cái rốn của ngôi nhà

Nói bếp là “cái rốn” bởi nó như một khu vực “trung tâm” của ngôi nhà. Và tần suất sử dụng bếp ăn trong gia đình cao nhất so với tất cả các không gian chức năng khác. Giới thiết kế cho rằng, vị trí đặt cái rốn này tuỳ địa thế, không gian theo chiều ngang, chiều đứng, yếu tố thông thoáng... và nhất là ý muốn của gia chủ – người thừa hưởng nó.

Đặt bếp ăn ở đâu?

Bếp tổ chức ngay trước mặt tiền vừa trang trí đẹp vừa tiện dụng để tiếp khách

Bếp ăn có thể nằm ở trên tầng lửng nếu tầng trệt diện tích không cho phép hay phải dụng vào một công năng nào khác. Hoặc bếp ăn tổ chức ở tầng 2 hay 3 vì đó là trung tâm của ngôi nhà theo chiều đứng, các thành viên trong gia đình tề tựu thuận lợi, cự ly dịch chuyển ngắn lại. Hoặc vì yếu tố kết hợp kinh doanh, thành thử bếp lại được đưa lên tầng trên cùng. Cũng có khi bếp được thiết kế phía trước nhà, nếu nhà có bề ngang rộng, có thế đất thích hợp và công việc của gia chủ thường xuyên tiếp khách chẳng hạn...

Theo KTS Nguyễn Văn Châu, giám đốc công ty Tỷ Lệ Vàng thì với nhà ống, bếp thường thiết kế ở nhịp cuối cùng của căn nhà, vị trí này thường “thuận” theo ý nghĩ phong thuỷ trong dân gian – bếp nằm khuất sau hệ cầu thang, sau bàn ăn, sau đảo hay bar...; miệng bếp lò không đâm thẳng ra cửa trước. Và yếu tố thông thoáng, lấy sáng tự nhiên cần được quan tâm như bếp ăn tổ chức gần giếng trời, ví dụ. Vì thiếu sự đối lưu không khí tốt, bếp thường phải “lệ thuộc” năng lượng điện cho máy hút khói mùi, hơi nóng.

Trường hợp bếp ăn thiết kế ra phía ngoài, gần sảnh trước nhà không còn lạ, “vì tôi sống nhiều ở bếp ăn chớ không phải ở phòng khách!”, ông Trung Hiếu nhà ở quận 2 thiết kế bếp ăn ra mặt tiền, liền kề khu vực tiếp khách tâm tư vậy. Khi đó, bếp còn là những vật thể hình khối thẳng hay cong trang trí cho ngôi nhà vì bếp ăn ngày nay sạch đẹp và hiện đại. Hoặc đó còn là thói quen thường xuyên tiếp khách tại nhà với những bữa ăn lớn nhỏ của gia chủ. Hoặc vị trí đưa bếp ra phía trước đó thoáng khí, thuận lợi theo không gian mà ngôi nhà toạ lạc.

Sáng và sạch

Ánh sáng ấm chiếu tập trung từng vị trí để tiết kiệm điện.

Thay vì sử dụng gạch ceramic hay đá để ốp quanh khu vực bếp – khoảng giữa kệ treo và kệ bếp thì dùng kính mờ, kính trang trí để ốp. Với kính dễ dàng vệ sinh dầu mỡ hơn các chất liệu khác; gạch ốp, dầu mỡ sẽ bám khó tẩy ở các khe ron ximăng. Kiến trúc sư Trần Kế Hào, giám đốc công ty thiết kế xây dựng Chi An cho biết, điều bất trắc thường gặp là thiếu ổ cắm điện hay có ổ cắm nhưng đặt ở những vị trí không cần. Thành thử, phải kéo, chạy dây điện “lòng thòng” bên ngoài; nhiều khi bà nội trợ còn sạc điện thoại, xem tivi tại... bếp nữa. Tiên liệu những nhu cầu của gia chủ rất cần thiết để có sự bố trí tương thích nhất cho không gian bếp.

Để chiếu sáng chung cho không gian bếp thường sử dụng nguồn sáng tản bằng đèn nêông hay compact hoặc kết hợp nguồn sáng tại bàn ăn, vì bếp luôn sắp xếp kề với bàn ăn để cự ly dọn bữa ăn thuận tiện. Những vị trí khác quanh khu vực bếp thường lắp đặt nguồn sáng chiếu tập trung – ví dụ trong những tủ hay kệ xoay, vị trí bồn rửa, vị trí chế biến thức ăn, trên mặt bếp...; dụng đến đâu mới cần “tiêu hao” điện đến đó. Và khu vực bếp thường sử dụng đèn có ánh sáng ấm và bóng được “giấu” để không bị loá mắt khi kiến diện. Thân thiện môi trường nhất là khu vực bếp ăn lấy được nguồn sáng trời vào ban ngày bởi các hệ thống giếng trời, cửa sổ, gạch lấy sáng... trong điều kiện cho phép thiết kế.

bài và ảnh Nguyễn Sáu

nguồn: http://www.sgtt.com.vn/detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=60413&fld=HTMG/2009/1208/60413

7 nhận xét:

ĐKG . nói...

"Theo KTS Nguyễn Văn Châu, giám đốc công ty Tỷ Lệ Vàng thì với nhà ống, bếp thường thiết kế ở nhịp cuối cùng của căn nhà, vị trí này thường “thuận” theo ý nghĩ phong thuỷ trong dân gian – bếp nằm khuất sau hệ cầu thang, sau bàn ăn, sau đảo hay bar...; miệng bếp lò không đâm thẳng ra cửa trước. Và yếu tố thông thoáng, lấy sáng tự nhiên cần được quan tâm như bếp ăn tổ chức gần giếng trời,"....
điều này em thấy ở vn nhiều nhà áp dụng anh ạ :) mà cũng hopự lý

Đàm Quỳnh Anh nói...

Em vừa hỏi thì đã có ngay bài này rồi. :)
Người Việt mình thường xem hướng bếp cho gia đình mình phải không ạ? Hợp với tuổi của chủ nhà.

Ty Le Vang nói...

việc định vị trí theo hướng phong thủy các vật dụng chính trong nhà - nếu vị trí bố trí, hướng cho phép thì người thiết kế sẵn sàng làm theo đặt hàng của chủ đầu tư thôi.
trong trường hợp điều kiện không cho phép, thì phải phân tích ưu khuyết điểm của các phương án, khi đó chủ đầu tư sẽ thoải mái quyết định và chuẩn bị tâm lý cho những hệ lụy đi kèm của phương án họ chọn.
Cái chính là hướng phải bố trí khoa học và phù hợp mới là yếu tố quyết định. Hướng hợp với chủ nhà chỉ mang ý nghĩa tinh thần.
Một chị khách hàng ở HN mới vào Sg nhờ anh tư vấn có nhận xét: "hiện nay người ta lạm dụng vấn đề phong thủy và bắt đầu rối tinh rối mù lên rồi. Ở HN các công ty tư vấn phong thủy mọc lên như nấm. Nếu nghe theo mà không chọn lọc thì mình mang khổ vào thân".
nhận xét này cũng đáng để ta suy ngẫm...

Đàm Quỳnh Anh nói...

Không anh ạ! Đi xem thầy, chứ không nhờ các công ty tư vấn phong thủy. Giống như nhà ai cưới xin, đi coi thầy xem ngày đẹp tốt xấu đó.

Ty Le Vang nói...

hihi- mấy ông thầy cũng làm rối tinh rối mù các vấn đề.
có 1 lần- anh gặp 1 chủ nhà mang theo 3 tờ giấy của 3 ông thầy phong thủy- nhờ anh làm theo họ.
sau 1 hồi nghe anh phân tích, người chủ nhà đó...bỏ hết 3 tờ giấy đó luôn và giao cho anh tự quyết định!!!
giờ- tìm được 1 ông phong thủy đúng nghĩa thật khó- đa số thuộc làu làu trong 1 cuốn sách nào đó...
khổ cho người dân bị mất tiền thôi

Đàm Quỳnh Anh nói...

Vâng! Tại vì có nhiều thầy phong thủy dốt chứ không phải do người dân mình.

Ty Le Vang nói...

em có xem ông thầy nào không đó? :-)