TLV: tôi cứ trăn trở mãi mà không hiểu rõ được mấu chốt nằm ở đâu.
Trên mọi phương tiện báo đài đều có tiêu chí tốt cho người có thu nhập thấp- nên có loại hình “nhà ở cho người thu nhập thấp”- điều này đồng nghĩa với nhà sẽ có diện tích thu gọn lại đến mức tối thiểu và đơn giá xây dựng thấp tối đa để sản phẩm đến được tay người có nhu cầu thật sự.
Sau đó- loại hình này bị một áp lực vô hình đó là: sản phẩm phải có chất lượng khá (nhưng mà người ta lại quên mất câu- tiền nào của đó)- và hầu như chúng ta đang lúng túng khi văn hóa, nếp sinh họat của người có thu nhập thấp được lồng vào trong những mô hình hiện đại thế này; và điều làm đau đầu nhiều nhà quản lý nhất đó là sản phẩm này không đến được tay người có nhu cầu thật sự, hoặc với số lượng rất ít!
Rõ ràng là chúng ta đang chơi chữ và chưa tìm được hướng giải quyết.
Rối rắm thay…
Nguồn: http://www.vir.com.vn/Client/dautu/dautu.asp?CatID=50&DocID=17848
Nhà ở giá rẻ (với mức giá khoảng 10 triệu đồng/m2) sẽ vẫn là “giấc mơ” cho những người có thu nhập trung bình và thấp, khi rất ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào phân khúc này.
Ảnh: Hoài Nam
Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, đây là “thời cơ vàng” để doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nhà ở giá rẻ. Ông Nga phân tích: trong khi phân khúc chung cư cao cấp và biệt thự trầm lắng do sự suy giảm của kinh tế chung, để vượt qua khó khăn, các DN kinh doanh BĐS cần chuyển mạnh sang phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, giá nguyên vật liệu đang giảm mạnh, nhiều loại vật liệu xây dựng chính như xi măng, sắt thép, gạch… đã giảm trung bình 30-50% so với 6 tháng trước. Mặt khác, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, trong khi chung cư cao cấp giảm giá mạnh, thì loại nhà ở với giá trung bình 500 triệu - 1 tỷ đồng được tìm mua ráo riết và giá không hề giảm. Điều đó chứng tỏ nhu cầu về loại nhà ở này là rất lớn.
Ông Brett Ashto, Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam cho biết, nếu thị trường BĐS chia ra 100 phần, thì phân khúc thị trường cao cấp chỉ chiếm khoảng 10%. Do vậy, nhà đầu tư nên để ý tới thị trường căn hộ trung bình trở xuống và thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với thu nhập của giới nhân viên, các hộ gia đình trẻ đang sống và làm việc tại thành phố. Theo thống kê, năm 2007, Việt Nam có thêm gần 50.000 gia đình trẻ, nên nhu cầu về nhà ở giá rẻ là rất lớn.
Mặc dù có những khuyến cáo mạnh mẽ như vậy, nhưng ngoài Công ty Địa ốc Đất Lành vừa hoàn tất thủ tục để khởi công Dự án căn hộ giá rẻ Thái An 3 và 4 tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM), thì ở Hà Nội, hiện chưa có DN nào bày tỏ những kế hoạch tương tự. Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, Công ty đã xin phép điều chỉnh thiết kế căn hộ cho dự án, nhằm giảm chi phí xây dựng.
Theo đó, 700 căn hộ của Dự án Thái An 3 và 4 sẽ có thiết kế 30-45 m2/căn thay vì 60-130 m2/căn như trước đây. Giá bán dự tính khoảng 12 triệu đồng/m2, tương đương 350-500 triệu đồng/căn. Đây là những căn hộ dành cho các bạn trẻ mới lập gia đình và những người có mức thu nhập trung bình.
Trong khi người mua tìm các dự án nhà giá rẻ khó như “mò kim đáy bể”, thì các dự án BĐS khởi công trên địa bàn TP. Hà Nội từ giữa quý II/2008 đến nay như: Khu đô thị Tây Hồ Tây, TSQ Euro Land, Khu đô thị mới Thanh Hà - Cienco 5, Khu đô thị Bắc An Khánh… đều tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp. Giá bán nhà tại các dự án này thấp nhất cũng ở mức trên 1.000 USD/m2, ở ngoài “tầm với” của hầu hết người có thu nhập trung bình và thấp.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc các DN không mặn mà với phân khúc nhà ở giá rẻ, theo ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Hoà Phát, đó là do tiền sử dụng đất mà DN phải nộp cho Nhà nước còn quá cao. Thực tế, trên cùng một diện tích đất được thuê, nếu đầu tư vào lĩnh vực nhà ở cao cấp, thì DN sẽ lãi hơn nhiều so với nhà ở giá rẻ. Mặt khác, với thủ tục xin cấp phép trung bình 2-3 năm cho một dự án nhà ở và thời gian thu hồi vốn trung bình 10-15 năm, rất ít DN dám mạo hiểm đầu tư vào phân khúc này.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, điều quan trọng nhất là tạo ra được một “thị trường nhà ở giá rẻ”, có khả năng mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, thì mới có thể thu hút được nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực này một cách lâu dài.
Hiện tại, một số DN cũng bày tỏ nguyện vọng đầu tư nhà ở phù hợp với mức thu nhập của đa số cán bộ, viên chức, nhưng việc thuê đất lại gặp rất nhiều khó khăn. Nếu Nhà nước có một chính sách cụ thể hơn về vấn đề thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai cho các DN xây dựng nhà ở giá rẻ, thì câu chuyện sẽ có khả năng được giải quyết tốt hơn nhiều
Hà Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét