Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2009

090111- Cần xem lại tính hiệu quả của các công trình thoát nước

Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư nâng cấp, tu bổ, làm mới các công trình hạ tầng đô thị như đường sá, cầu cống, hệ thống cấp thoát nước... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của TP. Việc thi công các dự án này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, đi lại, buôn bán kinh doanh của người dân một thời gian dài, gây ra những hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, không ít công trình hạ tầng khi hoàn thành đã không phát huy được hiệu quả. Đáng chú ý phải kể đến một số hạng mục thoát nước được thi công kèm theo các công trình nâng cấp, mở rộng đường.
Photobucket
Khu vực vòng xoay Kinh Dương Vương ngập khi triều cường
CỐNG MỚI NHƯNG ĐƯỜNG VẪN NGẬP
Đường Kinh Dương Vương dài khoảng 4km nối từ bùng binh Phú Lâm, quận 6 đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân, được TP đầu tư mở rộng lên 6 làn xe, đã hoàn thành đưa vào sử dụng chừng 6 năm nay. Tuyến giao thông này rất quan trọng, là cửa ngõ nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL, vì vậy lượng người, phương tiện lưu thông qua đây rất lớn. Từ khi mở rộng, nền đường được tôn cao so với trước đến hơn nửa mét, hệ thống cống thoát nước hai bên cũng được làm mới. Ai cũng nghĩ với nền đường mới được tôn cao, ngập nước sẽ không còn nữa. Thế nhưng sự việc đã không diễn ra như thế, tình trạng nước ngập vẫn tiếp diễn như hồi chưa nâng cấp, thậm chí có nhiều điểm nước ngập rất sâu tới 40cm - 50cm những khi mưa lớn hoặc triều cường và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ làm tắc nghẽn giao thông và gây khó khăn cho cuộc sống của người dân quanh khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường, trong đó nặng nhất phải kể đến cư xá Phú Lâm A và B. Người dân đã phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để nâng nền nhà mình và đường hẻm xung quanh nhưng vẫn phải chịu cảnh “sống chung với nước ngập”.

Cùng hoàn cảnh với đường Kinh Dương Vương là tuyến QL13 đoạn từ ngã tư đài liệt sĩ đến chân cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh. Đoạn đường này nằm trong dự án cầu đường Bình Triệu 2, được khởi công vào năm 2001 và hoàn thành đưa vào sử dụng ba năm sau đó. Trước đây, khu vực này là trọng điểm ngập úng của TP, do nằm sát sông Sài Gòn nên mỗi khi thủy triều dâng cao là nước tràn vào nhà dân. Vì vậy khi tiến hành làm công trình này, đơn vị thi công đã tôn nền đường lên cả mét và làm hệ thống cống thoát nước mới. Người dân khấp khởi mừng thầm, họ chấp nhận bỏ tiền để nâng cao nền nhà mình theo mặt đường, miễn sao thoát được ngập. Thế nhưng khi công trình hoàn thành, tình trạng ngập úng khi trời mưa lớn hay triều cường vẫn tiếp diễn, người dân tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt và vệ sinh môi trường do nước ngập gây ra.

Tai tiếng nhất trong số những công trình kiểu này phải kể đến đường Nguyễn Hữu Cảnh, nối từ chân cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh đến đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Tuyến đường này được xây dựng vào dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM. Thế nhưng từ ngày đưa vào sử dụng đến nay con đường này luôn là tâm điểm ngập úng. Ngập nặng nhất phải kể đến đoạn đi qua quận Bình Thạnh, hệ thống cống thoát nước nơi đây hình như không có tác dụng, vì vậy mỗi khi trời mưa hay triều cường là nước ngập lút bánh xe. Ngành giao thông đã nhiều lần đổ đá, nhựa tôn cao nền đường, nhưng đường lên nước cũng lên, việc ngập úng ở tuyến này vẫn không được cải thiện. Cùng với những sự cố của cầu Văn Thánh 2 nằm trên tuyến đường này thì ngập nước cũng góp phần khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh trở nên “nổi tiếng” trên báo chí.
Photobucket
Đường Nguyễn Hữu Cảnh là tâm điểm ngập úng
COI CHỪNG ĐI VÀO “VẾT XE ĐỔ”
Việc các công trình thoát nước trên một số tuyến đường phát huy hiệu quả không cao chủ yếu là do lỗi chủ quan. Những nguyên nhân khách quan như nền đất lún hay nước thủy triều ngày càng dâng cao chỉ là một phần rất nhỏ, bởi để đất lún tự nhiên được 1cm có khi phải mất đến hàng chục năm, còn nước dâng cao do băng tan cũng không thể diễn ra trong vài năm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là nằm ở tầm nhìn của nhà quy hoạch, tư vấn thiết kế dự án. Khi thiết kế, họ phải tính toán được lượng nước tiêu thoát khi mưa hoặc triều cường, từ đó cần xây dựng hệ thống cống đủ lớn để không gây ngập úng. Hiện nay TP đang triển khai dự án nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở các quận nội thành. Hầu như tuyến đường nào cũng bị đào xới để thay thế cống, những “lô cốt” thi nhau mọc lên như nấm sau mưa đã gây rất nhiều khó khăn cho giao thông và cuộc sống của người dân. Mặc dù hiện nay mới đang trong giai đoạn thi công nên chưa thể nói được gì về hiệu quả của dự án, tuy nhiên dư luận đang tỏ ra hoài nghi khi thấy trên một số tuyến đường hệ thống cống được lắp đặt quá bé, khó có thể đáp ứng yêu cầu thoát nước của phố phường.

TPHCM đang phải đối mặt với hai thực trạng rất lớn và nan giải là giao thông và ngập nước. Cả hai vấn đề này hiện nay chúng ta vẫn đang loay hoay tìm lối thoát tối ưu. Việc càng chống càng ngập đã diễn ra ở nhiều nơi tại TP, cứu được một điểm này hết ngập lại phát sinh ra hai ba chỗ ngập khác trong thực tế đã diễn ra. Chính vì vậy việc đầu tư lớn để nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị là cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng. Nếu chúng ta tính toán không chuẩn, tầm nhìn không xa thì hệ thống thoát nước này khi hoàn thành sẽ không phát huy hiệu quả tối đa. Nếu không chỉ ít năm nữa người dân TP lại phải đối mặt với cảnh đào xới đường sá để nâng cấp hệ thống cống thoát nước, như thế vừa tốn kém tiền bạc vừa làm khổ dân.
MINH TÂN

Không có nhận xét nào: