Nguồn: http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?ColumnId=35&fld=HTMG/2008/1212/44784&newsid=44784
Một trong những không gian công cộng đầu tiên được người Pháp quy hoạch cho Sài Gòn nằm ngay khu trung tâm thành phố. Ảnh: Trần Việt Đức
“Nhà bán, gần chợ, trường, bệnh viện, nhà thờ…”, những tiện ích xã hội này, được người rao bán nhà sử dụng như hình thức quảng cáo hấp dẫn cho sản phẩm của mình. Hấp dẫn, quan trọng là vậy, song thực tế những chủ đầu tư và người làm quy hoạch đang bỏ qua hầu hết những tiện ích này
Đô thị kiểu mẫu: đẹp – sang, nhưng vẫn thiếu
Không phải tự nhiên cơ quan quản lý nhà nước lại cấp “bằng” cho Phú Mỹ Hưng (PMH) là đô thị kiểu mẫu. Để là đô thị kiểu mẫu, PMH đã chuẩn bị tốt cho hạ tầng cơ sở. Hệ thống đường sá rộng, thoáng, mật độ cây xanh dày… đã tạo môi trường sống tốt cho cư dân.
Được xem là đô thị đẹp, song chỉ cư dân PMH mới cảm nhận được họ đang thiếu cái gì, cần cái gì. Trong hầu hết những toà cao ốc của khu đô thị này, tiện ích sang trọng như hồ bơi, vườn, phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ… đều có, nhưng chỗ để tổ chức mở tiệc chiêu đãi bạn bè, tránh phiền phức cho những hộ liền kề, thì lại không có. Tại những cao ốc “đời đầu” của PMH, những tiện ích cộng đồng này còn khiêm tốn hơn, thậm chí những phòng cộng đồng, phòng tập thể thao… không có trong thực tế.
Nhờ môi trường sống chuẩn mực, tốt nên PMH được nhiều cư dân nước ngoài đến sống, và làm việc tại Việt Nam chọn làm nơi cư trú. Nhiều sắc dân kèm theo nhiều loại hình tôn giáo, nhưng trên diện tích hơn 400 hecta, hầu hết chỉ có quy hoạch nhà, công viên…, còn họ muốn tìm một khu đất dành nơi sinh hoạt tôn giáo, thì lại không có. Do đó, cư dân nước ngoài muốn sinh hoạt tôn giáo, họ phải tự... kiếm!
Lý giải cho việc thiếu nơi tổ chức “nghĩa tận”, một nhân viên của PMH thừa nhận là chưa tính đến việc xây dựng nhà tang lễ, vì theo quan niệm Á Đông, nếu có một khu riêng như vậy, đất xung quanh đó sẽ không thể đưa vào kinh doanh. Còn đất dành riêng xây nhà chùa, nhà thờ…, PMH vẫn chưa tính đến.
Điều đáng chú ý là, ở đô thị PMH chỉ có một siêu thị cỡ nhỏ của Co.opmart và hệ thống bán lẻ với giá “sang” rải rác tại các cao ốc.
“Đường nội bộ tại đây tốt, nhưng những tuyến đường liên kết bao quanh PMH để ra ngoài, thì lại quá nhỏ, thường xuyên kẹt xe, nhiều khi muốn tìm một tiệm ăn vừa miệng, mình vã cả mồ hôi”, anh Nguyễn Linh, cư dân PMH nói.
Quy hoạch mới: chỉ đáp ứng nhu cầu ở
Hầu hết những khu dân cư mới được quy hoạch, hình thành cách đây khoảng năm năm không có đất dành cho sinh hoạt cộng đồng. Các hạng mục như chợ, trường học, bệnh viện, sinh hoạt tôn giáo… đã bị bỏ qua.
Điểm lại những khu vực có dự án “nóng” như địa bàn quận 2, 9, các dự án chỉ chú trọng đến kinh doanh nhà ở, đất ở, gần như không quan tâm đến những hạng mục mang tính sinh hoạt cộng đồng.
Ở phường Bình Khánh, quận 2, trong 225,2 hecta đất tự nhiên toàn phường, 90% diện tích được quy hoạch mới với 15 dự án. Trong 13 dự án đã được giao đất, có tám dự án nhà ở, còn lại là những dự án công trình trọng điểm của thành phố như đường ống nước BOO, đại lộ đông tây, UBND phường… Ông Nguyễn Xuân Hùng, phó chủ tịch UBND phường Bình Khánh cho biết, những dự án mới quy hoạch này, chỉ chú trọng đến công viên cây xanh, nhà ở, trường mẫu giáo, còn những tiện ích xã hội khác như: chợ, bệnh viện, trường học cấp 2, 3… thì chưa thấy. Theo ông Hùng, đến nay, trụ sở công an phường vẫn chưa có.
Tại quận 9, hiện có 221 dự án trên địa bàn quận, với diện tích đất được quy hoạch là 3.231 hecta/11.400 hecta đất tự nhiên của quận. Diện tích quy hoạch mới khá lớn, nhưng tại các dự án, chỉ mới dừng ở mức nền nhà, căn hộ. Dọc theo đường Bưng Ông Thoàn, đường Liên Phường… hàng chục dự án khu dân cư mới nối tiếp nhau, trải dài hàng trăm hecta, nhưng tại những tấm bảng giới thiệu dự án, chủ yếu vẫn là lô, nền đất ở. Diện tích dành cho công viên, sinh hoạt cộng đồng chỉ là những khoanh đất khiêm tốn.
Theo một cán bộ phòng tài nguyên và môi trường quận 9, quy hoạch hiện nay tuỳ theo quy mô dự án, nếu dự án lớn thì buộc phải có chợ, trường mầm non, trạm xá. Trường cấp 2, 3, thì do cấp quận quy hoạch xây dựng; còn bệnh viện, nơi sinh hoạt tôn giáo, thì không có đất trong các khu dân cư mới.
Các nhà quản lý đô thị đang cố gắng không để đất hoang hoá, tránh lãng phí quỹ đất sau quy hoạch, song với hạ tầng xã hội, giao thông hiện nay, việc lãng phí quỹ đất vì thiếu hạ tầng là chuyện khó tránh khỏi.
P. V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét