Thứ Năm, 22 tháng 1, 2009

090122- 10 nam logo Đại học Quốc gia

Vô tình lục lại mớ hình cũ mới phát hiện ra sự trùng hợp thú vị.

10 năm trước logo ĐHQG làn đầu tiên xuất hiện trên lịch

Photobucket

tin đang trên báo Tuổi trẻ

Photobucket

Photobucket

Photobucket

nhìn lại những sản phẩm sách, tài liệu có in logo này với tỷ lệ bị biến dạng, tự nhiên thấy buồn.

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

090117- Biểu tượng TP.HCM

Photobucket

TLV: Hòa cùng không khí đón Tết, mặc dù không hào hứng như mọi năm, TLV gởi lại logo dự thi Biểu tượng cho TPHCM. Qua ý tưởng thuyết minh cho logo, TLV chúc mọi người một năm an lành và thịnh vượng.

BIỂU TƯỢNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Biểu tượng mang dáng dấp một mũi tên đi lên, với màu xanh của yên bình, sự mềm mại ,hiền hòa của dòng sông Sài gòn, quá trình phát triển từ ba khu dân cư đô thị đầu tiên của Sài gòn đến những vùng đô thị mới của TP.HCM- qua tâm nhấn là hình ảnh của vùng đất Thủ thiêm.
Tất cả như hòa quyện với nhau tạo thành một thể thống nhất- đó là biểu tượng của TP.HỒ CHÍ MINH.

Ý tưởng chính
o Ba chấm tròn- tượng trưng cho ba khu vực dân cư đầu tiên của TP.HCM trên 300 năm trước (Sài gòn, Gia định, Chợ lớn) -khu vực dân cư quan trọng trong lịch sử hình thành TP- gắn liền với con sông Sài gòn – ở đây, sông Sài gòn chỉ được giới hạn bởi 1 bên (Thủ thiêm) thể hiện sự hoà quyện, gắn kết chặt chẽ giữa các thành phần này với nhau- yếu tố lịch sử, truyền thống.
o Ba mảng màu còn lại- tượng trưng cho những vùng đầt đã và đang phát triển thông qua hình dáng của bán đảo Thủ thiêm- hình ảnh tiêu biểu cho TP.HCM trong thời kỳ phát triển- yếu tố kinh tế , xã hội.
o Mảng màu lớn được chia làm ba bởi hai đường cong nhẹ nhàng, mềm mại: hệ thống kênh rạch rất đặc trưng cho vùng đất TP.HCM- yếu tố địa lý- sự giao lưu văn hóa, kinh tế xã hội giữa TP.HCM và các nước trong khu vực nói chung, và các tỉnh thành trong cả nước nói riêng.
o Hai hình tam giác nhỏ: sự kết dính, liên thông chặc chẽ với nhau giữa các vùng đất – đồng thời cũng là hình ảnh đàn chim- đang trong giai đọan sung sức nhất tung cánh- kéo về làm tổ-
“ đất lành chim đậu ”- yếu tố nhân văn.
o Màu sắc: 1 màu xanh lá cây đơn giản với 3 sắc độ thể hiện ý:
- Sự vươn lên của những vùng đất mới, kết hợp với vùng đất cũ tạo thành một liên kết chặt chẽ tạo thành một khối vững chắc (hình vuông).
- TP.HCM đang trên đà phát triển, với nhiều ngành nghề mũi nhọn nhưng nền tảng của tất cả vẫn dựa trên cơ sở phát triển bền vững với xanh lá cây là màu chủ đạo.
- Tính thống nhất trong sự đa tôn giáo, đa dân tộc (3 sắc độ)- yếu tố đòan kết dân tộc, tạo sự vững mạnh.
o Chữ TP.HỒ CHÍ MINH thanh thoát, thể hiện bản chất của người Sài gòn- nhẹ nhàng, thanh cao.

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2009

090116- Nhà ở giá rẻ: Vẫn chỉ là ‘khuyến cáo’

TLV: tôi cứ trăn trở mãi mà không hiểu rõ được mấu chốt nằm ở đâu.

Trên mọi phương tiện báo đài đều có tiêu chí tốt cho người có thu nhập thấp- nên có loại hình “nhà ở cho người thu nhập thấp”- điều này đồng nghĩa với nhà sẽ có diện tích thu gọn lại đến mức tối thiểu và đơn giá xây dựng thấp tối đa để sản phẩm đến được tay người có nhu cầu thật sự.

Sau đó- loại hình này bị một áp lực vô hình đó là: sản phẩm phải có chất lượng khá (nhưng mà người ta lại quên mất câu- tiền nào của đó)- và hầu như chúng ta đang lúng túng khi văn hóa, nếp sinh họat của người có thu nhập thấp được lồng vào trong những mô hình hiện đại thế này; và điều làm đau đầu nhiều nhà quản lý nhất đó là sản phẩm này không đến được tay người có nhu cầu thật sự, hoặc với số lượng rất ít!

Rõ ràng là chúng ta đang chơi chữ và chưa tìm được hướng giải quyết.

Rối rắm thay…

Nguồn: http://www.vir.com.vn/Client/dautu/dautu.asp?CatID=50&DocID=17848

Nhà ở giá rẻ (với mức giá khoảng 10 triệu đồng/m2) sẽ vẫn là “giấc mơ” cho những người có thu nhập trung bình và thấp, khi rất ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào phân khúc này.

Ảnh: Hoài Nam

Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, đây là “thời cơ vàng” để doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nhà ở giá rẻ. Ông Nga phân tích: trong khi phân khúc chung cư cao cấp và biệt thự trầm lắng do sự suy giảm của kinh tế chung, để vượt qua khó khăn, các DN kinh doanh BĐS cần chuyển mạnh sang phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, giá nguyên vật liệu đang giảm mạnh, nhiều loại vật liệu xây dựng chính như xi măng, sắt thép, gạch… đã giảm trung bình 30-50% so với 6 tháng trước. Mặt khác, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, trong khi chung cư cao cấp giảm giá mạnh, thì loại nhà ở với giá trung bình 500 triệu - 1 tỷ đồng được tìm mua ráo riết và giá không hề giảm. Điều đó chứng tỏ nhu cầu về loại nhà ở này là rất lớn.

Ông Brett Ashto, Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam cho biết, nếu thị trường BĐS chia ra 100 phần, thì phân khúc thị trường cao cấp chỉ chiếm khoảng 10%. Do vậy, nhà đầu tư nên để ý tới thị trường căn hộ trung bình trở xuống và thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với thu nhập của giới nhân viên, các hộ gia đình trẻ đang sống và làm việc tại thành phố. Theo thống kê, năm 2007, Việt Nam có thêm gần 50.000 gia đình trẻ, nên nhu cầu về nhà ở giá rẻ là rất lớn.

Mặc dù có những khuyến cáo mạnh mẽ như vậy, nhưng ngoài Công ty Địa ốc Đất Lành vừa hoàn tất thủ tục để khởi công Dự án căn hộ giá rẻ Thái An 3 và 4 tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM), thì ở Hà Nội, hiện chưa có DN nào bày tỏ những kế hoạch tương tự. Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, Công ty đã xin phép điều chỉnh thiết kế căn hộ cho dự án, nhằm giảm chi phí xây dựng.

Theo đó, 700 căn hộ của Dự án Thái An 3 và 4 sẽ có thiết kế 30-45 m2/căn thay vì 60-130 m2/căn như trước đây. Giá bán dự tính khoảng 12 triệu đồng/m2, tương đương 350-500 triệu đồng/căn. Đây là những căn hộ dành cho các bạn trẻ mới lập gia đình và những người có mức thu nhập trung bình.

Trong khi người mua tìm các dự án nhà giá rẻ khó như “mò kim đáy bể”, thì các dự án BĐS khởi công trên địa bàn TP. Hà Nội từ giữa quý II/2008 đến nay như: Khu đô thị Tây Hồ Tây, TSQ Euro Land, Khu đô thị mới Thanh Hà - Cienco 5, Khu đô thị Bắc An Khánh… đều tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp. Giá bán nhà tại các dự án này thấp nhất cũng ở mức trên 1.000 USD/m2, ở ngoài “tầm với” của hầu hết người có thu nhập trung bình và thấp.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc các DN không mặn mà với phân khúc nhà ở giá rẻ, theo ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Hoà Phát, đó là do tiền sử dụng đất mà DN phải nộp cho Nhà nước còn quá cao. Thực tế, trên cùng một diện tích đất được thuê, nếu đầu tư vào lĩnh vực nhà ở cao cấp, thì DN sẽ lãi hơn nhiều so với nhà ở giá rẻ. Mặt khác, với thủ tục xin cấp phép trung bình 2-3 năm cho một dự án nhà ở và thời gian thu hồi vốn trung bình 10-15 năm, rất ít DN dám mạo hiểm đầu tư vào phân khúc này.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, điều quan trọng nhất là tạo ra được một “thị trường nhà ở giá rẻ”, có khả năng mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, thì mới có thể thu hút được nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực này một cách lâu dài.

Hiện tại, một số DN cũng bày tỏ nguyện vọng đầu tư nhà ở phù hợp với mức thu nhập của đa số cán bộ, viên chức, nhưng việc thuê đất lại gặp rất nhiều khó khăn. Nếu Nhà nước có một chính sách cụ thể hơn về vấn đề thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai cho các DN xây dựng nhà ở giá rẻ, thì câu chuyện sẽ có khả năng được giải quyết tốt hơn nhiều

Hà Quang

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2009

090112- TLV Chúc Mừng Năm Mới 2009

Photobucket

Chúc Mừng Năm Mới 2009

090112- Công trình xây dựng có phép của Hà Nội tăng đột biến

Theo Nguyễn Hưng (VNE)

Tỷ lệ công trình có phép đã tăng mạnh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Sau một năm kiên quyết "cắt ngọn" công trình sai phạm, tỷ lệ công trình xây dựng có phép của Hà Nội đạt 92%.

Chiều 8/1, Sở Xây dựng Hà Nội đã sơ kết công tác quản lý trật tự năm 2008 trên địa bàn thành phố. Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở, nhiều địa bàn trọng điểm về xây dựng không phép trước đây đã có chuyển biến đáng ngạc nhiên như huyện Đông Anh, quận Cầu Giấy, huyện Gia Lâm... Số vụ vi phạm trật tự xây dựng cũng giảm so với năm 2007.

Tuy nhiên, ông Thọ thừa nhận trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội vẫn rất phức tạp, việc quản lý chỉ tập trung ở địa bàn Hà Nội cũ và thành phố Hà Đông, Sơn Tây. "Quản lý trật tự ở các huyện của Hà Tây cũ còn rất hạn chế. Mỗi huyện cả năm chỉ cấp được hai, ba chục giấy phép, thậm chí như huyện Phú Xuyên không cấp được giấy phép nào", ông Thọ cho biết.

Đại diện các địa bàn ngoại thành và giáp ranh như quận Long Biên, huyện Từ Liêm và thành phố Hà Đông cũng thừa nhận, từ trước đến nay, người dân xây nhà vẫn có thói quen tự phát. "Thanh tra xây dựng cấp phường đang trong giai đoạn thành lập, tập huấn nên việc quản lý rất khó khăn", phó chủ tịch quận Long Biên cho biết.

Ngoài ra, nhiều tồn tại trong công tác quản lý trật tự xây dựng của Hà Nội dẫn đến hàng loạt hậu quả, làm méo mó bộ mặt thủ đô như các công trình "siêu mỏng méo" vẫn tiếp tục xuất hiện sau giải phóng mặt bằng, bụi bẩn khắp thành phố do thiếu bảo đảm vệ sinh môi trường tại các công trình...

Nguồn: http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=239604

090112- Chúng ta loay hoay đến bao giờ...?(P.2)

HIN TRNG MT S TRC CNH QUAN BO TN -KHU PH C QUN 5.

Những dãy nhà phố trong khu phố được bảo tồn đã mất đi nét đẹp vốn có (thời điểm 2004).

Khu phố cổ, được đưa vào danh sách bảo tồn còn như thế. Thử hỏi những khu chỉnh trang sẽ như thế nào với cách quản lý như hiện nay.

Vấn đề nằm ở đâu? Hay là cách đặt vấn đề đã bị lệch hướng ngay từ đầu?

Hình trích trong luận văn thạc sỹ -“Định hướng tổ chức không gian khu dân cư có giá trị lịch sử ở

TP.HCM” của ThS.KTS. Nguyễn Văn Châu- 2004.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

và khu phố Hàng Đào-2004

Photobucket

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2009

090111- CHÚNG TA LOAY HOAY ĐẾN BAO GIỜ…?(TLV viết đó nhe hihi)

Nhân dịp mấy hôm nay báo Tuổi trẻ, Pháp luật TP đưa một số thông tin về chuyện nhà sai phép; kết hợp với những lời dè bĩu, chỉ trích, khiêu khích, thách thức, của một số bạn bè thân thiết (hihi) về chuyện TLV ít viết quá, nên hôm nay TLV cũng tham gia vài ý kiến trao đổi.

Mong là qua vài topic, mọi người sẽ hiểu về vấn đề này hơn.

Bài đầu tiên, thử làm một sơ đồ các bước liên quan đến quá trình xây dựng một ngôi nhà xem.

· GIAI ĐOẠN 1- THIẾT KẾ.

- Phương án thiết kế: là bản vẽ sơ bộ thể hiện các thành phần của công trình (kích thước miếng đất, lưới cột, phòng , thông tầng , giếng trời, độ cao, ban công,…). Trước tiên, đầu tư cung cấp thông tin về Quy hoạch của lô đất (có được từ phòng quản lý đô thị quận) và nhu cầu, sở thích, ý muốn của mình về ngôi nhà với KTS. KTS dựa vào đó phát triển ra phương án thiết kế thỏa các yêu cầu và nhất là có quy mô phù hợp với gpxd dựng. Nếu phương án của KTS được chủ đầu tư thông qua, phương án này có thể được dùng để xin gpxd và bên thiết kế có thể tiến hành triển khai kỹ thuật cho công trình.

Lưu ý: phương án này chưa đủ để thay cho bản vẽ xin gpxd.

- Triển khai kỹ thuật: tùy theo thỏa thuận của chủ đầu tư và bên thiết kế. Thông thường hồ sơ bao gồm: các bản vẽ chi tiết về Kiến trúc, Kết cấu, Điện, Nước, Dư toán, phối cảnh ngoại thất công trình.

Thời gian trung bình 1 đến 2 tháng.

· GIAI ĐOẠN 2- XIN GIẤY PHÉP XD.

Chủ đầu tư mua một bộ hồ sơ xin phép xd ở phòng qlđt quận.

Sử dụng phương án thiết kế đã thông qua với KTS thiết kế nhờ một công ty vẽ bản vẽ xin phép.

Lưu ý: nếu chủ đầu tư muốn thời gian có gp đúng như ngày hẹn thì nên nhờ một công ty trong địa bàn của quận.

Thời gian trung bình 1 tháng.

· GIAI ĐOẠN 3- THI CÔNG.

Giai đoạn này chủ đầu tư và công ty thi công phải chuẩn một số giấy tờ liên quan: gpxd, hợp đồng đăng ký thuế, giấy mượn lề đường để thi công,… trong quá trình thi công, đội trật tự đô thị, quản lý đô thị phường, quận sẽ đột xuất kiểm tra theo từng cá nhân hay nhóm riêng.

Thời gian trung bình 6 tháng.

· GIAI ĐOẠN 4- HOÀN CÔNG

Hồ sơ được phòng qlđt hướng dẫn. Hồ sơ gồm giấy phép xd bản chính, biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình, hóa đơn tài chính, và một số giấy tờ khác.

Thời gian: tùy từng công trình.

TLV (còn tiếp)

090111- Cần xem lại tính hiệu quả của các công trình thoát nước

Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư nâng cấp, tu bổ, làm mới các công trình hạ tầng đô thị như đường sá, cầu cống, hệ thống cấp thoát nước... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của TP. Việc thi công các dự án này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, đi lại, buôn bán kinh doanh của người dân một thời gian dài, gây ra những hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, không ít công trình hạ tầng khi hoàn thành đã không phát huy được hiệu quả. Đáng chú ý phải kể đến một số hạng mục thoát nước được thi công kèm theo các công trình nâng cấp, mở rộng đường.
Photobucket
Khu vực vòng xoay Kinh Dương Vương ngập khi triều cường
CỐNG MỚI NHƯNG ĐƯỜNG VẪN NGẬP
Đường Kinh Dương Vương dài khoảng 4km nối từ bùng binh Phú Lâm, quận 6 đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân, được TP đầu tư mở rộng lên 6 làn xe, đã hoàn thành đưa vào sử dụng chừng 6 năm nay. Tuyến giao thông này rất quan trọng, là cửa ngõ nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL, vì vậy lượng người, phương tiện lưu thông qua đây rất lớn. Từ khi mở rộng, nền đường được tôn cao so với trước đến hơn nửa mét, hệ thống cống thoát nước hai bên cũng được làm mới. Ai cũng nghĩ với nền đường mới được tôn cao, ngập nước sẽ không còn nữa. Thế nhưng sự việc đã không diễn ra như thế, tình trạng nước ngập vẫn tiếp diễn như hồi chưa nâng cấp, thậm chí có nhiều điểm nước ngập rất sâu tới 40cm - 50cm những khi mưa lớn hoặc triều cường và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ làm tắc nghẽn giao thông và gây khó khăn cho cuộc sống của người dân quanh khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường, trong đó nặng nhất phải kể đến cư xá Phú Lâm A và B. Người dân đã phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để nâng nền nhà mình và đường hẻm xung quanh nhưng vẫn phải chịu cảnh “sống chung với nước ngập”.

Cùng hoàn cảnh với đường Kinh Dương Vương là tuyến QL13 đoạn từ ngã tư đài liệt sĩ đến chân cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh. Đoạn đường này nằm trong dự án cầu đường Bình Triệu 2, được khởi công vào năm 2001 và hoàn thành đưa vào sử dụng ba năm sau đó. Trước đây, khu vực này là trọng điểm ngập úng của TP, do nằm sát sông Sài Gòn nên mỗi khi thủy triều dâng cao là nước tràn vào nhà dân. Vì vậy khi tiến hành làm công trình này, đơn vị thi công đã tôn nền đường lên cả mét và làm hệ thống cống thoát nước mới. Người dân khấp khởi mừng thầm, họ chấp nhận bỏ tiền để nâng cao nền nhà mình theo mặt đường, miễn sao thoát được ngập. Thế nhưng khi công trình hoàn thành, tình trạng ngập úng khi trời mưa lớn hay triều cường vẫn tiếp diễn, người dân tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt và vệ sinh môi trường do nước ngập gây ra.

Tai tiếng nhất trong số những công trình kiểu này phải kể đến đường Nguyễn Hữu Cảnh, nối từ chân cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh đến đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Tuyến đường này được xây dựng vào dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM. Thế nhưng từ ngày đưa vào sử dụng đến nay con đường này luôn là tâm điểm ngập úng. Ngập nặng nhất phải kể đến đoạn đi qua quận Bình Thạnh, hệ thống cống thoát nước nơi đây hình như không có tác dụng, vì vậy mỗi khi trời mưa hay triều cường là nước ngập lút bánh xe. Ngành giao thông đã nhiều lần đổ đá, nhựa tôn cao nền đường, nhưng đường lên nước cũng lên, việc ngập úng ở tuyến này vẫn không được cải thiện. Cùng với những sự cố của cầu Văn Thánh 2 nằm trên tuyến đường này thì ngập nước cũng góp phần khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh trở nên “nổi tiếng” trên báo chí.
Photobucket
Đường Nguyễn Hữu Cảnh là tâm điểm ngập úng
COI CHỪNG ĐI VÀO “VẾT XE ĐỔ”
Việc các công trình thoát nước trên một số tuyến đường phát huy hiệu quả không cao chủ yếu là do lỗi chủ quan. Những nguyên nhân khách quan như nền đất lún hay nước thủy triều ngày càng dâng cao chỉ là một phần rất nhỏ, bởi để đất lún tự nhiên được 1cm có khi phải mất đến hàng chục năm, còn nước dâng cao do băng tan cũng không thể diễn ra trong vài năm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là nằm ở tầm nhìn của nhà quy hoạch, tư vấn thiết kế dự án. Khi thiết kế, họ phải tính toán được lượng nước tiêu thoát khi mưa hoặc triều cường, từ đó cần xây dựng hệ thống cống đủ lớn để không gây ngập úng. Hiện nay TP đang triển khai dự án nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở các quận nội thành. Hầu như tuyến đường nào cũng bị đào xới để thay thế cống, những “lô cốt” thi nhau mọc lên như nấm sau mưa đã gây rất nhiều khó khăn cho giao thông và cuộc sống của người dân. Mặc dù hiện nay mới đang trong giai đoạn thi công nên chưa thể nói được gì về hiệu quả của dự án, tuy nhiên dư luận đang tỏ ra hoài nghi khi thấy trên một số tuyến đường hệ thống cống được lắp đặt quá bé, khó có thể đáp ứng yêu cầu thoát nước của phố phường.

TPHCM đang phải đối mặt với hai thực trạng rất lớn và nan giải là giao thông và ngập nước. Cả hai vấn đề này hiện nay chúng ta vẫn đang loay hoay tìm lối thoát tối ưu. Việc càng chống càng ngập đã diễn ra ở nhiều nơi tại TP, cứu được một điểm này hết ngập lại phát sinh ra hai ba chỗ ngập khác trong thực tế đã diễn ra. Chính vì vậy việc đầu tư lớn để nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị là cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng. Nếu chúng ta tính toán không chuẩn, tầm nhìn không xa thì hệ thống thoát nước này khi hoàn thành sẽ không phát huy hiệu quả tối đa. Nếu không chỉ ít năm nữa người dân TP lại phải đối mặt với cảnh đào xới đường sá để nâng cấp hệ thống cống thoát nước, như thế vừa tốn kém tiền bạc vừa làm khổ dân.
MINH TÂN

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

090110- Nhà xây sai phép sau ngày 1-7-2004: Cứ sai là xử, lố là đập

Nguồn: http://www.phapluattp.vn/news/xa-hoi/view.aspx?news_id=239651

CẨM TÚ

Thay đổi vị trí cầu thang, phòng ốc mà không điều chỉnh giấy phép xây dựng vẫn bị phạt, bị đập.

UBND TP.HCM vừa chấp thuận kiến nghị của Sở Xây dựng TP về hướng xử lý nhà xây sai phép sau ngày 1-7-2004. Theo đó, trong thời gian chờ sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, nhà không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực) chỉ được cấp “giấy hồng” với điều kiện đã xử lý vi phạm xây dựng và chủ đầu tư công trình đã chấp hành quyết định xử lý này.

Sai một ly cũng không du di

Theo ý kiến của Sở Xây dựng trình TP, văn bản quy định các “trường hợp được phép thay đổi thiết kế mà không cần phải điều chỉnh giấy phép” chưa được chính thức phê duyệt và ban hành nên vẫn phải xử lý như mọi hành vi xây dựng sai phép khác. Nghĩa là, mọi công trình xây dựng không phân biệt sai phạm lớn nhỏ, hễ xây khác giấy phép xây dựng là phải xử phạt.

Kiến nghị của Sở Xây dựng dựa trên những văn bản hiện tại điều chỉnh lĩnh vực xây dựng. Cụ thể, Luật Xây dựng và Nghị định 126/2004 đều quy định công trình xây dựng sai phép phải bắt buộc phải xây đúng giấy phép. Gần nhất là Nghị định 180/2007 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị cũng quy định đối với công trình xây dựng sai nội dung giấy phép phải bị “lập biên bản ngừng thi công, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép” (Điều 13). Các văn bản quy định về xử lý vi phạm trong xây dựng đều không phân biệt hành vi xây dựng sai giấy phép như thế nào thì xử phạt, buộc khắc phục hậu quả, sai như thế nào thì bỏ qua mà hễ sai là xử.

Không phân biệt là “quá nghiệt ngã”

Nếu mọi hành vi xây dựng sai phép đều phải bị xử phạt, buộc xây lại cho đúng giấy phép như các văn bản nêu trên thì sẽ có những trường hợp “quá nghiệt ngã” như lời bà Hồ Thị Kim Loan - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP nhận định. Bà Loan nêu các trường hợp: Nhà xây dựng nhỏ hơn giấy phép, thay đổi thiết kế bên trong như đổi vị trí cầu thang, phòng ốc hoặc lố vài m2 nhưng hoàn toàn không vi phạm quy hoạch thì có cần điều chỉnh giấy phép không? Lỡ xây rồi thì có thẳng tay xử lý? “Có lần xuống thực tế một căn nhà ở Tân Bình. Nhà này xây thêm một cái gác lửng nhỏ, nhẹ nhàng và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kết cấu chịu lực nhưng quận vẫn kiên quyết tháo dỡ bởi nó không có trong giấy phép” - bà Loan kể.

Trên thực tế, có nơi rất nguyên tắc “Cứ theo luật mà làm”, như quận 12, hễ xây sai giấy phép là xử lý. Trong khi đó, một số nơi khác như Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp... thì linh động hơn. Chẳng hạn, việc thay đổi thiết kế bên trong, vị trí phòng ốc thì không bị xử phạt. “Quan điểm của Thanh tra Sở Xây dựng là không quá cứng nhắc. Ví dụ, nhà xây ít hơn giấy phép, khỏi phạt. Thay đổi vị trí cầu thang, phòng ốc, khỏi phạt, khỏi điều chỉnh giấy phép xây dựng. Chúng tôi cũng trao đổi với 24 quận, huyện rất nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào còn tùy mỗi nơi. Bởi xét về luật thì rõ ràng hễ cứ sai giấy phép là phải phạt, bất kể là sai kiểu gì” - bà Loan cho biết.

Văn bản chưa có, nên chịu chết

Trước đây, Sở Xây dựng đã đưa vấn đề này vào dự thảo sửa đổi Quyết định 04/2006 về cấp phép xây dựng. Theo đó, với những công trình là nhà ở riêng lẻ, Sở liệt kê những trường hợp chủ đầu tư được tự thay đổi thiết kế mà không cần điều chỉnh giấy phép. Sở này đồng tình rằng không buộc điều chỉnh giấy phép, không xử phạt những thay đổi thiết kế bên trong căn nhà miễn sao công trình vẫn đảm bảo đúng quy hoạch, mật độ xây dựng, tổng diện tích sàn sử dụng, số tầng... Tuy nhiên, dự thảo trên đã không được thông qua do phải chờ những văn bản có giá trị pháp lý cao hơn có liên quan (Nghị định 16, Nghị định 112 về quản lý đầu tư xây dựng công trình) thay đổi trước.

Còn nhớ, giữa năm 2008, trong các cuộc họp góp ý về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 126, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cũng nhắc nhở các địa phương không được cứng nhắc khi xử lý công trình sai giấy phép xây dựng theo kiểu hễ sai là phạt, hễ lố là đập. Mặc dù vậy, do không có văn bản nào cụ thể hóa quan điểm trên nên việc xử lý công trình sai phép vẫn tùy thuộc sự linh động của mỗi địa phương.

Căng theo luật mà xử thì rất khó

Trường hợp xây dựng sai phép nào nên “tha” cũng được quận Phú Nhuận kiến nghị với Sở Xây dựng từ giữa năm 2008. Theo quận này, thực tế có những trường hợp nếu căng theo luật mà xử thì quận thấy rất khó khăn nên phải ách lại. Ví dụ, chủ đầu tư xây dựng lố giấy phép chỉ vài m2, phần sai phép vẫn nằm trong khuôn viên, không ai tranh chấp, khiếu nại mà bị xử lý tháo dỡ thì có hợp tình? Đơn cử, nhà số 536/1 Lê Văn Sỹ, phường 11 sai thiết kế 7,6 m2 hoặc nhà số 30/20B Đặng Văn Ngữ, phường 10, xây sai thiết kế tầng lửng với diện tích 3,8 m2. Tương tự là những công trình khi xây dựng có những sai biệt kích thước so với giấy phép như chiều rộng, chiều cao từng tầng nhưng chênh lệch rất ít, chỉ từ 0,05 m đến 0,2 m do trước đây hai nhà có khoảng hở nay được xây sát lại để chống thấm thì có nên xử lý?...

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2009

090109- Nếp nhà trong kiến trúc

Nguồn: http://www.sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=45777&fld=HTMG/2009/0106/45777

Tổ chức không gian, thiết kế, bố trí các tiện nghi... đều phải có công năng thích hợp và cần thiết cho các thành viên của gia đình. Mặc dù, đôi khi có những “tông chỏi”, lạc điệu trong kiến trúc nhưng điều đó nó như một văn hoá sống

Photobucket

Người có tuổi thích phòng đơn giản

Nếp sống có cách riêng của gia đình trẻ

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Bắc, gia chủ dễ thường bị tác động bởi các nhà chuyên môn, họ biểu kiến theo ý chủ quan của người trong nghề nên nhiều khi chỉ có hiệu ứng một chiều. Chủ nhà thì cứ xem bản vẽ thấy đẹp, có đủ các không gian chức năng là... được mà quên rằng, có những yếu tố rất “đời thường”, cần kíp cho lối sống riêng của gia đình bị bỏ quên. Bà Thu Lan ở Nguyễn Tri Phương, Q.10 xây ngôi nhà bốn tầng khang trang, thang lên lầu nằm ở vị trí giữa nhà. Từ đó, cứ bước lên mỗi tầng là phân thành hai phòng trước – sau với cửa đóng kín. Chính sự gọn gàng và tách biệt vậy mà mỗi lần kêu con từ trên lầu ba xuống ăn cơm, bà Thu Lan phải dùng điện thoại gọi! Kỹ sư Bắc kể, về sau, bà Thu Lan tâm sự, việc cho con tuổi teen cứ “một cõi” trong phòng riêng vậy thật bất tiện, không giám sát được cháu làm gì! Ngay như, người mẹ muốn biểu lộ tình thương cất giọng “con ơi xuống ăn cơm...!” và muốn nghe đứa con yêu “dạ...” cũng không được. Kỹ sư Bắc nói, đó là những chiều kích giao tiếp thật “lạnh lùng, bởi đã đóng kín các không gian sống”, trong khi ngôi nhà cần có những không gian mở.

Phòng ngủ chính, hiện đại của đôi vợ chồng trẻ trong không gian rộng, được thiết kế có luôn khu vực vệ sinh, khu vực phục sức, trang điểm. Và những không gian đó không ngăn riêng biệt mà liên thông nhau; chỉ phân định có tính ước lệ bằng tấm rèm, chậu cảnh, vách kính hay bức bình phong... Phòng trở nên thoáng rộng. Nhưng với chị Thanh, sau khi dọn vào ở chưa được một tháng đã thấy “kỳ kỳ” nên nhờ kiến trúc sư Đặng Phước Toàn sửa lại. KTS Toàn phải làm cửa riêng, phân cách kín đáo hơn cho nhà vệ sinh.

Photobucket

Bếp nhà quê có cả cái nhà

Thuận theo nếp sống người có tuổi

Có những việc có thể chỉnh sửa để cấu trúc nhà cửa “thuận” theo nếp sống của chính những con người trú ngụ trong ngôi nhà đó. Nhưng cũng có những trường hợp “bó tay” do thói quen của các cụ mà phải... chiều. Trong nhà vệ sinh, người lớn tuổi thường hay giăng mắc áo quần, khăn... khắp nơi như một thói quen không thích “dịch chuyển”. Khi đó, cần có một nhà vệ sinh thiết kế riêng cho lối sống... riêng biệt đó. Cái áng nước cũng vậy, có những người lớn tuổi vẫn thích và vẫn quen ngồi đòn lặt rau, giặt cái khăn mặt, gội đầu... chứ không ưa lên bồn rửa, lavabo hay vào toilet. Bà cụ Thêm 75 tuổi, bảo, “hồi đó cứ ra suối tắm giặt, trong nhà thì có áng nước, quen rồi”. Lẽ đó mà con cụ phải tổ chức một áng nước cho cụ thoả lòng, mặc dù nhà cao cửa rộng, không thiếu một tiện nghi nào. Có những nhà chẳng biết làm sao, bèn “chèn” cái áng nước này dưới bàn bếp trông rất thô kệch. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu cho rằng, thực ra có nhiều cách thiết kế và bố trí chức năng này trong nhà nhưng vẫn đẹp, thích hợp. Chẳng hạn, tận dụng hè sau ngôi nhà hay một góc nào đó trong không gian nhà bếp và trang trí nó như một áng nước quê, với lu, gáo, cây cảnh...

Một ngôi nhà vườn đã lâu với diện tích xây dựng hơn 100m2 khang trang ở vùng quê Tiền Giang, bếp ăn không nằm trong nhà này mà có chái bếp riêng phía sau. Sau khi tư vấn nhà chuyên môn, về quê, cô Kim ở Bình Tân kêu nhà thầu xây cho ba mẹ đang ở ngôi nhà vườn này ba dãy tủ bếp trong nhà sạch đẹp, có bồn rửa, bếp điện, bếp gas... đủ cả. Cô Kim nói, tổ chức như vậy để “ba mẹ lớn tuổi rồi khỏi phải lần mò ra sau chái bếp, đêm hôm không thấy đường nguy hiểm...”. Thế nhưng bà mẹ cô Kim bảo, “tụi bây làm gì thì làm chớ đừng bỏ cái bếp của tao đó nghen!”. Cô Kim kể, về quê, bây giờ vẫn y như cũ, “vẫn cái nồi cơm điện, bếp gas, nồi niêu... trên bộ ván ngựa”; trong chái bếp còn có cái giường chiếc, cái võng vẫn đu đưa ngó ra ngoài áng nước “và hai ông bà vẫn nấu nướng, ăn uống chính là ở đó”.

Nguyễn Tâm

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2009

090108- Mô hình xây dựng thương hiệu hiện hành

Nguồn: http://mba-15.com/view_news.php?id=1302


Thời kỳ đổi mới giai đọan đầu vào thập niên 60 các thông điệp quảng cáo nhằm phục vụ cho việc bán hàng nên mang tính áp đặt và được xem như thiếu khôn khéo đối với khách hàng. Trải nghiệm của khách hàng chỉ thông qua ba cách là xem quảng cáo, tiếp xúc với người chủ cửa hàng và mua sản phẩm. Mô hình xây dựng thương hiệu thời kỳ này dựa trên hình ảnh thương hiệu, tồn tại bên ngoài công ty (hình 1), dưới hình thức một câu chuyện kể về công ty bằng một giọng đáng tin cậy và một phong cách gây cho khách hàng sự thích thú. Hình ảnh thương hiệu bên ngoài được kiểm soát như thế có thể lặp lại một cách khá dễ dàng trong thời kỳ này bởi vì có rất ít các nguồn thông tin khác về công ty.
Photobucket
Hình 1: Mô hình xây dựng thương hiệu dựa trên hình ảnh thương hiệu bên ngoài
Thời kỳ đổi mới tiếp theo vào khoảng thập niên 80, đã đưa hình ảnh thương hiệu bên ngoài đến một cấp độ mới hoàn toàn. Lúc này người tiêu dùng không tin vào những gì quảng cáo nói với họ nữa và do vậy quảng cáo trở nên què quặt, nhàm chán và không đáng tin cậy. Quảng cáo giai đoạn này đi vào chuỗi các sự kiện thu hút và mang tính giải trí, không nói công khai về sản phẩm hay dịch vụ mà thay vào đó là trao cho khách hàng trải nghiệm mà họ yêu thích. Chính sự trải nghiệm này mang đến cho khách hàng sự đánh giá cao và ghi nhớ, là cái để phân biệt một thương hiệu cạnh tranh này với một thương hiệu cạnh tranh khác. Mặc dù quảng cáo mô tả chính xác tinh thần của công ty và giữa thương hiệu với công ty đã có sự phù hợp, tuy nhiên quảng cáo về cơ bản vẫn còn tin vào việc tạo ra một hình ảnh thương hiệu bên ngoài, mang tính độc diễn đối với khách hàng, với hy vọng sự ghi nhớ, nhận biết và ảnh hưởng của nó sẽ thúc đẩy bán hàng.
Photobucket
Hình 2: Hình ảnh thương hiệu là một mưu kế, nhưng nay đã thay đổi nhờ Internet.
Trước đây trong một thời gian dài công ty sử dụng hình ảnh thương hiệu bên ngoài như một mưu kế, còn bên trong công ty tạo ra một vỏ bọc bất khả xâm phạm và có thể hành động theo một cách khác (hình 2). Ngày nay không còn tồn tại hình ảnh thương hiệu bên ngoài được điều khiển như thế nữa. Nhờ môi trường internet, có cảm giác như vỏ bọc đó giờ đây được làm bằng kính và khách hàng có thể cảm nhận thấu suốt những bí mật bên trong công ty, chưa kể đến thông tin truyền miệng của những người đã dùng thử sản phẩm. Một thực tế nữa là con người không muốn một sự giả bộ, họ chỉ muốn một sự trung thực. Con người không muốn một thương hiệu được sản xuất ra để cố thỏa mãn khẩu vị của họ mà họ muốn một cái gì đó thực tế. Con người không chỉ đơn thuần là mua sắm một sản phẩm hay dịch vụ nữa. Họ không còn thỏa mãn với cách tiêu khiển bằng quảng cáo thương hiệu kiểu ghi nhớ nữa. Đó là bởi vì con người ngày nay sử dụng thương hiệu theo cách mà các công ty có thể chưa bao giờ tiên liệu trước. Vậy mô hình xây dựng thương hiệu mới cần bổ sung các thành phần gì?
Mô hình xây dựng thương hiệu mới:
Trong văn hóa tiêu dùng con người không chỉ tiêu dùng để thỏa mãn về mặt chức năng (lợi ích vật chất) mà sự tiêu dùng đã trở thành nền tảng ý nghĩa và thương hiệu thường được sử dụng như nguồn biểu tượng để xây dựng và duy trì sự đồng nhất (giữa chức năng và ý nghĩa) (Elliott, & Davies, 2006).
Photobucket
Hình 3: Mô hình xây dựng thương hiệu mới dựa trên giá trị, nó dẫn dắt mọi hoạt động và truyền thông của công ty
Triết lý xây dựng thương hiệu cũ tiến triển xoay quanh xây dựng hình ảnh thương hiệu bên ngoài. Trong thời đại mà thế giới trở nên “trong suốt” ngày nay, người tiêu dùng không còn mua hình ảnh thương hiệu bên ngoài do công ty tạo ra nữa mà tự bản thân họ trải nghiệm để chọn thương hiệu mang ý nghĩa đúng đắn chứ không chỉ dựa trên chất lượng, đặc tính hay giá của sản phẩm. Mô hình xây dựng thương hiệu mới dựa trên giá trị và giá trị là trung tâm chi phối mọi hoạt động và truyền thông của công ty (hình 3). Các thương hiệu thành công như Patagonia hay Nike SB và 6.0 không phải dựa vào hình ảnh thương hiệu bên ngoài như trong mô hình cũ mà thay vào đó là nhờ niềm tin cốt lõi và giá trị tạo nên cái nhìn về thế giới và cách thức hành động trong thế giới trở thành chân lý trung tâm của người tiêu dùng. Niềm tin bên trong này đã thay thế hình ảnh thương hiệu bên ngoài. Sự tồn tại của niềm tin bên trong công ty tạo nên thương hiệu và thúc đẩy truyền thông bên ngoài và trải nghiệm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thì bị thu hút vào ý nghĩa bao hàm trong niềm tin này.
Thương hiệu là ý nghĩa
Thương hiệu không chỉ được xem như một dấu hiệu thêm vào sản phẩm để phân biệt chúng với các hàng hóa cạnh tranh khác, mà còn được xem như phương tiện ký hiệu học nhằm thực hiện chức năng không ngừng tạo ra giá trị và ý nghĩa (Heilbunn, 2005 trích từ Brand Culture của Schoeder & Salzer – Morling, 2006).
Photobucket
Hình 4: Giá trị của thương hiệu tương thích với giá trị của khách hàng
Trong thế giới công nghiệp hậu hiện đại, rất nhiều người trong chúng ta đã dịch chuyển vượt ra ngoài cấp độ nhu cầu thấp nhất của tháp Maslow – tồn tại & an toàn và tập trung nhiều vào cấp độ nhu cầu cao hơn về tự trọng và tự thể hiện, khi mà con người ngày nay có xu hướng tạo ra bức khảm (mosaic) thương hiệu trong cuộc sống của bản thân họ, thì câu hỏi mà các nhà nhân loại học đặt ra là “thương hiệu và tiêu dùng đóng vai trò gì?” và rất nhiều câu trả lời tựu chung lại đó là: Thương hiệu là những đơn vị biểu tượng (symbolic units) được sử dụng cùng với các đơn vị biểu tượng khác rút ra từ sự nghiệp, âm nhạc, thời trang, tín ngưỡng,.. để tạo nên một bức khảm mô tả cuộc sống của bản thân người tiêu dùng.
Ví dụ, hãy hình dung về chủ nhân của chiếc xe Toyota Prius --> mặc đồ thương hiệu Nau chất liệu thiên nhiên --> uống caffe tại Whole Foods --> mang túi Prada và đeo nhẫn kim cương màu đỏ Tiffany. Người này mượn ý nghĩa của các thương hiệu trên để nói lên một câu chuyện về bản thân cô ta theo thứ tự từ : sự cam kết --> trách nhiệm xã hội --> sự yêu thích chất lượng và sự cống hiến cho phong cách nghệ thuật. Nếu cô ta chọn các thương hiệu khác dù là các thương hiệu đó cung cấp cùng một mức chất lượng nhưng chúng không thể mô tả ý thức xã hội của cô ta, nên cô ta sẽ kể một câu chuyện khác về bản thân, ruốt cuộc là thể hiện một con người khác hẳn.
Vì vậy thương hiệu không chỉ đại diện cho sản phẩm hay dịch vụ nó cung cấp, mà ý nghĩa mô tả của thương hiệu được con người sử dụng, đến lượt nó tiếp tục phát sinh và quay lại mô tả chính bản thân thương hiệu.
Do các đối thủ cạnh tranh ngày càng bắt chước nhãn hiệu của nhau một cách nhanh chóng nên thế giới xây dựng thương hiệu có xu hướng dịch chuyển vượt ra khỏi các đặc trưng, lợi ích và tiêu khiển của thương hiệu
đại diện cho sản phẩm hay dịch vụ và giá trị thương hiệu ngày nay được tạo ra không chỉ bởi sản phẩm hay dịch vụ mà còn bởi ý nghĩa mà thương hiệu phát sinh ra (McCracken,2005). Khách hàng chấp nhận ý nghĩa này để bày tỏ họ là ai và họ là hiện thân (đại diện) cho cái gì. Ý nghĩa chính là kết quả quan trọng nhất mà thương hiệu tạo ra ngày nay.
Thương hiệu như là một văn hóa
Có vô số định nghĩa nhân loại học về “văn hóa”. Theo định nghĩa của Clifford Geertz thì đó là “một khuôn mẫu ý nghĩa được lưu truyền mang tính lịch sử thể hiện qua các biểu tượng, một hệ thống các quan niệm mang tính kế thừa biểu lộ bằng các hình thức biểu tượng qua các phương tiện mà con người truyền thông, duy trì và phát triển sự hiểu biết và quan điểm về đời sống của họ”( Clifford, 1973).
Photobucket
Hình 5: Ý tưởng đằng sau văn hóa thương hiệu là tạo ra thế giới để cho khách hàng gia nhập vào.
Do đó, một số tác giả (ví dụ, McCracken, 2005; Heilbunn, 2006; Clifford, 1973) tin tưởng rằng để một thương hiệu có liên quan với khách hàng và có khả năng duy trì quan hệ theo theo thời gian, thì nhất định phải hoạt động giống như một văn hóa. Điều này đối lập với việc tạo ra một chuỗi các hình ảnh thương hiệu bên ngoài với hy vọng rằng một trong số đó sẽ lôi cuốn khách hàng mục tiêu. Một công ty phải hình dung ra những giá trị cốt lõi của mình và hiểu rằng tại sao công ty hiện nay vượt ra ngoài các động cơ lợi nhuận (hình 5). Điều này có nghĩa là thực chất một công ty phải phát triển (hoặc tìm ra) một đặc trưng (ethos) và một thế giới quan (worldview) và tin tưởng tuyệt đối vào chúng để rồi sau đó duy trì mọi hoạt động phù hợp với đặc trưng và thế giới quan đó.
Photobucket
Hình 6: Cùng một văn hóa hấp dẫn khách hàng cũng sẽ hấp dẫn và giữ chân nhân viên công ty.
Khách hàng mua hàng vì ý nghĩa thì có thể bị (hoặc không bị) lôi kéo vào đặc trưng và thế giới quan mà công ty tạo ra. Nhưng nếu thương hiệu thực sự đại diện cho một đặc trưng (ethos) hoặc thế giới quan (worldview) có sức lôi cuốn khách hàng thì họ không chỉ chiếu cố, yêu chuộng hơn đối với thương hiệu đó mà còn gắn bó với thương hiệu như là một phần đồng nhất giữa họ và thương hiệu. Khi một khách hàng kết nối đến một thương hiệu với niềm tin sâu sắc và cảm giác nổi bật nhất thì có nghĩa rằng họ vừa kéo thương hiệu vào trong thế giới của họ và đồng thời gia nhập vào thế giới của thương hiệu đó.Khách hàng sẽ gia nhập vào văn hóa của một thương hiệu như là cách thể hiện cho phần còn lại của thế giới (và cho bản thân họ) biết họ là ai và họ tin tưởng vào điều gì (Hahn, 2008),.

Như vậy, điều quan trọng đối với công ty đó là tạo ra một thế giới trong đó khách hàng có thể gia nhập. Đó chính là ý tưởng đằng sau của văn hóa thương hiệu. Có thể thấy những gì mà Harley-Davidson đã làm, thương hiệu này đã được cộng đồng của nó tạo ra hệ thống ý nghĩa phong phú qua các biểu tượng và hành động, bất kể thành viên họ là chủ doanh nghiệp, người nhân viên hay vị trí nào trong xã hội đời thường đều khát khao được tham gia vào sinh họat cuối tuần trong môi trường văn hóa cộng đồng đó.Tất cả các biểu tượng, nghi thức, hành vi và mục đích tạo nên đặc trưng của cộng đồng, luôn mời gọi mọi người gia nhập vào văn hóa thương hiệu Harley - Davidson.Và bản thân Harley Davidson thậm chí không phải can thiệp vào văn hóa thương hiệu mà thực chất là bản thân nó tự vận động. Công ty chỉ đảm bảo vẫn duy trì được mục tiêu và họat động tuân thủ theo các đặc trưng và thế giới quan đã đề ra.

Ngày nay, các nhà quản trị cần nhận thức rõ rằng xây dựng thương hiệu không còn là địa phận của bộ phận tiếp thị nữa. Các công ty cần xây dựng văn hóa thương hiệu xuất phát từ tâm điểm bên trong công ty và lan tỏa ra phía bên ngoài như là một tập hợp các hoạt động tự nhiên dựa trên một đặc trưng và thế giới quan chung nhất (hình 6). Văn hóa thương hiệu không chỉ thống nhất nhân viên công ty trong một mục đích và tầm nhìn chung mà văn hóa thương hiệu còn thu hút và gắn kết khách hàng trong một mối quan hệ sâu sắc và đầy ý nghĩa, vượt trên cả các mục tiêu tiếp thị truyền thống trước đây về sở thích thương hiệu và trung thành thương hiệu.

Tài liệu tham khảo

Elliott, Richard & Davies, Andrea (2006). “Symbolic Brands and Authenticity of Identity Performance.” In Schroeder, Jonathan E. and Salzer-Mörling, Miriam. Brand Culture. Routledge, 2006.

Geertz, Clifford (1973), “The Interpretation Of Cultures”, Basic Book..

Hahn. Dennis, (2008), “Give them something to Believe In : The Value Of Brand Culture”; http://www.brandchannel.com/images/papers/405_BrandCulture_final.pdf.

Heilbrunn, Benoît.(2006), “Cultural Branding Between Utopia and A-topia.” In Schroeder and Salzer-Mörling. Brand Culture. Routledge, 2006.

McCracken, Grant. (2005), “Culture and Consumption II”. Indiana University Press, 2005.

ThS. Phạm Đức Kỳ