| |
| |
KTNT - Hợp tác với các tổ chức quốc tế, vận động cộng đồng tham gia trùng tu, bảo vệ, hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản bền vững, cũng như tìm giải pháp để người dân được hưởng lợi từ di sản,... là nội dung chính của Hội thảo “Cơ hội và thách thức cho di sản Huế trong giai đoạn hội nhập quốc tế” vừa được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Bên lề hội thảo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với KTS. Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐH). Thưa ông, qua 15 năm làm công tác bảo tồn, ông nhận thấy đâu là khó khăn trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích Huế hiện nay? Di sản văn hóa Huế là phức hợp di tích mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và kinh tế, bao gồm kiến trúc thành quách, hoàng cung, đền đài, lăng tẩm mang đậm bản sắc dân tộc, tín ngưỡng phương Đông... Trải qua chiến tranh tàn khốc và thiên nhiên khắc nghiệt, tính đến năm 1975, quần thể di tích Huế chỉ còn 480 công trình trên tổng số 1.000 công trình tồn tại nhưng cũng trong tình trạng hư hại hoặc xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí đã trở thành phế tích. Trong 15 năm qua, đã có gần 100 công trình được phục hồi, hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp, cơ sở hạ tầng được tăng cường, không gian phế tích dần thu hẹp... Song đáng nói là, phần lớn các di tích của Huế nằm trong không gian rộng lớn, đan xen ở trong khu dân cư. Số lượng dân cư sống trong các khu vực bảo vệ di tích rất lớn, chiếm 1/2 dân số thành phố. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến bảo vệ di tích đều có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân. Vì thế, bảo tồn di sản nhưng cũng phải hài hoà với thiên nhiên và con người, phải để người dân được hưởng lợi từ di sản. Đó là bài toán khó. Ngoài ra, khó khăn về vấn đề phân công, phân cấp quản lý di tích, tình trạng lấn chiếm, vi phạm tại nhiều khu di tích diễn ra ngày càng phức tạp, chính sách bảo vệ hệ thống nhà vườn, sự đãi ngộ với nghệ nhân... không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Tôi hy vọng, cuộc hội thảo “mở” quy tụ hơn 60 đại biểu trong nước và quốc tế, những người nghiên cứu, làm công tác bảo tồn, nghiên cứu văn hoá sẽ tìm ra lời giải cho các vấn đề trên. Vậy theo ông, đâu là cơ hội và thách thức cho di sản Huế trong giai đoạn hiện nay? Ngày 30/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 143/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng Huế trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam. Mới đây, Chính phủ lại phê duyệt đề án xây dựng Huế thành một trong những trung tâm văn hoá du lịch lớn của cả nước. Hơn thế, các cuộc festival quốc tế là cơ hội để cố đô phô bày, trình diễn vẻ đẹp phong phú, giàu có về văn hoá của mình; những thành công trong quá trình hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế để bảo tồn di sản đã tạo nên uy tín và vị thế đặc biệt cho Huế. Ở khu vực miền Trung, “con đường di sản” với sự kết nối từ Hội An – Mỹ Sơn (Quảng Nam) – Huế đến Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), hay “Hành lang kinh tế Đông – Tây” kết nối từ Mianma – Thái Lan – Lào và Việt Nam đã khiến khu vực này trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng, những cơ hội đó cũng đặt ra không ít thách thức cho chúng tôi. Trước hết, đó là khả năng đầu tư tương xứng để bảo tồn di sản Huế với quần thể di tích đồ sộ, di sản văn hoá phi vật thể phong phú và với môi trường cảnh quan rộng lớn, gắn bó hữu cơ với đô thị Huế. Phải làm gì và làm như thế nào để có được nguồn đầu tư lớn trong khi chủ yếu vẫn phải dựa vào ngân sách Nhà nước? Thứ hai là, vấn đề nguồn nhân lực đáp ứng cho công cuộc bảo tồn di sản Huế hiện rất thiếu. Tiếp đến là thách thức đến từ sự cạnh tranh giữa các khu di sản trong khu vực khi mà tại miền Trung và Tây Nguyên đã có 6/7 di sản thế giới (cả vật thể và phi vật thể). Trên tầm nhìn rộng hơn, Huế phải cạnh tranh với các nước Đông Nam Á, đó thực sự là những thách thức rất lớn đối với người làm công tác bảo tồn. Theo ông, đâu là giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Huế? Mặc dù di tích cố đô Huế đã thoát khỏi tình trạng “cứu nguy khẩn cấp” nhưng không vì thế mà nhiệm vụ của công cuộc bảo tồn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững bớt nặng nề hơn. Tuy rằng, cuộc vận động bảo vệ di tích Huế được UNESCO đánh giá là mang lại hiệu quả cao, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng xã hội hoá công tác bảo tồn, dựa vào cộng đồng là giải pháp hữu hiệu. Mới đây, TTBTDTCĐH xây dựng chiến lược bảo tồn di sản dựa vào mạng lưới cộng đồng, với sự hỗ trợ của vùng Nord Pas de Calais (Pháp) nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chống xâm hại, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của hệ thống di tích. Nhóm thanh niên tình nguyện của Trung tâm có kiến thức về di sản sẽ đóng vai trò nòng cốt, đồng thời huy động lực lượng thanh niên của các cơ quan, đoàn thể và địa phương cùng tham gia. Ngoài ra, để vượt qua những thách thức hiện nay, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng là một yêu cầu không thể thiếu. Hiện, Trung tâm đang phối hợp với tổ chức Urban Solution (Hà Lan), tiến hành điều tra, khảo sát để xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể cho khu di tích Huế.
Nguyễn Thuỷ (thực hiện) |
1 nhận xét:
1996, lần đầu tiên tôi đặt chân xuống vùng đất tuyệt đẹp này, cảm giác thật yên bình, lắng đọng. cảm giác ấy vẫn còn theo tôi đến ngày hôm nay,…
Những di sản của chúng ta còn xót lại không nhiều, nhưng công tác bảo tồn không theo kịp với sự tàn phá của thiên nhiên.
Quần thể biệt thự Pháp ở Đà lạt xuống cấp; Thánh địa Mỹ sơn cũng rã rời như gạch bị bở; Hội An, phố cổ Hà Nội sẽ đi về đâu?
Năm rồi có 1 nhóm sinh viên thể hiện hình ảnh 3d của những khu phố cổ ở Hà Nội- xem như không gian cổ được tái hiện trên hình ảnh nhưng sau đó thì sao?
TP.HCM đã từng có đề tài khoa học, ghi nhận giá trị lịch sử của những công trình, những tuyến đường mang dấu án lịch sử, mang hơi thở đậm chất Sài Gòn…Bản vẽ hiện trạng, ghi nhận, đánh giá giá trị của 108 nhóm công trình được tập trung, nghiên cứu công phu,…thật là kỳ công.
Nhưng sau đó thì sao? Không được khai thác, không ai chú ý đến, và nhất là tiêu chí đánh giá của Sở VHTT và Hội KTS khác nhau…
Tiếc…
Tiếc cho những công trình ngày càng bị xuống cấp…
Tiếc cho những nghiên cứu không được trân trọng, không được sử dụng…
Tiếc cho công sức của những người có tâm với Di sản của chúng ta, những người có lòng muốn gìn giữ,…họ thiếu 1 điều nhỏ nhưng quan trọng: đó là sự phối hợp nhịp nhàng.
Chúng ta phải làm gì đây để giữ gìn những báu vật này…?
Đăng nhận xét