Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

081124- Tắc đường và câu chuyện về ý thức con người

Mấy tháng nay, tắc đường trở thành nỗi khốn khổ của người dân TPHCM, là chủ đề nóng hổi của nhiều cuộc họp bàn. Các cấp lãnh đạo TP sôi nổi đề ra các giải pháp nhằm hạn chế cảnh ùn tắc. Nhưng có một giải pháp nằm ngay ở ý thức người tham gia giao thông, hình như lại chưa được đề cập tới.

Chuyện đèn tín hiệu giao thông

Đèn đỏ. Có công an thì dừng đúng vạch, không có công an thì cứ thế mà đi tiếp. Đó là tâm lý chung của người tham gia giao thông hiện nay khi đi qua những nút giao thông có đèn tín hiệu. Bên này đèn xanh, tất cả phương tiện ào qua; bên kia đèn đỏ, nhiều phương tiện cũng ào qua. Vào giờ cao điểm, lượng người và xe nhiều, dĩ nhiên sẽ xảy ra tắc đường.

Và khi đã tắc đường ở nút giao thông thì không ai còn quan tâm đến đèn tín hiệu nữa. Có cơ hội là dấn lên phía trước, mạnh ai nấy đi.

Cái đèn vàng tín hiệu báo sắp dừng giờ đây được người tham gia giao thông coi là “đèn tăng tốc”. Từ xa, nhìn thấy đèn chuyển sang màu vàng là tất cả cùng vặn tay ga, phóng thật nhanh, mong sao không phải đứng lại chờ đèn đỏ.

Chuyện những công trình “đào ngâm đường”

Một nguyên nhân gây tắc đường nữa liên quan đến ý thức con người là những công trình giao thông thi công kiểu “ngâm lâu cho nó ngấm”. Đơn vị thi công chả buồn đẩy nhanh tiến độ dù lâu lâu họ lại nhận được giấy phạt của Sở GTCC gửi tới.

Có những công ty được nhận tới hàng trăm giấy phạt, như Công ty Công trình hàng không với 104 biên bản vi phạm. Đơn vị thi công cứ nhận giấy phạt, nộp phạt rồi lại… ngâm tiếp. Những công trình dang dở ngổn ngang trên đường phố, những con đường hẹp bị rào kín mất 2/3 đường, giao thông ách tắc là điều tất nhiên.

Chuyện những “ông thần” trên đường

Một trong những câu chuyện không thể không nhắc tới là những “ông thần” xa lộ như tài xế xe buýt, tài xế xe 3 bánh.

Nếu tổng hợp những sự cố tắc đường ở TPHCM, phần lớn nguyên nhân là do xe buýt. Họ luôn coi mình là những “xe vua”, được hưởng ưu đãi nên cứ mặc sức cho xe chạy tung tăng trên đường. Những chiếc xe to kềnh càng lượn ra lượn vào, đi vào cả phần đường dành cho xe 2 bánh, nhưng vẫn ung dung vì ít khi bị CSGT hỏi tới.

Còn những chiếc xe gắn máy ba bánh thì luôn được xếp vào loại những xe chở hàng hóa kềnh càng nhất. Những chiếc xe này không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn có thể gây nguy hiểm cho người khác.

Khi bị phàn nàn, một tài xế xe ba gác trên đường Kha Vạn Cân thản nhiên: “Tắc đường à, ngày nào mà chẳng tắc, đâu phải nguyên nhân do bọn tui!”.

Khi bạn lâm vào cảnh tắc đường, trước khi nghĩ đến những giải pháp của thành phố hãy tìm một giải pháp riêng cho chính ý thức tham gia giao thông của mình.

Lê Mỹ

LTS Dân trí - Mỗi khi tắc đường, người ta thường đỗ lỗi cho đường sá chật hẹp, lưu lượng xe cộ ngày càng lớn. Chuyện đó cũng dễ hiểu vì thường tình, trước một sự cố xảy ra, ai cũng dễ nhìn thấy những nguyên nhân khách quan do người khác, cơ quan khác gây ra, còn nguyên nhân chủ quan do mình góp phần gây nên thì hầu như bị lãng quên hoặc không được nhìn nhận đúng mức.

Câu chuyện tắc đường ở TPHCM, ở Hà Nội diễn ra thường nhật có một nguyên nhân hết sức quan trọng do quy hoạch và quy mô phát triển đường sá chưa hợp lý và chưa tương xứng với quy mô phát triển đô thị cùng với phát triển xe cộ. Tuy nhiên, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng thuộc về ý thức chủ quan của những phần tử tham gia giao thông như bài viết trên đây tác giả đã đề cập.

Muốn khắc phục tình trạng đó, cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông của mọi người đi đôi với việc xử phạt nặng những trường hợp vi phạm, nhất là đối với các loại xe cồng kềng dễ gây tắc đường như xe buýt, xe máy ba bánh chở hàng.

nguồn: http://dantri.com.vn/diendandantri/Tac-duong-va-cau-chuyen-ve-y-thuc-con-nguoi/2007/11/204053.vip

1 nhận xét:

Ty Le Vang nói...

Nếu không chấn chỉnh lại hệ thống pháp luật, nhất là luật giao thông, thì cái giá mà chúng ta phải trả rất đắt. Không những về tiền của, thời gian mà những tật xấu đó sẽ thành nếp- khi đó chuyện chấn chỉnh để trở lại là 1 vấn đề không tưởng.

Tất cả các yếu tố đều có liên quan với nhau. Đường giao thông lớn kéo theo kinh phí đầu tư, giải tỏa cao; Trên mặt đường có đầy đủ các vạch giao thông, trên vĩa hè, các giao lộ có đầy các đèn tín hiệu,…nhưng chúng ta vẫn mạnh ai nấy đi, tai nạn vẫn xảy ra, kẹt xe vẫn diển ra,…

Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Theo tôi, vấn đề chính nằm ở luật giao thông.

Luật phải thật nghiêm và rõ ràng, tránh những yếu tố lập lờ, thiếu quyết đóan. Mỗi đô thị phải có 1 quy chế riêng. Đô thị càng lớn, quy chế càng rõ ràng và càng nghiêm khắc thi hành theo.

Chúng ta đã không quan tâm vấn đề này lâu quá rồi….