Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Khu phố Chợ Lớn: Bảo tồn, nhưng tránh thành… bảo tàng

Giữ gìn, bảo tồn khu vực Chợ Lớn không nên chỉ bảo tồn về mặt quản lý đô thị mà cần giữ gìn và bảo tồn các ngôi nhà cổ, các con đường, các giá trị phi vật thể. Đặc biệt phải giữ được cái hồn của các con đường trong khu vực này, đó chính là các khu mua bán, ngành nghề truyền thống… Tránh kiểu bảo tồn, sau đó trở thành một bảo tàng vô hồn. Đó là đa số ý kiến của người dân trên các tuyến đường nằm trong khu vực bảo tồn của dự án “Bảo tồn và cải tạo khu phố cổ người Hoa” có diện tích nghiên cứu 68ha, nơi sinh sống của 440.000 dân.

Một dãy nhà cổ trên đường Triệu Quang Phục (quận 5), khu vực bảo tồn của dự án.

Đời sống người dân không cải thiện thì đừng làm

Đa số người dân tại các khu phố nằm trong khu vực bảo tồn của dự án này khi được hỏi đều rất tự hào về những di tích hiện hữu và vui, vì những căn nhà cổ của họ được bảo tồn. Tuy nhiên, hầu hết người dân ở đây mong muốn, những căn nhà cổ không chỉ được bảo tồn bên ngoài mà sẽ được trùng tu từ bên trong, đồng thời cho phép họ sử dụng các căn nhà cổ vừa làm chỗ ở vừa kinh doanh. Mặt khác, vấn đề được nhiều người dân nằm trong vùng của dự án này quan tâm nhất là bảo tồn nhưng không ảnh hưởng tới thu nhập của các hộ gia đình. Họ mong không phải di dời và hoạt động kinh doanh của họ được duy trì.

Bà Vũ Thị Duyên (206A, đường Lương Nhữ Học, phường 11, quận 5) cho biết: “Chúng tôi rất vui và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, nhất là bảo tồn, tôn tạo những căn nhà có giá trị lịch sử, trùng tu đình, chùa mang đậm nét văn hoá, tâm linh. Tuy nhiên, cần phải được khảo sát và nghiên cứu kỹ trước khi làm, vì dự án này ảnh hưởng tới không ít người dân”. Đồng quan điểm, một chủ tiệm dược liệu trên đường Triệu Quang Phục, cho rằng nếu đưa vào khu vực bảo tồn, Nhà nước phải giúp đời sống người dân tốt hơn, còn không thì đừng làm. Ngoài ra, nhiều người dân cũng mong rằng, TP.HCM cần đưa ra một kế hoạch cải tạo đồng bộ, bảo tồn được cốt lõi của khu dân cư cổ nhưng cần tránh tình trạng quy hoạch treo. Còn theo bà Huỳnh Thị Thảo, chủ tịch quận 5, đây là dự án thành phố có thuê tư vấn nước ngoài, phía quận không tham gia gì sâu. Tuy nhiên, qua dự án này, quận cũng mong muốn sẽ bảo tồn được những giá trị văn hoá, lịch sử trên địa bàn. Quan trọng là cần phải thực hiện đồng bộ việc bảo tồn và đảm bảo đời sống của người dân không bị xáo trộn. Đặc biệt, làm sao để người dân không thấy bị sức ép khi nhà đất của họ bị hạn chế các quyền lợi.

Cần triển khai ngay biện pháp bảo vệ những công trình cổ

KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng, việc cải tạo và bảo tồn khu phố cổ người Hoa còn qua những trình tự khác nữa, nhưng trong thời gian chờ đợi, cơ quan quản lý các cấp của TP.HCM cần phải triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ những công trình cổ, trong đó có những di tích chưa được Nhà nước xếp hạng. Khi chưa có quy chuẩn cụ thể về cấp hay không cấp phép xây dựng nhà dân trong khu phố cổ, UBND TP.HCM cần phải ban hành ngay một số quy định tạm để vừa đảm bảo quyền lợi và nhu cầu sống của người dân, vừa giảm bớt tác động của cơn lốc thị trường bất động sản đối với khu phố cổ đang cần được bảo tồn này.

Bảo tồn nhưng phải giữ được hồn phố cổ

KTS Nguyễn Trường Lưu, phó chủ tịch thường trực hội Kiến trúc sư TP.HCM, một thành viên trong hội đồng thẩm định dự án này, cho biết, số lượng những căn nhà cổ trong khu vực này hoặc đang dần mất đi bởi quá trình đô thị hoá, hoặc đang bị xuống cấp do trùng tu không đúng cách. Vì vậy, đối tượng chủ yếu được bảo tồn là kiến trúc của khu phố cổ. Khu vực này có nhiều khối nhà được xây dựng liền kề chung tường và theo kiểu nhà ống, chỉ cao từ 1 – 2 tầng, được trang trí bởi hoa văn cổ in màu nâu đậm trên trần nhà, cửa sổ được trang trí bởi hình vòm. Những căn nhà này đều được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và những năm 1920, có lối kiến trúc mang đậm bản sắc Trung Hoa nên cũng được chú trọng cải tạo và bảo tồn.

Để TP.HCM phát triển bền vững và hài hoà, không thể bỏ qua yếu tố trùng tu, bảo tồn các khu phố cổ, dấu ấn của một thời. “Bảo tồn là cần thiết, nhưng bảo tồn phải đảm bảo mục đích phát triển. Một đô thị phát triển bền vững, hài hoà phải có quá khứ, hiện tại và tương lai”, ông Lưu nói.

Tuy nhiên, ông Lưu cũng lưu ý, trong việc bảo tồn nhà cổ, di tích lịch sử trong khu vực của dự án cần phải đồng bộ, đó là bảo tồn cả những giá trị vật thể và phi vật thể. Bảo tồn làm sao để vẫn giữ được cái hồn của những con phố này, đó chính là những ngành nghề đang được người dân kinh doanh. Ví dụ như, phố đèn lồng Lương Nhữ Học, phố nghề thuốc Hải Thượng Lãn Ông… Do đó, thành phố không nên quá cứng nhắc trong việc bảo tồn. Mỗi một công trình cần có sự chủ động và cách ứng xử riêng. Nhiều di tích nằm trong diện trùng tu, thành phố đang lúng túng trong việc nên giữ lại cái gì khi bảo tồn, nhưng sau khi có đánh giá tổng thể, nhiều chuyên gia cho rằng, cái nào giữ được thì giữ, còn không thì làm mới hoàn toàn vì cái trang trí phù hợp cho hôm nay thì tương lai sẽ là bản sắc.

“Tuy nhiên, bảo tồn thế nào thì bảo tồn, mục đích cuối cùng vẫn phải vì cuộc sống của người dân nơi đây”, ông Lưu nhấn mạnh.

bài và ảnh: Đoàn Quý

Ba điểm nhấn trong bảo tồn và cải tạo khu phố cổ

Dự án “Bảo tồn và cải tạo khu phố cổ người Hoa” của TP.HCM, nằm trong khu vực Chợ Lớn (bao gồm quận 5, 6, 10 và một phần quận 11, nơi tập trung rất nhiều người Hoa). Trong đó, có ba khu vực được xem là điểm nhấn cho toàn bộ không gian khu phố cổ Chợ Lớn. Khu vực 1 rộng 4,2ha được giới hạn bởi các tuyến đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – kênh Hàng Bàng – Bãi Sậy – kênh Hàng Bàng – Trần Bình. Khu vực 2 rộng khoảng 4,6ha được giới hạn bởi các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương – Nguyễn Trãi – Lương Nhữ Học – Trần Hưng Đạo. Trong khu vực này, đường Triệu Quang Phục sẽ trở thành xương sống, hai bên hành lang xây dựng phố đi bộ, phía giữa đường hạn chế giao thông, có điểm đỗ xe hai bên. Còn khu vực 3 rộng khoảng 5,2ha được giới hạn bởi các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông – Vạn Kiếp – đại lộ Võ Văn Kiệt…

nguồn: http://sgtt.vn/Kien-truc-doi-song/Chi-tiet/164394/Bao-ton-nhung-tranh-thanh%E2%80%A6-bao-tang.html

1 nhận xét:

Phuc Nguyen nói...

mọi việc cứ để tự nhiên , bảo với chả tồn ....