Khi tôi trở thành người gia đình thì ông kỹ sư bố vợ của tôi đã mất đúng 10 năm. Ngôi nhà ông để lại giống như một chuồng bồ câu xinh xắn, nhà trệt với không gian mở ra bốn phía, sân rộng bao quanh, garage trước nhà, hai cây mận, vài cây chuối sau nhà, một cây dừa, một cây vú sữa và hoa cỏ do cô con gái út trồng và chăm sóc. Cô út chính là vợ tôi. Thành người gia đình mới biết thêm gốc gác nhà vợ. Ông bố vợ là dân Tây học, du học ở Pháp lấy vợ đầm cho đến khi về Việt Nam dạy Bách khoa chuyên ngành kết cấu bê tông. Trong xóm thường gọi ông là cụ kỹ sư Sáu.
“Cái chuồng bồ câu” sống và làm việc của ông và gia đình, có điều lạ là vật liệu sơ sài lắm. Tường gạch, vách gỗ, mái phi brô, lạ nhất là sàn gạch bông… đủ thứ kiểu gạch, hoa văn khác nhau, nghĩa là một cái sàn chỗ nào cũng sạch, nhưng nó như là thợ lát nền tiện tay quơ trúng viên gạch bông nào thì… lát xuống vậy. Cụ Sáu nổi tiếng nghiêm khắc, học trò toàn những người thành đạt sau này dễ gì lành tính tới nỗi thợ lát nền gạch bông muốn lát gì thì lát như thế này?
Ngôi nhà ấy sẽ là nơi cư ngụ hơn nửa thế kỷ đến tận hôm nay. Sao nền gạch bông ngộ nghĩnh thế nhỉ? Thì ra, đơn giản không ngờ. Vợ tôi kể, “ba dạy học, nhà thì đông con dù ông sống theo kiểu Tây trong ăn uống hàng ngày nhưng thật ra cũng chỉ thanh bạch thôi. Khi làm nhà, học trò mỗi người một tay gạch bông mang đến tặng thầy thế nên nó… đủ thứ hầm bà lằng mỗi viên mỗi kiểu như thế đó…”. Hoá ra học trò cũng chưa sung túc, chỉ mới ra trường vẫn xoay xở tặng gạch cho thầy làm nhà. Cái tình thầy trò “đủ màu, đủ sắc” trên cái nền nhà này, cứ lặng lẽ trôi qua hơn 60 năm. Kiếp người qua đi cả chỉ riêng cái nền gạch bông cứ bóng lên theo thời gian.
Khi ra riêng, một phần ngôi nhà thuộc về vợ chồng tôi. Xây ngôi nhà mới ngay sát vách “chuồng bồ câu” tôi bàn với vợ mở một lối qua lại nhà xưa, cũng là nhà từ đường. Cái lối xuyên qua chỉ hẹp ba mét ấy nền gạch bông “hầm bà lằng” kia tôi vẫn giữ lại không thay gạch mới “để nhớ ba, nhớ tình thầy trò của ba…”.
Nền gạch bông ấy dường như ẩn hiện một nghĩa tình khó còn gặp lại trong đời. Từ cái cách thể hiện “lạ lùng”. Giữ lại cũng để nhắc “Ba mình một đời thanh bạch…”.
Vợ tôi gọi người phụ nữ ấy bằng “má Ba”. Má Ba đặc trưng Nam bộ, búi tóc, áo bà ba, khăn vắt vai, hút thuốc rê, thuốc lá, thích đánh bài. Bà thời trẻ có nhan sắc nhưng số lận đận không có gia đình chồng con, nghe đâu cũng từng được nhiếp ảnh gia danh tiếng Nguyễn Cao Đàm thời ấy chụp nhiều kiểu hình tựa như người mẫu bây giờ. Bà thật ra là người giúp việc gia đình nhưng chẳng ai dám gọi thế. Cụ kỹ sư Sáu bắt con cái kêu bằng “má Ba”, vừa thân mật, thân tình, vừa không khinh thường vai vế người ăn kẻ ở. Má Ba ở luôn trong nhà, mọi việc gia đình đều qua tay má: giỗ chạp, tết nhất, má Ba lo hết. Đặc biệt cơm nước hai buổi kiểu Tây cho một người sành ăn và thích đồ Tây như cụ Sáu, món Tây phải do bà nấu mới đúng điệu. Chẳng ai trong nhà thay thế được má Ba vụ này. Khi cụ Sáu mất, giỗ chạp hàng năm cũng chỉ má Ba nấu cúng, bày bàn thờ, “ba bây thích món này tao nấu à nha! Ổng khó lắm à, rô ti gà phải rô ti thế này, khác là ổng giận liền…”. Má Ba ở trong nhà mấy chục năm, hai gia chủ lần lượt mất, má còn sống thêm dăm ba năm nữa. Ngày cô út thành vợ tôi, má kêu cô út lại “để má dạy cho con vài món sau này vừa thay má nấu cúng ba mày, vừa nấu cho chồng mày ăn…”.
Rồi má Ba mất. Con cái trong nhà làm thay má mọi việc. Ngày giỗ chạp, món nào bày lên bàn thờ cũng có ai đó nói nhỏ “nhớ má Ba, má còn sống nấu ngon hơn mình là chắc!”
Cái tình “chủ tớ” mà như người thân nay e cũng khó gặp lại trong đời. Nay ôsin là ôsin, may thì gặp người tốt, không may thì vài bữa khăn gói ra đi cùng với mớ tài sản nhà chủ là chuyện “nhựt trình”. Khổ lắm!
Đỗ Trung Quân
ảnh : Đăng Thường
nguồn: http://thegioif5.com/nhung-o-gach-hoa/
3 nhận xét:
Hay. Em rất thích.
Chời, mới đọc cứ tưởng của TLV: học trò zớt con gái sư phụ!!!
ak ak- sư phụ mà có cũng được chứ có sao đâu nè hì hì
Đăng nhận xét