Chùa Xiêm Cán được xây dựng hồi thế kỉ XIX, tại ấp Biển Tây, xã Hiệp Thành, cách thị xã Bạc Liêu hơn 6 cây số trên đường về Vĩnh Châu (Sóc Trăng), là một công trình kiến trúc mang đậm phong cách Khmer với các nhóm chùa, tháp, mộ táng có nhiều hoa văn, phù điêu, hoạ tiết rất tỉ mỉ và màu sắc sặc sỡ.
Chùa nằm trên một khu đất rộng rãi, chánh điện quay về hướng đông - nơi cuối con đường đạt tới chánh quả, theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer. Đối diện chánh điện là trụ biểu với hình tượng của Mãng Xà Vương 5 đầu, nơi đây dùng để thắp nến vào những ngày lễ, ngụ ý rằng Phật pháp soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn dữ đã được Đức Phật hóa duyên, giác ngộ và hướng thiện.
Chùa gồm nhiều khu vực như chánh điện, sa la, am cốc, nhà ở các sư sãi, mộ táng, lò thiêu, tháp tro cốt. Trên các vách bên trong chánh điện và các am cốc có nhiều bức bích họa theo trình tự, kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc đản sinh đến khi xuất thế nhập niết bàn. Trong khuôn viên thoáng đãng của chùa có những hàng thốt nốt cao vút, nhiều khu vườn trồng hoa tạo nên cảnh trí u nhã, thanh tịnh…
Một góc chùa Xiêm Cán. Bên trái là giảng đường, nơi bà con địa phương được dạy học chữ Khmer, giáo lý và kinh kệ nhà Phật... Ảnh: Mai Lý
Đối với bà con dân tộc Khmer, ngôi chùa vừa là nơi thờ Phật đồng thời cũng là mái nhà chung của thôn ấp, là một trung tâm văn hoá, giáo dục của làng xã sở tại. Tại chùa Xiêm Cán có trường dạy chữ Khmer, chữ Ba-li, kinh kệ Phật giáo. Chùa cũng là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống như Ok Om bok, Chol Chnam Thmay, Đôn Ta...
Theo Mai Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn
Ảnh: TyLeVang- 3/1/2012
4 nhận xét:
Cảm ơn em trai hổm nay cho anh Già đi du lịch miền Tây quê mình qua các entry ảnh :)
dạ k có chi...e cũng được du lịch qua hình của a quá trời mà hehehe
chùa này ka đi hành hương có đi ngang, nhìn từ bên ngoài rất đẹp, nhưng vì là chùa Miên nên đoàn hành hương không ghé
bên trong tranh về Phật nhiều ... tuy nhiên đường nét vẽ chưa đã lắm
Đăng nhận xét