Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Chuyên đề: NGÔI NHÀ TIỆN NGHI trên tạp chí Nội Thất- ý kiến của TLV




1. Quan niệm về một ngôi nhà tiện nghi:
Tiện nghi không chỉ đơn thuần là trang bị tận răng những vật dụng dung trong nhà mà những vật dụng đó thỏa mãn được 2 yếu tố:
- Dây chuyền, sắp xếp, cấu trúc phải khoa học: tạm gọi là phần “khung”.
- Trong từng khu vực, từng cụm cũng phải có không gian hợp lý, chặt chẽ: tạm gọi là phần “hồn”.
Không ít gia đình, hệ thống tủ bếp rất to, hoành tráng nhưng chỉ trang bị cánh cửa tủ bên ngoài- như vậy là thiếu phần “hồn”.
Không gian bên trong tủ trên, dưới của bếp cũng phải được sử dụng tối đa bằng những ngăn, kệ chứa vật dụng thường dùng trong bếp. Đó là là tiện nghi.
2. Quan điểm về suy nghĩ: “muốn có tiện nghi thì phải có nhiều tiền- thậm chí rất nhiều tiền”.
Theo tôi, nhiệm vụ chính của KTS là tạo ra 1 bộ “khung”, 1 cấu trúc ngôi nhà thật hoàn chỉnh để rồi sau đó, sự tung hứng giữa Chủ đầu tư với KTS sẽ trang bị thêm cho tác phẩm phần “hồn” hoàn chỉnh hơn.
một ngôi nhà không thể gọi là tiện nghi khi bên trong bố trí toàn đồ đắt tiền nhưng chủ nhà phải khổ sở với sự bố trí không hợp lý- cũng như thiếu sự thông thoáng và ánh sáng.
Nhưng nếu chủ đầu tư “gồng” hết sức để có 1 bộ khung hoàn chỉnh và sau đó thì …hụt hơi, đối với tôi, với một cái nệm và 1 tủ áo dã chiến bằng vải- cũng đã là tiện nghi rồi.
Như vậy, có tiền, nhiều tiền chỉ là 1 yếu tố cần nhưng chưa đủ- vấn đề là tiền phải hợp lý.
3. Công việc của KTS là tạo ra tiện nghi trong từng ngôi nhà cụ thể, cho những chủ nhân cụ thể; điều quan trọng nhất đối với kts thiết kế.
Trong quá trình phân tích các yếu tố về kinh tế, sinh hoạt, tính cách của từng thành viên trong gia đình, tôi thường tập trung vào các yếu tố sau đây:
- Kinh tế: tỷ lệ đầu tư cho phần xây dựng cơ bản, cho phần trang thiết bị (dự tính) và nhẩm tính giá trị thực tế.
- Thói quen sinh hoạt của gia đình: sẽ dẫn đến dây chuyền công năng, vị trí tương đối giữa các phòng bên trong ngôi nhà.
- Kế hoạch phát triển trong tương lai gần (dưới 10 năm) nhằm thay đổi công năng một số phòng, trang thiết bị cho những thành viên trong nhà (người lớn tuổi sẽ bị trở ngại khi leo thang- thờ cúng; trẻ em lớn lên cần không gian riêng tư cho học tập, sinh hoạt) hoặc gia đình có kinh doanh thêm thì vẫn không thay đổi sinh hoạt trong nhà,…
Một công trình, một ngôi nhà như 1 hệ thống các thông tin liên quan với nhau. Nếu thiếu dữ liệu trong quá trình nghiên cứu, KTS sẽ tạo ra công trình bị èo uột và thiếu tiện nghi. Vì thế, 3 yếu tố trên quan trọng như nhau.

4. Đối với gia đình riêng, tiện nghi nào cần phải có trong ngôi nhà.
Tiện nghi trong 1 gia đình là phải dung hòa những thói quen, vật dụng và trang thiết bị cho những thế hệ, thành viên trong gia đình.
Các cụ cao tuổi thường sống bằng những thói quen xưa và vật dụng mang tính kỷ niệm nhiều hơn tính tiện dụng; Thế hệ trẻ hơn, thực sụng hơn, công năng được trọng hơn…
Dung hòa các yếu tố đó không phải là chuyện một sớm một ngày,…
Tôi sống trong một gia đình 3 thế hệ, cũng không tránh khỏi những chuyện như thế và tôi xem nhà mình như là một yếu tố quan trọng cần lưu ý để nhắc nhở mình khi thiết kế cho khách hàng, nhất là những gia đình có nhiều thế hệ sống chung với nhau.

Không có nhận xét nào: