Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

110313- Phất lớn nhờ nghề "làm thịt"... nhà cũ

Nhiều đại gia mới xuất hiện ở khu vực ngoại thành Hà Nội đi lên từ nghề "mổ nhà".

Mấy năm qua, nghề săn tìm những ngôi nhà, công trình cũ bị thanh lí, sau đó tháo dỡ, tận dụng tất cả những thành phần còn giá trị sử dụng về mông má rồi đem bán lại với giá cao hơn gấp nhiều lần (gọi chung là nghề mổ nhà) đang là công việc hốt bạc của nhiều gia đình ở Liên Cơ (Đại Mỗ - Từ Liêm - Hà Nội). Không ít những đại gia đã ra đời từ nghề mổ nhà đặc biệt này.

Thi nhau "săn" nhà cũ

Chúng tôi đến thôn Liên Cơ vào một buổi sáng sớm, tiếng máy cưa xẻ réo trong các lò mổ nhà suốt đêm ngày như báo hiệu đến mùa "hốt bạc" của người dân nơi đây. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, những chiếc ô tô đắt tiền không còn là ước mơ xa xỉ của người dân Liên Cơ nữa. Anh Nguyễn Văn ánh, một cư dân sống lâu năm thôn Liên Cơ cho biết, làng mổ nhà này mới chỉ thực sự thành hình cách đây chừng 4  - 5 năm.

Từ một vài xưởng mộc nhỏ ban đầu, công việc làm ăn khấm khá, nhiều người trong làng và khu vực lân cận đã đua nhau về đây thuê đất, lập xưởng. Đến nay, chỉ trên đoạn đường chưa đến nửa cây số chạy qua thôn Liên Cơ đã có tới vài chục "lò mổ" nhà lớn nhỏ đua nhau mọc lên.

Được biết, chính vì cái nghề chẳng giống ai này Liên Cơ xuất hiện nhiều đại gia, nhiều nông dân trước đây chân lấm tay bùn biến thành những ông chủ lớn. Bình quân mỗi xưởng lớn số lượng có thể lên tới vài ba chục người. Đội ngũ này vừa chịu trách nhiệm đi tháo dỡ nhà cũ, vừa làm nhiệm vụ  mông má, tân trang lại nhà mới trước khi đem bán.

Những xưởng mổ nhà như thế này đang mọc lên ngày càng nhiều ở Liên Cơ.
Không phải ai cũng có thể mở "lò mổ" nhà. Để làm một ông chủ lớn thì cần phải 2 - 3 năm xây dựng "mối quan hệ". Mỗi chủ xưởng đều có một đội ngũ "chân rết" rải đều khắp các tỉnh thành, từ Bắc vào Nam. Mỗi khi nơi đâu có công trình nào cần thanh lí, đội ngũ "chân rết" này lại báo về. Chủ xưởng lúc ấy mới cho người đi ký hợp đồng tháo dỡ. Thậm chí, đám "chân rết" hoạt động như... trinh thám, phải nhanh nhạy để cạnh tranh với các "lò mổ" khác.

Anh Nguyễn Văn Ánh bảo: "Nếu không có những tay ấy, thì làm sao chúng tôi ở đây "đánh hơi" được những công trình tít tận miền Trung, miền Nam mà mò vào mua chứ?". Được biết, tất cả các đội ngũ "chân rết" đều được các chủ xưởng trả lương như công nhân làm trong xưởng (mức lương thấp hơn) và mỗi khi tay nào tìm được mối hàng lớn đều được hưởng hoa hồng.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Lại Văn Tuyến, một tay săn nhà cũ có xưởng lớn có tiếng tại xã Đại Mỗ. Nói chuyện với chúng tôi, anh Tuyến kể về những chuyến hành quân đi lùng và phá nhà một cách say sưa. Trong suốt bốn năm làm công việc này, anh Tuyến cũng không nhớ là mình đã đi bao nhiêu tỉnh và "mổ" bao nhiêu công trình.

Có những chuyến theo xe vào tận miền Trung và Đông Nam Bộ. Được biết, trong mỗi chuyến đi phá nhà như thế, thông thường chủ xưởng chỉ bố trí khoảng 4 - 5 người. Đến nơi, nếu công trình nào lớn và khó phá, sẽ thuê thêm đội ngũ cửu vạn hoặc dân địa phương.

Mánh khoé làm ăn

Cách đây vài năm, khi nghề mổ nhà cũ mới manh nha, công việc của những tay "săn" nhà như anh Tuyến khá suôn sẻ. Nguồn hàng dồi dào, lại ít bị chia sẻ nên có tháng anh Tuyến có thể "làm thịt" được hàng chục công trình. Nhưng gần đây, các xưởng săn tìm nhà cũ mọc lên như nấm.

Không chỉ khu vực Liên Cơ mà nhiều nơi khác cũng xuất hiện nhiều "lò mổ" khiến việc cạnh tranh nguồn hàng trở nên gay gắt. Anh Tuyến cho hay, để giành được nguồn hàng, bên cạnh việc đặt chốt thông tin bằng đội ngũ "chân rết" ở khắp nơi, những tay săn nhà còn phải sử dụng rất nhiều mánh khóe. Kể cả việc tung tin đồn nhằm đánh lạc đối phương.

Trong việc xây dựng đội ngũ "chân rết", những ông "trùm" mổ nhà đặc biệt quan tâm đến đám cửu vạn. Đây là thành phần có số lượng đông đảo, tầm hoạt động rộng nên có khả năng nắm bắt thông tin rất nhanh. Nếu ai cung cấp được thông tin gì có giá trị đều được tiền thưởng. Đấy chính là cách hữu hiệu nhất để những tay săn nhà như anh Tuyến dù chỉ ngồi nhà nhưng vẫn có thể biết được những nguồn hàng cách xa mình vài trăm cây số.

Để mua những ngôi nhà cũ với giá hời và đảm bảo nhất, các chủ xưởng luôn có một đội ngũ chuyên trách đặc biệt, chuyên làm nhiệm vụ khảo sát và định giá nguồn hàng trước khi đưa ra mức thu mua cuối cùng. Thông thường, những công trình lớn, nhìn thấy được lợi nhuận cao, các chủ xưởng sẽ phải thân chinh đến để đàm phán, đấu giá với các lò mổ khác để mua hàng.

Nhưng nếu công trình nào không lớn họ có thể cử người đi thay. Tất cả đều là những người lâu năm trong nghề, hoặc là thợ mộc lão làng, hoặc là những tay có thâm niên buôn gỗ, vì thế việc định giá một công trình với họ đều không mấy khó khăn. Các ngôi nhà sẽ được xem xét, đo đếm kĩ lưỡng lượng gỗ, lượng sắt, gạch ngói kèm theo giá trị của từng loại. Thậm chí lượng sắt nằm trong tường hoặc trong các trụ bê tông cũng được tính toán chính xác đến khó tin.

Thường thì cái giá họ đưa ra bao giờ cũng bằng hoặc thấp hơn phân nửa giá trị thật mà họ tính được từ ngôi nhà. Nhưng cái giá ấy vẫn được chấp nhận. "Hầu hết các chủ sở hữu đều muốn nhanh chóng đập bỏ đi để xây mới nên giá cả không thành vấn đề. Mang tiếng thỏa thuận giữa hai bên nhưng chủ yếu quyết định giá là bọn tôi hết". - Anh ánh cho biết.

Sau khi thỏa thuận giá cả và đưa quân đến đập phá, các sản phẩm từ sắt, gạch, ngói thường được đem bán luôn với giá từ 1/2 đến 2/3 giá hàng mới. Riêng các sản phẩm từ gỗ như cửa, cột, kèo... sẽ được đem về xưởng, sơn sửa lại và bán với giá cao gấp 3, gấp 4 lần giá ban đầu. Một chủ lò mổ lớn có đội quân hùng mạnh, mỗi tháng có thể mổ được hàng chục căn nhà lớn nhỏ. Có công trình chỉ riêng phần đập phá đã mất cả tuần lễ.

Được biết, doanh thu của nghề mổ nhà cũ này tuỳ thuộc vào thời vụ. Có thời điểm cả chủ và công nhân "ngồi chơi xơi nước" cả tuần nhưng cũng có tháng họ làm không hết việc. Khi được hỏi, các chủ lò mổ nhà tại Liên Cơ cho biết, tháng đỉnh điểm trừ hết chi phí, mỗi lò mổ cũng thu được hàng trăm triệu đồng từ nghề độc đáo này.

(Theo Đời sống & Pháp luật)

nguồn: http://vef.vn/2011-03-12-phat-lon-nho-nghe-lam-thit-nha-cu

4 nhận xét:

Đàm Quỳnh Anh nói...

Thời thế tạo nghề anh nhỉ.

Ty Le Vang nói...

nghề này có lâu rồi e- nhưng cũng lên xuống thất thường...giờ mới được lên báo :-)

Lãng tử Sài Gòn nói...

Tiệm Xù Xì Việt không thuộc trong "diện" này. Hi hi.

Ty Le Vang nói...

xù xì nên được xếp hạng chót LT ơi :-)