"Nếu nói việc tân trang làm mất nét duyên của phố cổ, thì tôi xin hỏi như thế nào là duyên? Tháp Eiffel khi mới xây dựng bị coi là quái vật nhưng đến nay là kỳ quan", ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Ban chỉnh trang đô thị Hà Nội nói.
> Hà Nội thành đại công trường đào lát vỉa hè/ Hà Nội 'tân trang' phố cổ
- Việc chỉnh trang đô thị của Hà Nội đang nhận được những ý kiến trái chiều, đặc biệt là khu vực phố cổ. Thưa ông, việc chỉnh trang này dựa trên những tiêu chí nào?
- Thành phố đã chỉ đạo, dịp kỷ niệm 1.000 năm những địa chỉ nào cần thiết mới chỉnh trang, dựa trên đánh giá khảo sát hiện trạng của các sở ngành. Với khu vực phố cổ, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc thống nhất màu sơn trên các tuyến phố với tiêu chí không đưa màu phản cảm. Người dân tự sơn vôi nhà cửa của mình trên cơ sở các màu sơn đã có. Các nhà cổ kính cũng không được áp đặt màu sắc mà dựa theo màu sơn cũ, tường tróc vữa, nhếch nhách thì trát lại.
Nếu nói việc tân trang làm mất đi nét duyên của phố cổ, thì tôi xin hỏi như thế nào là duyên? Quận Hoàn Kiếm làm tương đối tốt việc tân trang. Tháp Eiffel khi mới xây dựng bị coi là quái vật nhưng đến nay được coi là kỳ quan.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc ban chỉnh trang đô thị Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Nhiều ý kiến cho rằng tháp nước Hàng Đậu cần giữ nguyên nét cổ kính mới có giá trị lịch sử. Quan điểm của ông thế nào?
- Tháp nước Hàng Đậu là công trình có giá trị văn hóa lịch sử song đã xuống cấp, bong tróc vữa, gạch xây đã mòn ở tầng 3. Đơn vị tư vấn đánh giá hư hỏng cần được được sửa chữa lại. Công trình này được tôn tạo lại để trở thành điểm văn hóa, tạo mối liên kết giữa Hàng Ngang - Hàng Đào đến Hàng Giấy - Tháp nước, tạo điểm dừng thu hút khách du lịch và tuyến phố đi bộ.
Vỉa hè tại đây lát đã lâu, các sở ngành thẩm định và có ý kiến phải thay thế. Kinh phí cho dự án cải tạo tháp nước Hàng Đậu chỉ là trên 3 tỷ đồng.Lăn sơn nhà mặt phố cổ. Ảnh: Khánh Chi. |
- Ông lý giải ra sao khi nhiều khu vực vỉa hè mới được lát xong nay lát lại bằng các chất liệu đắt tiền nhưng dễ trơn trượt?
- Nhiều đoạn vỉa hè như đường Thanh Niên đã hỏng, khu tượng đài Lê Nin lát bằng gạch lá dừa đã xuống cấp nên thành phố không thể để nhếch nhác mãi. Còn chuyện lát đá xanh khu vực hồ Hoàn Kiếm có thể gây trơn trượt thì cũng có nhiều ý kiến. Tuy nhiên, quảng trường Lý Thái Tổ lát bằng đá xanh đã được đa số người dân tán đồng.
- Trong khi Hà Nội còn cần nhiều kinh phí đầu tư cho các dự án dân sinh, ông nghĩ gì khi hàng trăm tỷ đồng ngân sách được huy động để chỉnh trang các tuyến phố?
- Đúng là thành phố đang phải cân đối ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, xóa đói giảm nghèo, cấp nước sạch... Có những việc chưa thể làm ngay do thiếu ngân sách.
Tuy nhiên, chỉnh trang thành phố là việc quan trọng để đón thủ đô nghìn năm tuổi, đón bạn bè năm châu, cũng như một gia đình có việc đón khách phải sửa chữa chỉnh trang lại nhà cửa.
- Là cơ quan giám sát, đôn đốc các dự án chỉnh trang, ông thấy có những sai sót gì trong quá trình thi công các dự án?
- Đến nay tôi mới chỉ phải đôn đốc tiến độ, chưa phát hiện sai phạm của các dự án. Nếu có sai phạm thì đơn vị chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố.
Đoàn Loan - Nguyễn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét