Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

111020- Giải bài toán ùn tắc giao thông - lấy tĩnh chế động

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng giao thông hỗn loạn ở các đô thị Việt Nam hiện giờ đã được xác định là do cơ sở hạ tầng và quy hoạch, tuy nhiên nguyên nhân này không thể khắc phục trong ngày một ngày hai mà cần một thời gian rất dài.

Giải pháp hiệu quả trước mắt, theo tôi không phải là điều chỉnh dòng phương tiện ngoài đường, mà là chấn chỉnh và quy hoạch lại giao thông tĩnh. Tôi nghĩ bộ trưởng Đinh La Thăng đã rất đúng đắn khi yêu cầu chấm dứt trông giữ xe dưới lòng đường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển quá nhanh các phương tiện giao thông cá nhân chính là sự dễ dãi trong việc quản lý giao thông tĩnh. Xe máy có thể dừng, đỗ trên bất kỳ vỉa hè nào và rất nhiều lòng đường được đỗ ôtô khiến cho người dân mất ý thức cân nhắc giữa phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng.

Việc cho để xe trên vỉa hè từ giải pháp tình thế trở thành quyền lợi chính thức trong tâm trí người dân, dẫn đến việc sử dụng phương tiện cá nhân một cách tràn lan, không cần cân nhắc.

Bài toán giao thông hiện tại có thể giải quyết rất dễ dàng bằng một quy định đơn giản: Cấm để tất cả các phương tiện giao thông trên vỉa hè và dưới lòng đường ở tất cả các tuyến phố, song song với việc phát triển thêm số lượng xe buýt. Các cơ quan, công ty, cửa hàng, gia đình phải tự bố trí chỗ để xe hợp pháp (tầng 1, tầng hầm, bãi để xe…) cho nhân viên, khách hàng của mình.

Nếu như quy định này được ban hành và thực hiện triệt để, sẽ có rất nhiều ưu điểm và giải quyết cùng 1 lúc nhiều bài toán so với các giải pháp can thiệp trực tiếp vào dòng phương tiện:

1. Không có bất kỳ thay đổi lớn nào về luật: Luật giao thông đường bộ đã mặc định cấm đỗ xe dưới vỉa hè, lòng đường.

2. Thực hiện được ngay lập tức, nhưng có thể có lộ trình linh động và không ảnh hưởng ngay đến sinh hoạt người dân: Thay vì ngay lập tức cấm hẳn xe máy hay ô tô đi 1 người từ các cửa ngõ, quy định mới có thể bắt đầu với những tuyến phố nhất định và mở rộng theo lộ trình để người dân chuẩn bị. Trong lúc số lượng xe buýt được phát triển và người dân quen dần với thói quen đi xe buýt, họ vẫn có thể gửi xe cá nhân ở những nơi gần các tuyến phố cấm và đi bộ sang.

3. Hạn chế hiệu quả số lượng phương tiện lưu thông vào nội đô: Số lượng hạn chế những nơi gửi xe ở các khu trung tâm sẽ khiến người dân tìm đến các phương tiện giao thông công cộng. Số lượng phương tiện hạn chế được sẽ rất lớn vì hiện nay đa số diện tích cho giao thông tĩnh chính là vỉa hè, lòng đường.

4. Công bằng với tất cả các phương tiện giao thông: không cấm hẳn 1 loại phương tiện nào.

5. Làm đẹp mỹ quan đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Khuyến khích thói quen đi bộ của người dân, gián tiếp làm giảm số lượng phương tiện cá nhân.

6. Giải quyết bài toán giãn dân: Các công sở, cửa hàng ở các khu có mật độ lớn không bố trí được chỗ để xe cho nhân viên, khách hàng sẽ tự phải di dời ra những khu vực có mật độ thấp hơn.

Nguyễn Chinh

nguồn: http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2011/10/giai-bai-toan-un-tac-giao-thong-lay-tinh-che-dong/?p=2#aComment

2 nhận xét:

Bắc Hà !!! nói...

Bài này nêu ý kiến rất hợp lý đó là không phân biệt bất cứ loại phương tiện nào. Nhưng lại đụng chạm đến vấn đề không thuộc quyền của ngài bộ trưởng nổ. Bởi xây bãi để xe thì lại đụng chạm đến tiền, đến di dời, đến sự thuận tiện phù hợp... không nằm trong tầm tay của ngài ấy?. Thành ra lại bất khả thi rồi.

Ty Le Vang nói...

đôi khi phải có 1 người tung hỏa mù như thế thì mới kêu gọi các cơ quan, ngành khác chugn tay xử lý. giống như chất vấn vấn đề thu tiền vĩa hè vừa rồi- lòi ra nhiều vấn đề