Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

111009- Nhà phố riêng lẻ- mối liên hệ không gian chiều thẳng đứng

Nhà ống mặt phố vẫn tồn tại ở đô thị tại những nước phát triển. Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã được tiếp xúc với nhiều ngôi nhà ống khác nhau. Xin giới thiệu 4 căn nhà ống ở 4 thành phố khác nhau trên thế giới với thời gian xây dựng lâu nhất là từ năm 1992 để tham khảo. Đặc điểm chung của cả 4 căn nhà là đều có sự tìm kiếm mối liên hệ không gian theo chiều thẳng đứng.

Giếng trời (Maison Pascal – nhà của Pascal, quận 17 Paris, 1999, KTS Christophe Lab, Ảnh: Christophe Lab)

Ngôi nhà nằm trong quận 17 của Paris được nhìn ra hai phố cổ chiều rộng 4,5m, chiều dài khoảng 20m, một sân để xe phía trước và mảnh vườn dài khoảng 7m phía sau. Ngôi nhà được xây hai tầng vừa đủ để ở với tầng 1 là khu sinh hoạt chung như bếp, phòng ăn và phòng khách. Tất cả được nối liền với nhau không có vách ngăn. Tầng 2 có hai buồng ngủ ở hai đầu để lại khoảng không ở giữa làm nơi đọc sách cũng như buồng tắm. Kết cấu của ngôi nhà là cột và sàn chịu lực nên tường chỉ có chức năng ngăn và bao che.

  • Ảnh bên : Mặt sau nhà nhìn ra vườn, hai tường bên chạy thẳng từ trong ra ngoài nối liền hai không gian nhà và vườn

Hai ý tưởng quan trọng chủ đạo của công trình, thứ nhất là sự liên hệ tối đa giữa khu sinh hoạt chung với thiên nhiên tức là mảnh vườn phía sau. Để đạt được điều đó thì hai tường bên chạy thẳng liên tục từ trong nhà ra ngoài trời để nối liền hai không gian. Hệ cột chịu lực được đặt tách rời khỏi tường để tăng thêm hiệu ứng. Hơn nữa, nhìn trên mặt cắt ta thấy được sự dãn nở và co thắt giữa không gian bếp và không gian phòng khách, phòng ăn. Tấm trần giả được đặt nghiêng để không gian phòng khách và phòng ăn có hình cong mở rộng ra phía vườn.

Thứ hai, ở giữa nhà tác giả đặt một giếng trời hình trụ tròn có đường kính 2,8m để lấy thêm ánh sáng tự nhiên cho không gian phòng ăn và phòng đọc sách ở tầng 2. Cái đáng nói ở đây là sự thay đổi cách nhìn nhận về phần tử kiến trúc. Giếng trời được coi như một đồ vật đặt trong khoảng không, hay nói đúng hơn nó như một chiếc đèn lồng to đặt ở giữa nhà. Chiếc đèn lồng này được sơn màu vàng và có tấm che đục lỗ bằng thép trượt xung quanh. Tấm che này dùng để tăng giảm ánh sáng khi cần thiết.

Ngoài ra hình khối của ngôi nhà rất đơn giản. Mặt tiền phía vườn có hình cong lõm vào phía trong để cùng chung ý tưởng với hình cong của không gian phòng khách và phòng ăn. Đồ đạc trong nhà cũng do chính tác giả thiết kế. Giá sách và kệ được kéo dài để nối liền các không gian lại với nhau.


trái - Không gian sinh hoạt chung không có tường ngăn. Giá sách và kệ được thiết kế để nối liền các không gian chức năng lại với nhau
phải - Bản vẽ Mặt cắt chỉ rõ sự thay đổi không gian theo chiều đứng

    

trái - Giếng trời được thiết kế như một chiếc đèn lồng ánh sáng tự nhiên đặt ở giữa nhà.
phải -
Giếng trời nhìn từ không gian ẩn

Kết cấu (nhà ở thành phố Osaka Nhật Bản, xây năm 1992; KTS Waro Kishi, Ảnh: Hiroyuki Hirai)

Vào đầu thế kỷ 20, nền công nghiệp bắt đầu phát triển mạnh ở châu Âu. Vật liệu thép được đưa vào sử dụng trong xây dựng rất nhiều, nhưng chúng được ứng dụng chủ yếu cho các công trình công cộng như sân ga, cầu đường... Ở thập niên 40, kiến trúc sư Jean Prouvé, Pháp đã tìm tòi đưa vật liệu này vào kiến trúc nhà ở tư nhân. Ông tự lập xưởng chế tạo của mình và có ý tưởng sản xuất nhà tại đây để sau đó chúng chỉ việc lắp ráp nhanh tại công trường. Không may cho ông, vào thời điểm đó nước Pháp bị tổn thất nặng nề bởi thế chiến thứ hai nên chính phủ muốn tập trung xây dựng nhiều các khu tập thể cao tầng để giải quyết chỗ ở cho nhiều người hơn là xây dựng các nhà tư nhân tốn nhiều diện tích đất đai.

Sau đó vào những năm 50, phong trào xây dựng nhà từ những vật liệu công nghiệp sản xuất hàng loạt tại nhà máy như thép và kính được thử nghiệm và rất thành công ở phía nam California của Mỹ. Hơn nữa, các đồ nội thất cũng được tiêu chuẩn hoá để phục vụ cho một cuộc sống hiện đại hơn. Đó là những ngôi nhà trong trào lưu “Case Study House” (Nhà nghiên cứu thử nghiệm) đã đưa tên tuổi của một số kiến trúc sư trở nên nổi tiếng như Charles and Ray Eames, Craig Ellwood, Pierre Koenig và Raphael Soriano.

Tiếp theo, kiến trúc sư Waro Kishi đã sử dụng vật liệu thép cho kết cấu của hầu hết các công trình của mình. Sự thành công của ông là đã đem đến sự nhẹ nhàng tối giản và cũng đầy chất thơ của vật liệu công nghiệp cũng như trong kiến trúc cổ truyền Nhật Bản. Đó là bài học về hiện đại hoá mà không mất đi bản chất truyền thống của mình.

Ngôi nhà được xây dựng ở vùng ngoại ô thành phố Osaka Nhật Bản. Nó có chiều rộng rất hẹp: 2,5m và chiều dài 13m.


trái - Mặt tiền chính chỉ rõ sự nhẹ nhàng đơn giản của kết cấu thép 
phải - Mặt sau nhà, tường của sân thượng được nâng cao để đảm bảo tính riêng tư cho gia đình.


trái - Khu sinh hoạt chung nhìn ra sân thượng. Vật liệu giống nhau giữa hai không gian để tạo sự liên hệ.
phải - Những bóng đổ trên tường là bức tranh trang trí duy nhất trong nhà


trái - Thang cũng là một phần tử trong tổ hợp của mặt tiền
phải - Hình chiếu trục đỡ cho thấy chiều cao của tầng sinh hoạt trên cùng. Với chiều cao này ta mất đi cảm giác hạn hẹp của không gian


Ngược với nhà Pascal kể trên, ở ngôi nhà này phần sinh hoạt chung được đặt ở tầng 4 trên cùng. Để tách biệt với những khu riêng ở phía dưới, cầu thang của nhà được đặt ngay tại mặt tiền. Đây là ý tưởng táo bạo làm thay đổi thói quen trong sinh hoạt. Nhờ đó, làm khu sinh hoạt chung có nhiều ánh sáng tự nhiên và có tầm nhìn rộng hơn. Vì chiều rộng của nhà rất hẹp nên tác giả đã nâng chiều cao của khu sinh hoạt chung lên 6m. Với kích thước đó ta mất đi cảm giác bị hạn chế của chiều cao. Tầng 4 được xây lùi vào một nhịp để tạo khoảng sân thượng phía ngoài. Vật liệu của tường và sân được sử dụng giống nhau giữa nhà và sân thượng để tạo sự liên hệ nối tiếp giữa trong và ngoài.

Hình khối của ngôi nhà rất đơn giản, cầu thang cũng được chế tạo từ thép công nghiệp và trở thành một phần của mặt tiền. Đồ trang trí duy nhất trong nhà là những bóng đổ trên tường. Đó là bức tranh sinh động được thay đổi theo thời gian trong ngày. 

Đồ nội thất tạo không gian (căn hộ trong khu Eixample thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, xây năm 2007; KTS David Sebastian Ucles. Ảnh: Adria Goula)

Đây là một ví dụ thành công trong tu sửa cải tạo công trình, một đề tài thường gặp trong xây dựng và đã được trở thành một trong những chủ đề nghiên cứu ở các trường đại học kiến trúc châu Âu.

Căn hộ nằm ở tầng 1 trong khu vực Eixample, khu mở rộng từ phố cổ của thành phố Barcelona năm 1860. Đây là khu được thiết kế theo quy hoạch hiện đại bởi kiến trúc sư Ildefons Cerda. Ở đây có những công trình kiến trúc nổi tiếng đã mang lại tên tuổi cho thành phố Barcelona, như hai công trình La Pedrela và La Sagrada Familia của kiến trúc sư lừng danh Antoni Gauđi.

Căn hộ rộng 5m, dài 11m để lại khoảng sân phía sau dài 9m, có một buồng nhỏ được sử dụng như xưởng sửa chữa vặt của gia đình và nhà vệ sinh.


trái - Mặt sau nhà nhìn ra sân. Những tấm polycarbonate trắng được thiết kế để che mưa cho không gian nơi căn hộ với phòng làm việc. Sự trùng tu khéo léo để căn hộ không làm xáo trộn kiến trúc của toàn khu vực 
phải - Bản vẽ 1/Bếp. 2/Khu sinh hoạt chung. 3/Phòng ngủ. 4/Buồng tắm. 5/Phòng làm việc. 6/Sân
    

Sự kết hợp hài hòa giữa cũ và mới, sống cùng nhau nhưng không cạnh tranh nhau, tất cả tạo nên một bức tranh không gian ba chiều


trái - Đồ đạc được thiết kế chính xác cho từng không gian.
phải - Giường ngủ được thiết kế chung với hệ thống đồ đạc trong căn hộ.

Một vấn đề nan giải chung của nhà hình ống là những không gian ở giữa đều không có ánh sáng ban ngày. Để khắc phục điều đó, KTS David Sebastian Ucles đã bỏ hết tường ngăn và thay vào đó, ông thiết kế tổng thể đồ đạc trong nhà thành một đồ vật duy nhất. Đồ vật này cao không tới trần nhà để ánh sáng có thể xuyên qua được. Nó vừa là tường ngăn khoảng không nhưng lại bao gồm chức năng sử dụng như tủ bếp, tủ quần áo, tủ đựng đồ đạc. Ngay cả giường và ghế xalông cũng được đưa vào chung một hệ thống. Tất cả tạo nên một không gian liên tục theo chiều dọc của nhà. 

Đây là kiểu thiết kế theo thuyết “Machine à habiter” mà KTS Le Corbusier đã đưa ra cho kiến trúc nhà ở. Ông nói rằng nhà ở cũng như một cỗ máy mà đồ đạc phải được thiết kế ngay từ đầu cho từng không gian riêng biệt. Cũng như thiết kế một con tàu mà đồ đạc ở bên trong phải được tính toán chính xác để tận dụng được không gian tối đa. Đồ đạc không chỉ có chức năng sử dụng mà nó còn có vị trí quan trọng trong không gian. Đó là một trong những điều cơ bản của sự khác nhau giữa kiến trúc nội thất và trang trí nội thất.

Một điều đáng chú ý nữa là tác giả đã cứu được gần 70% gạch nền của toàn bộ ngôi nhà. Sau đó ông tổ hợp chúng theo từng mảng dưới sân hay trên tường chạy dọc theo nhà và lan ra cả phòng làm việc phía ngoài. Những viên gạch này rất có giá trị, không phải vì chúng đắt tiền mà chúng là biểu tượng của nội thất Barcelona vào đầu thế kỷ 20.

Những mảng vữa cũ được bỏ đi để tường được lộ trần ra. Mấy dầm thép mới được bổ sung để chịu thêm lực cho kết cấu. Cùng với sự sắp xếp của sân gạch và đồ nội thất, tất cả tạo nên một bức tranh rất hài hoà và sinh động. Điều thành công ở đây là sự hoà trộn giữa cũ và mới. Cả hai sống cùng nhau nhưng không “cạnh tranh” nhau.

Vật liệu (nhà “lốp” ở thành phố Kobe, Nhật Bản, xây năm 2005)

Đây có lẽ là ngôi nhà được thiết kế tổng thể hơn cả vì từ hình thái kiến trúc, kết cấu đến nội thất trong nhà được tính toán liên hệ với nhau theo một ý tưởng chung. Nằm trong một khoảnh đất hạn chế về diện tích, nhưng tác giả vẫn để một khoảng sân phía trước để mong mỏi đem đến một chút thiên nhiên cho những người sống ở đó. Mặt bằng xây dựng chỉ có vỏn vẹn 33m2 với tầng 1 và tầng 2 dành cho buồng ngủ, phòng làm việc và buồng tắm, để lại tầng 3 trên cùng dành cho khu sinh hoạt chung.

  • Ảnh bên : Mặt tiền với khoảng sân nhỏ phía trước

Ngôi nhà được xây dựng bởi sự bởi sự sắp xếp của các thanh bêtông cốt thép chế tạo sẵn có chiều rộng 32cm và chiều dài 3,2m. Các thanh này được nối với nhau bởi các đoạn ngắn hơn, và chính tại các điểm nối này đã tạo nên hệ chịu lực theo phương đứng cho nhà. Nhờ vào cách xếp đặt này mà các giá sách, bàn hay các bậc cầu thang được ghép vào tường một cách tự do. Chúng có thể di chuyển dễ dàng theo yêu cầu của người sử dụng.

Điều đặc biệt ở công trình này là cách tìm ra vật liệu mới cho kiến trúc. Vật liệu mới ở đây không phải là tìm ra một chất liệu mà cách “sử dụng” các vật liệu có sẵn. Cách sắp đặt các thanh bêtông đã tạo ra vật liệu mới cho tường. Những bức tường không tĩnh tại theo thường lệ mà rất sinh động, chúng thay đổi khi di chuyển trong không gian. Để ý tưởng đạt được mục đích tối đa, tác giả đã đưa cầu thang là hệ chuyển động theo phương đứng trở thành phần tử quan trọng nhất trong tổ chức không gian bên trong ngôi nhà.

Một điểm nữa rất thành công của công trình là nhờ cách xếp đặt này mà ánh sáng không chiếu trực tiếp vào trong nhà. Các thanh bêtông được coi như tấm mành của kiến trúc cổ truyền, cái để tránh nắng cũng như những cái nhìn từ phía ngoài vào trong nhà. Đó là sự sử dụng công nghệ hiện đại cho một âm hưởng truyền thống. Một lần nữa ta thấy được sự hoàn thiện của người Nhật Bản, với khả năng sáng tạo không ngừng và luôn có hơi thở của tính dân tộc.

Qua bốn ví dụ kể trên ta thấy các kiến trúc sư tiếp cận bốn công trình với các ý tưởng khác nhau. Những ý tưởng này xuyên suốt đồ án và được bộc lộ ngay cả ở những chi tiết nhỏ. Thiết kế nhà ở là một điều gì đó rất đời thường nhưng cũng đầy lý thú. Trong kiến trúc không có công trình lớn hay công trình nhỏ, chỉ có công trình này sáng tạo hơn công trình kia.


Khu sinh hoạt chung ở tầng trên cùng không có tường ngăn. Sử dụng vật liệu cũ để tạo vật liệu mới. Cách lấy ánh sáng tự nhiên để tạo âm hưởng đặc biệt cho không gian.


trái - Một góc nhìn của phòng làm việc ở tầng 1 
phải - Bản vẽ phải Mặt cắt chỉ rõ sự chuyển động theo phương đứng là phần chính trong tổ chức không gian bên trong nhà.


Vũ Hoàng Sơn (giảng viên Khoa kiến trúc – nội thất Đại học mỹ thuật và thiết kế Geneva – Thuỵ Sĩ).

nguồn: KT&ĐS

Không có nhận xét nào: