Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

090627- Thế giới của những chiếc ghế!

Số trước, KT&ĐS đã giới thiệu về kiến trúc khu nhà triển lãm – trung tâm thiết kế nội thất vitra tại wein am rein – đức. Lần này, Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu những tác phẩm nội thất bên trong toà nhà – niềm tự hào của ngành thiết kế thế giới thời kỳ cận hiện đại

Trung tâm triển lãm và thiết kế đồ gỗ nội thất (chủ yếu là các mẫu sản phẩm ghế) do công ty Vitra sáng lập đã có truyền thống từ vài thập kỷ nay. Vitra ban đầu là một công ty gia đình, nay đã trở thành một tập đoàn lớn với chi nhánh trên 14 quốc gia. Người đồng sáng lập, ông Rolf Fehlbaum (CEO), từ năm 1977 đã định hưóng phát triển công ty trên nền tảng những bộ sưu tập quý giá về ghế của các bậc thầy thiết kế thế giới giai đoạn cận hiện đại.

Vào năm 1989, Vitra được tạo dựng thành khu nhà triển lãm bởi  Alexander Von Vegasack. Cùng với sự đóng góp của nhiều kiến trúc sư tài năng (chúng tôi đã giới thiệu trên KT&ĐS số 36) và các nhà thiết kế nội thất đương đại như Jean Prouvé (Pháp, 1901 – 1984), Goerge Nelson (Mỹ, 1904 – 1986), Charles & Ray Eames và Verner Panton*, với mục tiêu đưa ra những mẫu sản phẩm nội thất đột phá, tiện lợi và hữu dụng, Vitra đã trở thành một trong những trung tâm trưng bày, cung cấp sản phẩm thiết kế và nội thất lớn bậc nhất thế giới.

Những mẫu ghế văn phòng thông dụng cung cấp cho thị trường của Vitra, đa phần được phát triển trên nền tảng mẫu B64 Cesca của Breuer, sáng tác năm 1928 Gian trưng bày các mẫu thiết kế của vợ chồng Charles & Ray Eames cùng bộ ghế Coconut màu xanh của Goerge Nelson (1955). Ghế dùng vật liệu khung thép, sợi thuỷ tinh trong khung bằng nhựa, ngoài bọc da (L/H/V: 138mm/158mm/145mm)

Những chiếc ghế của Eames như DKR “wire chair” (1950), vật liệu thép không gỉ (L/H/V: 93mm/131mm/80mm) - ghế DSW (1950 – L/H/V: 83mm/135mm/78mm). Ảnh dưới (trái) Ghế “LCM” của Eames (1945) hợp kim với mặt và lưng bằng nhựa, mẫu này bọc vải lông (L/H/V: 105mm/111mm/94mm)
Mảng trưng bày mẫu ghế ở cửa chính gian triển lãm: ghế Panton bên trái, màu đỏ, nguyên mẫu “S” chair lẫy lừng của Verner Panton (1959 – 1960 – L/H/V: 86mm/140mm/83mm), một thiết kế điển hình của thập niên 1960. Bên cạnh là ghế DCW màu trắng của Ray Eames (1945 – L/H/V: 90mm/121mm/82mm). Dưới cùng là DKR “Wire chair” (1950), vật liệu sợi thép và khung thép không gỉ. Trên cùng bên phải là ghế Heart – shaped cone, sáng tác của Verner Panton (1958 – L/H/V: 123mm/131mm/140mm) và Plastic Armchair của Charles & Ray Eames (L/H/V: 86mm/90mm/83mm) Bên cạnh những chiếc “coconut chair” của Goerge Nelson là những tác phẩm đồng hồ của ông thiết kế cho công Howard Miller Clock. Từ trái sang phải: Sunburst Clock (1949), Ball clock (1948), Kite clock (1960), Asterisk clock (1950), Sunburst clock (1949)

Gian trưng bày thiết kế của Isamu Noguchi (Nhật Bản) với Freeform sofa và Freeform Ottoman. Ông thiết kế nhiều vật dụng như đèn, đồ bếp… Các mẫu đèn trong ảnh thuộc dòng Akari Light giai đoạn 1951. Sản phẩm của ông hiện đại nhưng vẫn vận dụng những nguyên liệu truyền thống. Mẫu đèn Akari với giấy Shoji cho đến nay được khai thác nhiều bởi các công ty sản xuất nội thất trên thế giới. “Cảm nhận ánh sáng của Akari như tia mặt trời được lọc bởi lớp giấy – chuyển ánh sáng điện tự nhiên như ánh sáng mặt trời, làm căn phòng ấm trong đêm”- Isamu Noguchi. Đây là chiếc Mashmallow sofa, một sáng tác bất hủ của Nelson năm 1946, là một trong những tác phẩm nội thất tiêu biểu phong cách pop-art”. Ta nhìn thấy sự chuyển đổi từ dáng sofa truyền thống đến không gian ba chiều với hiệu ứng của các khối tròn và sự linh hoạt của màu sắc. (L/H/V: 132mm/134mm/218mm)

Những chiếc ghế Wiggle side của Frank O’Gehry (1972), vật liệu bìa ép (L/H/W: 95mm/147mm/65mm)

Mẫu ghế ghế Standart và bàn của Jean Prouvé (1930), (L/H/V : 82mm/134mm/69mm).
 
Toàn cảnh gian triển lãm ghế của nhà máy Vitra – tác phẩm kiến trúc của Frank O’Gehry  

Bài & ảnh: Tường Huy

* Jean Prouvé (Pháp, 1901 – 1984)

- Đồng sáng lập nhóm “modern artist” năm 1930.

- Công trình Ateliers Jean Prouvé thành công năm 1931, cùng sự tham gia của hai kiến trúc sư Eugenè Beaudoin và Marcel Lods, cùng nhiều tác phẩm thiết kế với Charlotte Perriand và Pierre Jeanneret.

- Sản phẩm tiêu biểu “metal furniture” của Prouvé hiện hữu ở rất nhiều studio hoặc workshop, phong cách gần với Bauhaus.

*Goerge Nelson (Mỹ, 1904 – 1986)

- Là một trong những người sáng lập trường phái “American modernism”.

- Ông chú trọng đến vật liệu tường và đồng hồ bàn. Đã có hơn 300 kiểu đồng hồ bàn được thiết kế cho công ty Howard Miller Clock

- Ông trở nên nổi tiếng với các thiết kế từ 1946 – 1964, cùng lúc với thời điểm bùng phát của ngành thiết kế cận hiện đại.

- Trong vai trò kiến trúc sư - hoạ sĩ nội thất, ông nổi tiếng với kiểu nhà “Fairchild house” với một khoảng sân trời ở giữa với các cửa sổ bao quanh. Kiểu thiết kế nhà đầy ấm cúng này hiện luôn được sử dụng trên thế giới và hiện là thời thượng trong kiến trúc nhà ở tại Việt Nam.

- “Sling sofa” là sáng tạo của ông trong việc vận dụng vật liệu dễ gia công, hữu dụng và có giá thành thấp để dễ đến với người tiêu dùng.

- Các cộng sự và học trò tài danh: Irving Harper, Lucia de Respinis, Charles Pollack, William Cannan và John Pile,…

- “Sản phẩm design tốt phải trường tồn” là triết lý làm việc của ông.

* Charles (Mỹ, 1907 – 1978) & Ray Eames (1912 – 1988)

- Charles trải qua rất nhiều nghề, từng là kỹ sư xây dựng, nhưng những thành công của ông lại thuộc về ngành thiết kế hiện đại. Năm 1938 ông là trưởng bộ môn tạo dáng công ngiệp của Mỹ.

- Eames nổi tiếng với việc sử dụng chất liệu gỗ ván ép, được ứng dụng cho đồ nội thất, đặc biệt hữu dụng trong Hải quân Mỹ ở thế chiến 2.

* Verner Panton  (Đan Mạch, 1926 – 1998)

- Tốt nghiệp trường Royal Danish Academy of Art, thuộc nhóm thiết kế bắc Âu có ảnh hưởng lớn tới nền thiết kế thế giới trong thế kỷ 20. Các sản phẩm ghế và đồ nội thất của Verner mặc dù có phong cách đặc trưng thập niên 60 nhưng đến nay vẫn được tiếp tục sản xuất tại Vitra. Ông được đánh giá là “bậc thầy của bậc thầy” trong ngành thiết kế nội thất.

- Ngoài ra, Verner còn là nhà thiết kế đồ hoạ cho tạp chí hàng đầu của Đức – Der Spiegel.

- Sản phẩm bất hủ: ghế hình chữ “S”

 

nguồn: http://www.sgtt.com.vn/detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=53055&fld=HTMG/2009/0617/53055