Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

090612- Lược sử hãng phim hoạt hình Pixar và các tác phẩm của hãng

Khoảng năm 1993-1994, George Lucas (cha đẻ của StarWar và nhiều kỹ thuật âm thanh, hình ảnh cho ngành điện ảnh) mở một xưởng phim hoạt hình, có lẽ cảm thấy làm phim hoạt hình không phải là sở trường của mình, Lucas bán xưởng phim này lại cho Steve Jobs (CEO của Apple ngày nay). Khi Steve Jobs mua lại Pixar, xưởng phim này vẫn chỉ là một xưởng nhỏ chưa ai biết đến. Vào năm 1995, Pixar phát hành bộ phim đầu tiên tên là "Toy Story". Hai nhân vật đồ chơi chính trong phim được lồng tiếng bởi Tom Hanks và Tim Allens, nội dung chính của phim kể về cuộc phiêu lưu của những món đồ chơi của cậu bé Andy.


Các bộ phim hoạt hình của Pixar

Ngay sau khi phát hành, Toy Story - bộ phim đầu tiên trên thế giới được vẽ hoàn toàn bằng máy tính đạt được thành công vượt ra ngoài mọi sự mong đợi của Pixar, doanh số toàn cầu hơn 350 triệu USD đã giúp Pixar có thêm điều kiện kinh tế để đầu tư mở rộng hãng. Sự thành công của Toy Story vẫn là một đề tài đáng được nhắc đến trong làng điện ảnh mặc dù phim có mặt đã gần 15 năm.


Poster Toy Story

"A Bug's Life" là bộ phim thứ hai của Pixar, phát hành năm 1998. Phim này cũng được dựng hoàn toàn trên máy tính và cũng là một bộ phim rất ăn khách, doanh thu toàn cầu 363 triệu USD. Nội dung chính của bộ phim này được cho là dựa theo truyện ngụ ngôn " Con kiến và con châu chấu" của Aesop. Trước đó không lâu, DreamWork CG cũng có một bộ phim cùng về đề tài thế giới côn trùng đặt tên là "Antz" nhưng không mấy thành công, vào lúc đó, nhiều người tỏ nghi ngờ sự thành công của A Bug's Life, nhưng rồi mọi nghi ngờ đã được đánh tan khi dòng người xếp hàng chờ vào xem phim này ngày một nối dài.


Poster A Bug's life

Thấy Toy Story đạt thành công lớn, Disney - (Disney có hợp đồng phát hành phim của Pixar từ khi Pixar còn chưa có tên tuổi) đã yêu cầu Pixar sản xuất tiếp phần 2 bộ phim Toy Story để phát hành trực tiếp ra DVD và VCD, tuy nhiên, khi xem các đoạn phim mẫu của phần 2, Disney đã rất ấn tượng và yêu cầu Pixar trau chuốt để phát hành ra rạp. Toy Story 2 chính thức bước ra rạp vào 1999 và đạt doanh thu 485 triệu USD toàn cầu ngay trong năm đó.

Nói rõ hơn về hợp đồng giữa Disney và Pixar, thực ra lúc đầu hợp đồng giữa Disney và Pixar có nội dung là Disney sẽ phát hành 5 bộ phim do Pixar làm ra, sau khi Disney phát hành hết 5 bộ phim, hợp đồng này sẽ được xem xét và thay đổi đúng với thời cuộc. Khi phát hành Toy Story 2, Pixar muốn xem đây là bộ phim thứ 3 mà hãng làm, nhưng Disney thì cho rằng Toy Story 2 là phần tiếp theo của phần 1, và bảo rằng Pixar còn phải làm thêm 3 phim nữa thì mới đủ hợp đồng 5 phim. Cuộc cãi vã giữa hai hãng kéo dài nhiều năm, kết cục là vào năm 2004, Pixar quyết định là sau hợp đồng 5 phim đã ký họ sẽ không làm phim cho Disney phát hành nữa. Tuy nhiên, khi CEO của Disney - Michael Eisner về hưu, quan hệ của hai hãng lại trở nên tốt đẹp và cuối cùng Disney đã đạt được thỏa thuận phân phối độc quyền toàn bộ sản phẩm của Pixar. Thỏa thuận này khiến Steve Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của Disney tính tới thời điểm hiện tại.

Quay trở lại câu chuyện đồ chơi Toy Story. Disney và Pixar sẽ phát hành phần 1 và phần 2 của bộ phim này vào cuối năm nay dưới dạng phim 3D, đồng thời Pixar còn cho biết hãng đang sản xuất Toy Story 3 và sẽ phát hành vào năm 2010.


Poster Toy Story 2

Bộ phim thứ 4 của Pixar phát hành năm 2001 có tên là "Monster Inc" đạt doanh thu 525 triệu USD toàn cầu. Phim này kể về một thế giới quái vật song song với thế giới của loài người, nguồn năng lượng chính của thế giới này được lấy từ nỗi sợ và tiếng la hét của trẻ em. Quái vật từ thế giới này bước sang thế giới loài người nhờ những cánh cửa được mã hóa, trong một lần sơ ý, một đứa trẻ đã lọt vào thế giới quái vật và có một chuyến phiêu lưu đáng nhớ tại đây. Monster Inc đánh dấu một phát minh mới của Pixar vào thời điểm đó, đó là dùng sức mạnh đồ họa để tái tạo bộ lông của chú quái vật Sulley, bộ lông này có khả năng tương tác với các lực trong phim như gió, mưa...


Poster Monster Inc

Doanh thu khổng lồ từ Monster Inc đã giúp Pixar có chỗ đứng vững chãi trong làng điện ảnh Hollywood. Bộ phim tiếp theo, "Finding Nemo" được hy vọng sẽ là một sản phẩm ăn khách, và đúng như vậy, Finding Nemo đạt được doanh thu đến 866 triệu USD toàn cầu khi được tung ra vào năm 2003.

Finding Nemo đồng thời đánh dấu một phát minh mới của Pixar với kỹ thuật tạo hình dưới mặt biển. Các nhà nghiên cứu của Pixar đã tốn rất nhiều thời gian nghiền ngẫm cách dùng sức mạnh đồ họa để tái tạo ánh sáng, cử động của vật thể và các nhân vật dưới đáy biển.


Poster Finding Nemo

Pixar tiếp nối thành công của Finding Nemo bằng một thành công khác, bộ phim "The Incredibles". The Incredibles kể về một gia đình siêu nhân với nhiều năng lực đặc biệt, tuy là siêu nhân nhưng rồi họ buộc phải sống ẩn mình vì có nhiều hệ lụy sinh ra bởi những cuộc chiến chống cái ác của họ. Doanh thu của The Incredibles là 635 triệu USD toàn cầu, tuy thu được lợi nhuận ít hơn Finding Nemo, nhưng số tiền khổng lồ này vẫn là một niềm mơ ước của nhiều hãng phim lúc bấy giờ. Theo Wikipedia, The Incredibles là kịch bản phim hoạt hình vẽ tay của hãng Warner Bros, nhưng sau đó không được duyệt, giám đốc Brad Bird sau đó rời Warner Bros và đem theo kịch bản này sang Pixar, và The Incredibles được làm bằng máy tính thay vì vẽ tay như dự định ban đầu.


Poster The Incredibles

"Cars" là bộ phim thứ 7 của Pixar, được phát hành vào năm 2006 và đạt doanh thu 462 triệu USD toàn cầu. Đây là phim cuối cùng Pixar làm trước khi hãng này được Disney mua lại. Nội dung chính của phim này kể về Lightning McQueen, một chiếc xe đua bị lạc đến vùng quê và đã thay đổi sau một thời gian sống ở đó. Cars đồng thời cũng đánh dấu một phát minh của hãng, đó là dùng máy tính để xử lý 300,000 (ba trăm ngàn) nhân vật xe hơi cùng một lúc ở cảnh quay sân vận động, đây là lần đầu tiên một hãng phim dùng máy tính tạo ra và điều khiển cùng lúc một số lượng lớn nhân vật đến như vậy. Phần tiếp theo của Cars đang ở giai đoạn chuẩn bị và sẽ phát hành vào năm 2011.


Poster Cars

Câu chuyện về một chú chuột sống ở Pháp, sau một chuyến phiêu lưu dài và nhiều thử thách đã trở thành bếp trưởng của một nhà hàng là nội dung chính của phim thứ 8 của Pixar: "Ratatouille"

Phim này đạt doanh thu 624 triệu USD, được giới đánh giá rất cao ở việc tái tạo chi tiết vật thể. Theo Wikipedia, Pixar đồng thời chú trọng rất nhiều đến độ thực của nước trong phim này. Thật vậy, trong phim có rất nhiều cảnh có liên quan đến nước. Trong phim có cảnh một nhân vật bị ướt khi đuổi bắt chú chuột, để chuẩn bị cho cảnh này, Pixar trước đó đã cho một nhân vật của mình mặc đồ bếp nhảy xuống hồ bơi để xem áo quần của người này bị ướt ra sao, phần nào dính vào người và phần nào trở nên trong suốt vì nước... Ratatouille được đề cử giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất, kỹ thuật chỉnh sửa âm thay hay nhất và kỹ thuật hậu kỳ âm thanh hay nhất.


Poster Ratatouille

Phim thứ 9 của Pixar là "Wall-E", một bộ phim khoa học giả tưởng kể về một chú robot dọn rác ở trái đất, lúc này trái đất đã cạn kiệt tài nguyên và bị bao trùm bởi rác thải. Wall-E đã gặp và yêu EVE, một rôbot khác được phái đến trái đất để tìm dấu hiệu của sự sống. Wall-E là phim đầu tiên của Pixar ứng dụng kết hợp giữa đồ họa vi tính và kỹ thuật ghi hình chuyển động thời gian thực. Wall-E đoạt giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất, doanh số của phim này là 532 triệu USD toàn cầu.


Poster Wall - E

Phim thứ 10 của Pixar: "Up" là một bộ phim sắp ra mắt. Đây là câu chuyện kể về một ông lão 78 tuổi chán ghét cuộc sống tù túng nơi thành thị, đã quyết định cột hàng ngàn trái bóng bay vào ngôi nhà của mình để lên đường đi phiêu lưu.


Poster Up


Để làm phim Up, Pixar đã ứng dụng nhiều phát minh mới của mình, bao gồm cả kỹ thuật tạo và điều khiển hàng ngàn vật thể/nhân vật riêng biệt, trong trường hợp này là những cái bong bóng bay. Ngoài ra phim còn sử dụng kỹ thuật mới trong việc tạo hình lông chim, và các kỹ thuật mới trong việc tạo hình và tương tác với trang phục của nhân vật.

Ngôi nhà của Carl - nhân vật chính được hàng ngàn trái bóng bay đưa lên trời. Mỗi trái bóng bay là một luồng xử lý riêng biệt, có nghĩa là nếu một trái bóng bay này đụng vào trái kia thì nó sẽ làm trái kia chuyển động... Kỹ thuật tái tạo sự tương tác vật lý giữa các vật thể làm cho những trái bóng bay trở nên hết sức sống động và khó đoán ngay cả với các nhà làm phim. Có một cảnh quay trong đó có vài trái bóng tuột khỏi chùm bóng và bay lên trời, thực sự điều này không có trong kịch bản vì đây là kết quả không ngờ của bộ não máy tính. Sau khi xem đi xem lại, Pixar quyết định giữ cảnh quay này lại trong phim bởi vì họ rất thích.

Pixar không dùng mac để làm phim, họ thiết kế nhân vật (vẽ tay) qua nhiều công đoạn đựng khung, xử lý, trau chuốt trên máy tính, họ sẽ dùng một hệ thống máy tính cực mạnh (một chuỗi hàng trăm workstation với cấu hình kinh khủng) để render, thường một giây phim sẽ có 24 khung hình, để render 1 khung hình, chuỗi máy tính mạnh đó sẽ phải render trong 6-7 tiếng đồng hồ, thậm chí có khung hình phải mất 12-13 tiếng đồng hồ mới render xong.
nguồn: www.tinhte.com

http://www.tinhte.com/forum/t216592/#6113-Luoc-su-hang-phim-hoat-hinh-Pixar-va-cac-tac-pham-cua-hang

1 nhận xét:

Ty Le Vang nói...

chỉ còn xót phim Up chưa xem hì hì