Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

090509- Phải hiểu mới có thể “hồi sinh” cho nhà cổ

nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2009/5/112953.cand

Điều cần thiết trong công tác trùng tu nhà cổ là phải hiểu về từng chi tiết trong tổng thể kiến trúc ngôi nhà. Chẳng hạn phần chạm khắc trong ngôi nhà cổ thể hiện tiếng nói của tổ tiên. Mỗi họa tiết, hoa văn, hình khối đều có tiếng nói riêng… Để làm tốt công tác này rất cần cái tâm và cái tài của người làm công tác bảo tồn trên cơ sở tôn trọng giá trị lịch sử, văn hóa.

Tôi đứng rất lâu trước tấm biển treo ở vị trí bắt mắt của ngôi nhà cổ ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Đó là bảng hiệu công nhận đây là một trong sáu ngôi nhà cổ ở nước ta được Tổ chức Di sản châu Á - Thái Bình Dương bảo tồn. Cụ thể là nhà cổ ở: Đình Bảng (Bắc Ninh); Hội An (Quảng Nam); Biên Hòa (Đồng Nai); Xuân Hồng (Nam Định); Đông Hòa Hiệp (An Giang) và Vĩnh Tiến (Thanh Hóa).

Tham quan ngôi nhà, phần nào cho khách cách nhìn nhận về bảo tồn di sản, một vấn đề gần đây dư luận đặc biệt quan tâm.

Ngôi nhà cổ ở thôn Tây Giai được trùng tu, bảo tồn như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Tùng, chủ nhân ngôi nhà và đời thứ 7 dòng họ Phạm ở thôn Tây Giai cho biết, ông bất ngờ khi ngôi nhà của mình được cơ quan văn hóa chọn trùng tu, bảo tồn.

Trao đổi với ông Lê Văn Sự, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Lộc, chúng tôi được biết, đoàn chuyên gia Nhật Bản và cán bộ Cục Bảo tồn di sản văn hóa sau khi được giới thiệu đã đi khảo sát 64 ngôi nhà cổ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhưng đã chọn ngôi nhà cổ của ông Tùng để trùng tu. Năm 1999 khảo sát thì năm 2002, công tác trùng tu bắt đầu.

Ngôi nhà cổ của ông Tùng trước...

Và sau khi trùng tu. Ảnh: C.H.

Ngôi nhà cổ 7 gian của gia đình ông Tùng được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Ngôi nhà này để thờ tự, cùng xây dựng với nó còn có ngôi nhà ngang 9 gian (nay đã phá bỏ).

Vì là từ đường nên ngôi nhà có nhiều hình chạm khắc cầu kỳ với những long, ly, quy, phượng và các bức hoành phi, câu đối. Những tác phẩm chạm khắc này đến hôm nay vẫn còn như nguyên trạng. Theo ông Tùng, loại vật liệu chính để xây dựng ngôi nhà là gỗ xoan. Đây là loại gỗ được trồng phổ biến trong vùng có đặc tính nhẹ, ít mối, mọt.

Ông Phạm Ngọc Tùng còn cho biết, ngôi nhà đã được đầu tư 600.000.000đ. Không phải bỏ kinh phí, ông còn được hưởng lợi từ việc ngôi nhà được sửa chữa, trùng tu. Hiện nay, gia đình ông vẫn sống trong ngôi nhà này với nếp sinh hoạt của người nông dân.

Trùng tu phải tôn trọng giá trị kiến trúc cổ

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, kiến trúc cổ truyền của người Việt, trong đó nhà ở là một đối tượng quan trọng. Từ thế kỷ XVII, người ta đã tìm thấy dấu tích từ đường (nhà thờ họ) trong các kiến trúc của người Việt. Những công trình này mang đậm ý nghĩa lịch sử và xã hội cao hơn là ý nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo.

Cũng bởi bị chi phối nhiều do những biến động xã hội, khí hậu nên chúng ta ít có những công trình kiến trúc lớn. Vật liệu trong các công trình kiến trúc của người Việt chủ yếu bằng gỗ. Khung nhà làm bằng gỗ và chống đỡ bộ ngói làm bằng đất nung. Lực của ngôi nhà dồn vào các cây cột. Chân cột đặt trên đế bằng đá tảng.

Cũng bởi đặc thù thường gặp biến động nên người Việt đã liên kết các chi tiết trong nhà bằng mộng, mẹo. Khi gặp biến cố, có thể dỡ bỏ phần khung và sau đó lại phục dựng như cũ. Hiện nay, dấu vết trùng tu trong các công trình kiến trúc cổ của người xưa vẫn còn. Nếu tiến hành đại tu, việc giải hạ toàn bộ phần khung và mái nhà là đương nhiên. Việc sửa chữa được tiến hành trên cơ sở hỏng đâu sửa đó và để lại dấu tích bằng nghệ thuật đương đại.

Việc trùng tu, bảo tồn nhà cổ là vô cùng cần thiết nhưng để làm được việc này có rất nhiều vấn đề đặt ra. Trước hết, đây là tài sản của tư nhân. Vì thế, phải phụ thuộc vào ý thức giác ngộ của từng người. Có những người muốn được trùng tu chỉ vì mong giữ được ngôi nhà bền vững mà không đoái hoài đến giá trị nghệ thuật. Ngoài ra, vấn đề kinh phí cũng rất quan trọng.

Ví như ngôi nhà Tây Giai nêu ở trên, từ những năm 60 của thế kỷ trước, trong quá trình đi điền dã, ông Trần Lâm Biền đã phát hiện ra. Nhưng phải mấy chục năm sau, khi có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức nước ngoài, việc trùng tu mới được tiến hành.

Điều cần thiết trong công tác trùng tu là phải hiểu về từng chi tiết trong tổng thể kiến trúc ngôi nhà. Chẳng hạn phần chạm khắc trong ngôi nhà cổ thể hiện tiếng nói của tổ tiên. Mỗi họa tiết, hoa văn, hình khối đều có tiếng nói riêng.

Từ việc trùng tu, bảo tồn một chuỗi nhà cổ nêu trên cho thấy, để làm tốt công tác này, kể cả với các công trình di tích lịch sử, văn hoá nói chung rất cần cái tâm và cái tài của người làm công tác bảo tồn trên cơ sở tôn trọng giá trị lịch sử, văn hóa


Cao Hồng

Không có nhận xét nào: