Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

101031- Giấc mơ trên thác Bear Run

Ngôi nhà nằm trên dòng thác - Ảnh: N.TẬP

Hai “cựu” kiến trúc sư cùng học khóa 97 (ĐH Kiến trúc TP.HCM), tốt nghiệp rồi
cùng... bỏ nghề sang Mỹ học ngành khác. Vào một ngày đẹp trời, “thằng Cali” bay
sang “thằng Texas” cùng làm một cú “roadtrip” (lái ôtô du lịch xuyên bang). Khi
tính điểm đến, không hẹn mà gặp, cả hai cùng nói: “Nhà trên thác”.

Đơn giản, bởi đó là một trong những kiệt tác kiến trúc vĩ đại
nhất của thế giới thế kỷ 20.

Tháng 11-1934, chuyến tham quan thác nước Bear Run (bang
Pennsylvania) đã để lại một cảm xúc đặc biệt cho kiến trúc sư lỗi lạc nhất nửa
đầu thế kỷ 20 Frank Lloyd Wright. Và ý tưởng cho một không gian sống với tiếng
róc rách của thác nước đã dần hình thành...

Trong lá thư gửi cho thân chủ nói về căn nhà tương lai, ông viết:
“Tôi muốn ngài ở cùng thác nước, không chỉ ngắm nhìn nó mà thật sự sống trong
nó”. Cũng may cho Frank Lloyd Wright (hay là cho cả chúng ta?), thân chủ Edgar
J. Kaufmann... gật đầu.

Tham quan theo suất

Từ ngày đầu tiên mở cửa cho khách tham quan (năm 1964), đến nay
đã có hơn 6 triệu lượt người đến nhà trên thác. Chỉ tính riêng tiền vé tham quan
đã thu ngót nghét cả trăm triệu USD. Vào thời điểm xây dựng, ngôi nhà trị
giá khoảng 155.000 USD. Theo thời giá năm 2010, giá trị ước tính cho nhà
trên thác vào khoảng 2,4 tỉ USD.

Đến đây, mọi nhu cầu của khách tham quan đều được đáp ứng.

Đối với khách bình thường, vé tham quan là 18 USD. Muốn chụp hình
nội thất, vui lòng bỏ ra 65 USD. Dân chuyên nghiệp muốn chụp hình? Tốt thôi, bên
cạnh một loạt thủ tục và điều khoản rất chi tiết về bản quyền, khách phải trả
gần 100 USD cho một giờ chụp. Muốn có một tour tham quan thiết kế riêng (bao gồm
cả một bữa ăn trong phòng ăn nhà trên thác)? Luôn sẵn sàng với giá tối thiểu
1.000 USD cho nhóm từ 2-6 người.

Một góc nhà với phong cách kiến trúc độc đáo - Ảnh: N.TẬP

Trước đây nhà trên thác thuộc sở hữu của gia đình Kaufmann. Từ
năm 1964, nó được công nhận là di tích lịch sử quốc gia (Ủy ban bảo vệ miền tây
Pennsylvania có trách nhiệm quản lý và giữ gìn). Tiền thu được từ bán vé, bản
quyền hình ảnh và các dịch vụ liên quan được dùng để duy tu, bảo dưỡng không chỉ
công trình mà còn cảnh quan xung quanh.

Tất cả phải được bảo dưỡng “nguyên bản” ở mức tốt nhất có thể như
khi nó vừa ra đời (năm 1939). Tiền vé bao gồm phần thuyết minh của người được
đào tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để điều tiết lượng khách và dễ quản lý, bảo vệ
công trình, khách tham quan phải vào theo suất, thậm chí đặt chỗ trước.

Tìm lại giấc mơ xưa

Được một lần trong đời chiêm ngưỡng nhà trên thác là giấc mơ của
biết bao thế hệ kiến trúc sư. Tham quan công trình mà như đi thăm người bạn cũ
đã quá thân thuộc thời sinh viên, từng chi tiết, ngóc ngách đều thuộc như nằm
lòng. Tuy nhiên, có đến tận nơi, sờ tận tay, nghe hướng dẫn viên giải thích mới
vỡ ra nhiều điều.

Điều gì làm nên kiệt tác? Ngoài tài năng xuất chúng còn là sự
nghiên cứu kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Du khách ngạc nhiên khi thấy mọi chiếc ghế trong nhà đều được làm
ba chân. Sao không phải là bốn? Đơn giản, ba điểm (kiềng ba chân) sẽ luôn tạo
thành một mặt phẳng, vì thế nó sẽ dễ cân bằng hơn ở mặt sàn gồ ghề của công
trình (vốn là những phiến đá tảng ngay tại thác nước).

Trần nhà được cố ý làm thấp để “ép” tầm nhìn ra ngoài cửa sổ, mở
bung ra cánh rừng bạt ngàn. Không làm những mảng kính lớn, Frank Lloyd Wright
“cắt” tòa nhà ra thành muôn vàn ô cửa kính nhỏ. Mỗi ô cửa chính là một khung
tranh cho cả thiên nhiên rộng lớn bên ngoài. Chỉ với thao tác đơn giản, những
“khung tranh kính” đó sẽ đồng loạt mở ra để người trong nhà không chỉ được ngắm
mà còn được nghe cả tiếng suối róc rách, tiếng gió xào xạc qua những tán lá,
được ngửi mùi cỏ cây, mùi sương sớm...

Dù đã hơn 70 tuổi (khởi công năm 1935, hoàn thành 1939) nhưng nhà
trên thác vẫn rất hiện đại bởi màu sắc, cách bố trí và những đường nét kiến trúc
mạnh mẽ, phóng khoáng.

Để xây dựng công trình, Frank Lloyd Wright cho mở hẳn một mỏ đá
gần thác nước để cung cấp vật liệu tự nhiên. Không những thế, những bức tường,
cột, lò sưởi được cố ý không tô trát, giữ nguyên cấu tạo tự nhiên, sần sùi của
vật liệu. Vì thế, công trình rất “ăn rơ” với rừng cây, thác nước xung quanh.

Hôm đó, hai gã đàn ông “băm mấy nhát” biến đâu mất. Chỉ còn lại
hai thằng sinh viên kiến trúc năm nhất ngày nào đang say sưa sống lại giấc mơ
xưa.

"Tranh thủ” bán đủ loại sách, đồ lưu niệm về nhà trên thác và kiến trúc sư lỗi
lạc Frank Lloyd Wright

Ừ, thời sinh viên đã xa ngái, nhưng giấc mơ những ngày xưa cũ giờ
đã thành hiện thực...

NGUYỄN TẬP

nguồn: http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=408396&ChannelID=100

 

 

 

7 nhận xét:

Đàm Quỳnh Anh nói...

Thật thích.
Vì được du lịch và được biết nhiều.

Ty Le Vang nói...

công trình này và nhà thờ hình bàn tay là 2 công trình mà bất cứ sinh viên kT nào cũng mơ được đến 1 lần...

Đàm Quỳnh Anh nói...

Vậy hả anh?
Bản thân anh đã từng đến nơi nào trong hai nơi đó rồi?

Ty Le Vang nói...

anh chưa có may mắn đó em ơi...thèm lắm luôn :-)

Đàm Quỳnh Anh nói...

Nhà thờ hình bàn tay tọa lạc ở nước nào vậy anh?

Ty Le Vang nói...

tính tìm mấy lá bài có hình nhà thờ này mà chưa về đến tay anh hihi
thôi đành xem link khác - chi tiết hơn vậy :-)

Đàm Quỳnh Anh nói...

:) Lá bài có hình nhà thờ này thì quả là hơi hiếm. Theo anh thì có không?

Cảm ơn anh đã gửi link nhé!