Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

100222- Bản sắc và con người là nền tảng của thành trì giữ nước

 "Chúng ta giữ nước bằng tất cả những gì mình có, từ địa hình đến khí hậu nhưng quan trọng nhất là người dân", Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc chia sẻ.

- Thưa ông, "trọng dân" đã trở thành tư tưởng gắn liền với sự thịnh suy của các chế độ phong kiến. Vậy trong lịch sử Việt Nam, tư tưởng này có đặc sắc gì?

- Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc: Đứng về góc độ triết lý mà nói không có nhà nước nào không trọng dân cả. Nhưng mỗi thời kỳ có một dấu ấn có thể là hệ tư tưởng, hệ triết học… Cho nên nếu chúng ta thấy phân tích từ thời Lý Trần trở về trước mặc dù chúng ta có rất ít tư liệu nhưng có thể thấy là họ rất gần gũi với dân theo quan niệm hiện đại. Khi đó chúng ta chưa bị ảnh hưởng bởi triết lý cai trị của người phương Bắc dù đã bị người phương Bắc cai trị hàng ngàn năm. Nhưng sự cai trị ấy tạo ra phản ứng rất tự nhiên là người ta không tiếp thu. Sau này nhà Lê khác vì nhà Lê có cả một bề dày của tự chủ thì nó mới cảm nhận sự vươn lên để tiếp thu tư tưởng mà nó cho là tiên tiến hơn.

Có một phần nào khi ta phân tích ở đây ta cứ phân tích là dập khuôn của Trung Quốc. Tuy nhiên dập khuôn này có ý thức là gì? Trung Quốc có cái gì chúng ta cũng có cái đó. Chúng ta không thua kém họ. Trung Quốc có hoàng đế chúng ta cũng có hoàng đế, Trung Quốc có triều chính như thế nào chúng ta cũng có triều chính như thế. Thậm chí trong lịch sử họ có "dịch bào thế tướng" chúng ta cũng có "dịch bào thế tướng" là ông Lê Lai cứu chúa. Cái thứ hai là thời Lý Trần chúng ta tiếp thu tư tưởng Phật giáo. Mà tư tưởng Phật giáo rất gần với đời thường. Nó bỏ rất nhiều lễ nghi, nghi thức mà tạo ra được con người có tâm tính gắn bó với cộng đồng. Những ông vua theo Phật giáo, thậm chí nhiều triều đại trở thành quốc đạo, đương nhiên cũng hành xử như thế thì nó tạo ra được phương vị.

- Vậy bắt nguồn từ quan hệ với nhân dân, yếu tố nào trong tổ chức xã hội Việt Nam truyền thống là cốt lõi để gìn giữ bản sắc dân tộc và liên kết người dân?

- Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc: Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất mang tính chất lâu bền nhất chính là làng xã Việt Nam. Mà ở đây có thể nói làng xã Việt Nam tồn tại lâu bền như vậy bắt nguồn từ một lựa chọn của người Việt Nam khi anh phải tồn tại bên cạnh nước Trung Hoa khổng lồ vừa là một nền văn minh rất lớn vừa là một thế lực bành trướng rất mạnh. Nếu không anh sẽ rơi vào số phận như một nghìn năm đô hộ hoặc những quốc gia bị đồng hóa. Thì anh phải lựa chọn một lối sống, một phương thức sống thích hợp nhất. Nếu đọc văn kiện lịch sử thì thấy trong biểu tấu dâng châu của thiên tử cũng đầy đủ thủ tục của một thuộc quốc, một chư hầu. Nhưng trong lịch sử chưa có một ông vua Việt Nam nào bước qua Trung Quốc trong khi các quốc gia chư hầu khác coi đó là chuyện bình thường.

Bài học từ nghìn năm Bắc thuộc là người phương Bắc có thể cai trị một quốc gia nhưng không thể thâm nhập vào tế bào làng xã Việt Nam. Vì thế các triều đại sau này luôn luôn quan tâm đến việc giữ gìn làng xã. Anh giữ tính tự chủ của làng xã tức là phương hại đến tính tập quyền của nhà nước trung ương nhưng vẫn chấp nhận. Nhà nước đúng như Marx nói là chỉ đóng vai trò của lợi ích công cộng thôi.

Thế nên ở Việt Nam lịch sử rất ít nói về việc xây thành đắp lũy. Trồng lúa đắp đê là ưu tiên đầu tiên và sau đó là những công trình dân dụng mà chủ yếu là đình chùa, tứ trấn lấy sức mạnh về tinh thần, sức mạnh về tâm linh chứ không phải thành cao hào sâu. Và trong lịch sử chúng ta thấy là không bao giờ chúng ta giữ thành cả. Giặc đến là chúng ta bỏ thành đi. Ba lần giặc Nguyên Mông đến là vua Trần về quê tập hợp lực lượng từ sức mạnh làng xã.

Trong lịch sử chỉ có hai bài học lớn. Đi sai truyền thống là thất bại. Như Hồ Quý Ly từ bỏ Thăng Long và định xây một Đông Đô rất hoành tráng, lực lượng Quân đội chính quy hùng mạnh. Ông chưa kịp làm xong thì ông đã chết, mất cả triều đại mất cả nước. Rồi cụ Nguyễn Tri Phương và cụ Hoàng Diệu rất anh hùng nhưng giữ thành thì không giữ nổi. Pháp đến đánh là tuẫn tiết. Như thế có nghĩa là gì? Là sức mạnh của toàn bộ lực lượng nằm ở làng xã. Những làng xã không chỉ là những pháo đài mà quan trọng hơn nó là vỏ bọc, là mạng lưới để giữ gìn bản sắc văn hóa.

- Trong tổ chức và quan hệ của làng xã, tư tưởng trọng dân đã được thể hiện như thế nào?

- Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc: Quan sát kỹ cơ cấu làng xã ngay cả chợ cũng không bao giờ để ở trung tâm. Một công trình dịch vụ để ở trung tâm là lợi nhất nhưng lại để ở rìa làng để sự giao lưu ấy anh có thể chắt lọc, có thể chọn lựa và loại bỏ được những yếu tố phương hại đến văn hóa. Chính sự bền vững ấy nó giúp cho Việt Nam tồn tại được bên cạnh Trung Hoa. Chúng ta giữ nước bằng tất cả những gì mình có, từ địa hình đến khí hậu nhưng quan trọng nhất là người dân. Cho nên người dân có vai trò hết sức quan trọng vì người dân không bị ràng buộc nhiều với nhà nước cho dù đó là thần dân.

Tất cả quan hệ của nhà nước với trung ương, với làng xã đó là gì? Một là lý trưởng mà lý trưởng là dân bầu theo tập quán. Lý trưởng được nhà nước công nhận và là người duy nhất có quan hệ với nhà nước. Dấu ấn của nhà nước với địa phương đặc biệt chỉ là tấm sắc phong thành hoàng làng do vua phong. Đây là quyền lực nhà nước thể hiện sự công nhận mối liên hệ và sự thần phục một triều đình của làng xã. Còn đối với người dân ông vua chỉ là một khái niệm. Qua đó chúng ta thấy rất rõ khái niệm trọng dân. Đó là phương thức tốt nhất để bảo tồn và gìn giữ bản sắc riêng về văn hóa. Mà bản sắc riêng về văn hóa chính là một sức mạnh trong việc giữ gìn nền tự chủ. Còn sức mạnh quân sự chỉ là một thời kỳ nào đó thôi. Còn các quốc gia phong kiến khác thì cơ cấu làng xã khác nhiều, quyền lực nhà nước trực tiếp hơn.

- Giờ đây trong thế giới hiện đại tất yếu làng xã Việt Nam cũng buộc phải thay đổi. Vậy mối liên kết của những con người trong làng xã cần dựa trên cơ sở nào?

- Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc: Con người không chỉ có những lợi ích vật chất mà còn có những lợi ích về mặt tinh thần, có những lợi ích liên quan đến bản sắc văn hóa, liên quan đến truyền thống lịch sử dân tộc. Cách đây mấy hôm tôi lên Mường Tè. Ở đấy có một cộng đồng người dân tộc La Hủ có 6.000 dân. Chúng tôi lên đấy làm một việc nhỏ thôi là tặng bà con con bê. Nhưng nếu đưa bà con con bê thì bà con chỉ ngả ra mà ăn thôi. Thế nên cuối cùng là anh em Biên phòng phải cùng bà con nuôi con bê, hướng dẫn họ nuôi bê để nó thành con bò rồi đẻ ra thành đàn. Sau đó mới chia cho bà con tự nuôi, sinh lãi rồi tìm nguồn ra, tức là dạy họ tự nuôi sống. Khi anh tạo ra được một lối sống cho người ta thì người ta gắn bó với anh. Nếu anh mang cơm mang gạo đến cho họ chưa chắc họ đã gắn bó với anh nếu nơi khác mang đến gói cơm to hơn gạo ngon hơn. Khi lối sống đó thành một văn hóa thì họ gắn bó với mảnh đất của mình, với những con người đồng cam cộng khổ với họ.

- Ngày trước những người dân trong làng không bao giờ đi quá khỏi lũy tre. Người ta nói giữ làng, giữ nước. Tuy nhiên giờ đây người dân cần có một ý thức lớn hơn về không gian sống của mình?

- Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc: Cũng như với biển đảo, chúng ta phải để toàn bộ người dân hiểu được thế nào là biên giới, thế nào là hải đảo. Nếu chúng ta lên biên giới không chỉ là đóng góp mà còn là hiểu về biên giới. Điều đó là cực kỳ quan trọng. Như giới trẻ liệu có biết thế nào là sóng gió, là khơi xa hay biết nhìn Tổ quốc từ phía biển nhìn vào? Vinashin có thể vận hành không tốt khi làm con tàu Bắc Nam nhưng chủ trương là rất đúng. Thiết lập tuyến đường biển không chỉ là giải quyết vấn đề giao thông vận tải mà còn là thiết lập ý thức con người về một quốc gia biển. Chúng ta chưa quan tâm đúng mức trong việc giáo dục tư duy về lãnh thổ quốc gia cho các thế hệ. Phải thiết lập tình yêu đất nước là đến với từng mảnh đất của đất nước. Khi tôi đứng bên này biên giới hỏi anh bộ đội biên phòng là tại sao bên kia cứ có người dẫn một lũ trẻ con rồi đứng chỉ chỉ trỏ trỏ? Từ lâu người ta đã giáo dục học sinh về lãnh thổ rồi. Biên giới của mình thì vắng tanh chẳng có ai lên.

- Trong thời đại hiện nay chúng ta cần chú ý yếu tố lịch sử gì trong việc phát huy nhân tố con người?

- Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc: Trong thời đại này chúng ta không thể chỉ một chiều. Chúng ta có thể có hàng rào lửa nếu chúng ta thấy cần thiết, chúng ta có thể có chế độ kiểm duyệt nếu thấy cần thiết. Nhưng về căn bản chúng ta phải tăng sức đề kháng của chính con người. Chúng ta không thể quản lý con người theo kiểu cũ, nhất là trong thế giới hiện đại này. Khái niệm mà chúng ta gọi là độc lập thì bây giờ đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn và đúng hơn. Đó là sự liên-lập với nhau. Độc lập của một yếu tố dựa trên mối quan hệ với những yếu tố khác.

Như vậy chưa bao giờ trong lịch sử chúng ta có một vị thế, một cơ hội như bây giờ. Vậy chúng ta lựa chọn như thế nào? Nhưng có lựa chọn thế nào thì cũng không được quên những truyền thống lịch sử, trong đó có trọng dân. Trọng dân bây giờ phải hiểu theo nghĩa hiện đại tức là xây dựng một nền dân chủ thật sự.

Dân là một khái niệm hết sức chung chung. Dân nào? Nó rất dễ rơi vào chủ nghĩa dân túy. Như thế cần lưu ý một tư tưởng của Cụ Hồ phát biểu từ rất sớm nhưng rất ít được chú ý. Đó là ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Cụ có đưa ra những nhiệm vụ cấp bách sau Tuyên ngôn độc lập. Ai cũng nhớ là chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm. Nhưng trong đó có một chi tiết ít người chú ý là phải giáo dục lại nhân dân. Vì Cụ Hồ là người rất biện chứng. Vẫn nhân dân ấy ngày hôm qua là thần dân của chế độ phong kiến, là thuộc dân của chế độ thuộc địa. Đứng trước sự kiện lịch sử năm 1945, chúng ta không chỉ chấm dứt thời đại này thay bằng thời đại khác mà chúng ta chấm dứt cả chế độ phong kiến và thuộc địa để xây dựng xã hội mới của công dân. Biến cố lịch sử nó chỉ xảy ra trong khoảnh khắc thôi. Một bên là thần dân, một bên là công dân làm sao tự nhiên mà có được. Phải giáo dục

  Lê Thanh Tùng

nguồn: http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyende/2010/2/53465.cand

 

1 nhận xét: