Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

100129- Rác thải Hà Nội qua góc nhìn của người nước ngoài

Ngay từ khi còn nhỏ, mọi người cần ý thức được rằng vứt rác bừa bãi là không hay. Đó là lười biếng và thiếu tôn trọng cộng đồng.


Rác thải chất đống ở ngoại ô thủ đô Hà Nội.

Dưới đây là góc nhìn của phóng viên nước ngoài làm việc cho Dtinews (trang tiếng Anh của báo Điện tử Dân trí) về vấn đề rác thải tại Hà Nội.

Tối qua, tôi đã buổi trò chuyện với chủ nhà về cuộc sống tại Hà Nội. Bà ấy là một phụ nữ Việt Nam rất tốt bụng và muốn biết người nước ngoài nhìn Hà Nội như thế nào. Tôi nói tôi thích thành phố này và con người nơi đây. Bà bắt đầu hỏi tôi về vài điều mà tôi không thích. Nhưng khi tôi chưa kịp trả lời, bà lại nói về điều bà không thích. Điều về Hà Nội mà bà thực sự không thích là lượng rác thải chất đầy quanh thành phố.

Chủ nhà của tôi không thể chịu được lượng rác thải trên các con phố và trong các công viên của Hà Nội. Và bà bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện về một người đàn ông từng truyền cảm hứng cho bà.

Bà thường tập thể dục vào mỗi buổi sáng. Một ngày, bà nhìn thấy một người đàn ông cầm chiếc túi nhựa nhặt rác quanh một hồ nơi bà thích đi bộ. Ban đầu, bà rất bất ngờ và sốc trước hành động của người đàn ông lạ và tự hỏi: “Tại sao ông ấy lại làm thế?”.

Sau đó, ngày nào bà cũng gặp ông thu gom rác vào buổi sáng. Cuối cùng, bà đã có dịp nói chuyện với ông và hiểu rằng ông ấy làm điều đó bởi vì - cũng giống như bà - ông thích đi bộ quanh hồ. Ông muốn nơi này phải sạch sẽ. Bất ngờ hơn nữa là ông ấy tới từ Hàn Quốc và đang làm việc tại Việt Nam.

Sau đó, nhiều người khác đã tham gia nhặt rác cùng người đàn ông tới từ “xứ sở kim chi”. Ông đã trở thành một tấm gương để mọi người cùng noi theo, và cũng nhờ đó mà một khu vực của Hà Nội trở nên sạch hơn.

Thật lòng mà nói, Hà Nội đúng là một thành phố bẩn. Tôi đã từng sống ở nhiều nơi, sạch hơn cũng có mà bẩn hơn cũng có, nghèo hơn cũng có giàu hơn cũng có, nhưng Hà Nội - giống nhiều thành phố lớn khác - có một vấn đề lớn là rác thải. Tôi muốn nhìn thấy một thành phố sạch hơn, xanh hơn và một thành phố tái sinh.

Có vẻ như những đòi hỏi đó là quá nhiều nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó. Điều này làm tôi tự hỏi: “Chúng ta có thể làm gì cho vấn đề thải rác tại Hà Nội và trên thế giới?”.
 
 
Việc đặt nhiều thùng rác khiến thu gom rác thải trở nên dễ dàng hơn.
 
Rác thải, tái chế, ô nhiễm là những vấn đề toàn cầu nhưng làm thế nào để chúng ta có thể giải quyết chúng một cách cục bộ.

Điều đầu tiên mà chúng ta phải thừa nhận là rác thải ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Nếu muốn tự hào về cộng đồng, chúng ta phải tôn trọng cộng đồng. Ném rác ra đường dường như là thói quen của con người. Điều đó có vẻ không đúng lắm.

Tất cả chúng ta hãy tạo sự khác biệt nho nhỏ để biến các thành phố và thị trấn của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

Làm thế nào chúng ta có thể tạo sự khác biệt? Tôi đã nghĩ về điều này và dưới đây là một số gợi ý của cá nhân tôi.

Điều quan trọng nhất là ý thức. Mọi người, ngày từ khi còn nhỏ, cần ý thức được rằng vứt rác bừa bãi là không hay. Đó là lười biếng và thiếu tôn trọng cộng đồng. Vì thế chính chúng ta phải gương mẫu. Chúng ta không thể phàn nàn về rác nếu bản thân chúng ta cũng góp phần vào đó. Giống như người đàn ông mà chủ nhà của tôi đã gặp, chúng ta phải hành động chứ không chỉ nói xuông.

Vất rác đúng cách là cần thiết vì các vấn đề vệ sinh, sức khoẻ và môi trường. Người dân và các công ty phải có nhận trách nhiệm cho lượng rác họ thải ra. Giáo dục về vấn đề này đặc biệt quan trọng. Việc giáo dục phải được hiện thông qua các đường lớp, chiến dịch công cộng, các biển hiệu, khẩu hiệu hay bất kỳ biện pháp nào đem lại hiệu quả.

Có vẻ như Hà Nội thiếu các thùng rác công cộng. Rõ ràng, nếu không có nơi nào để vứt rác, mọi người dễ vứt chúng xuống đường. Chúng ta cần nhiều thùng đựng rác và tốt nhất nên có thùng riêng để chứa rác có thể tái chế như chai lọ, hộp, giấy… Điều đó sẽ giúp các đường phố trở nên vệ sinh hơn.

Một điều nữa chúng ta cần bàn đến là việc sử dụng các túi nhựa. Mỗi lần mua một thứ đơn giản như một chai nước, chúng ta lại có thói quen bỏ nó vào một chiếc túi bóng. Điều này là không cần thiết. Hãy tiết kiệm túi cho những lần mua sắm nhiều đồ hơn.

Khi sống tại Hàn Quốc, tôi để ý thấy các nhà chức trách tại đây có một cách rất thú vị để kiểm soát việc thải các túi nhựa. Các cửa hàng thu phí sử dụng túi nhựa. Kết quả là mọi người phải tái sử dụng túi và đó là cách để giảm rác thải. Đây là một ý tưởng hay và đáng để suy nghĩ, mặc dù tôi biết cần có một thời gian dài để áp dụng tại Hà Nội.

Một giải pháp khác có thể giúp làm sạch đường phố là những người bị bắt quả tang vứt rác bừa bãi sẽ phải chịu hình phạt thu gom rác thải.

Một chương trình lao động công ích - trong đó những người phạm tội vặt bị phạt dọn dẹp địa phương và nâng cao ý thức về việc làm thế nào để các thành phố và thị xã trở nên sạch hơn - có thể hữu ích. Thay vì các biện pháp phạt khác, những người phạm tội nhỏ nhặt có thể thu gom rác rưởi như một hình phạt. Những ai không có khả năng trả tiền phạt có thể trừ tiền bằng cách làm dịch vụ công ích. Điều này giúp nâng cao ý thức của mọi người và là một cách để biến cộng đồng trở nên sạch hơn.
 
Mọi nỗ lực đều có tác dụng và nếu tất cả chúng ta cùng nỗ lực để có ý thức hơn, chúng ta có thể góp phần biến Hà Nội trở thành một thành phố tốt đẹp hơn.

David Cornish
(An Bình dịch)
nguồn: http://dantri.com.vn/c36/s36-376123/rac-thai-ha-noi-qua-goc-nhin-cua-nguoi-nuoc-ngoai.htm

1 nhận xét:

ĐKG . nói...

nói chung ý thức từ lâu đã ko có nên giờ cũng khó cải tổ anh ơi :D