Tòa nhà gồm 7 tầng với tổng đầu tư 4.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công tháng 10 năm nay. Phòng họp lớn dành cho đại biểu Quốc hội đặt tại tầng 3, với 600 chỗ ngồi.
Trình bày tại Thường vụ Quốc hội ngày 17/7, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, trong 2 phương án cuối cùng của Nhà Quốc hội thì phương án D1 được các chuyên gia kiến trúc đánh giá cao, giữ được ý tưởng cơ bản từ cuộc thi phương án kiến trúc năm 2007. Giải pháp kiến trúc này là tổ hợp các thanh đứng với vật liệu bằng đá tự nhiên, đơn giản và mạnh mẽ, tạo ấn tượng độc đáo, thân thiện với môi trường thiên nhiên.
Toà nhà gồm 7 tầng, phòng họp lớn được bố trí tại tầng 3 với 600 chỗ ngồi có bàn rời và 200 chỗ có bàn trong tay ghế. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đưa thêm phương án 800 chỗ có bàn rời cho đại biểu. Khu vực Chủ tịch đoàn được bố trí dãy bàn 7 ghế, ghế giữa của Chủ tịch Quốc hội được đặt cao hơn. Hai bên là khu vực dành cho ủy viên Thường vụ quốc hội và thành viên Chính phủ.
Phối cảnh mặt trước Nhà Quốc hội hướng ra quảng trường Ba Đình. Ảnh: P.V |
Theo ông Quân, nhiệm vụ thiết kế trục chính của phòng họp Quốc hội theo hướng của tòa nhà (Đông Tây) song trong khi lập dự án, tư vấn thiết kế đã đề xuất thêm phương án phòng họp theo hướng Bắc Nam. Lý do là khi đại biểu đi vào tòa nhà theo phía Nam (đường Bắc Sơn) sẽ không gây ùn ứ giao thông trên đường Độc Lập. Địa điểm trên đường Bắc Sơn cũng tập kết được nhiều xe cộ.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách, hội trường nên theo hướng Đông Tây bởi phù hợp với việc tổ chức các nghi lễ long trọng, hướng ra quảng trường Ba Đình.
Tuy nhiên, ông băn khoăn phòng họp đặt tại tầng 3 là không hợp lý mà nên đặt tại tầng 2 sẽ thuận tiện cho đại biểu ra vào. Ngoài ra, bố trí 600 chỗ ngồi cho gần 500 đại biểu là hợp lý, không nên đặt tới 800 chỗ ngồi. Ghế cần mềm mại để đại biểu có thể ngồi lâu.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, nên bố trí phòng họp tại tầng 2. Tuy nhiên, phương án bãi đỗ xe công suất 700 xe vừa là nơi đỗ xe công cộng là không hợp lý bởi sẽ gây phức tạp cho khu vực này.
Phối cảnh mặt sau Nhà Quốc hội. Ảnh: P.V |
Dưới góc nhìn chuyên môn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình nhận xét, thiết kế Nhà Quốc hội không có hàng rào sẽ khó đảm bảo an ninh. Đơn vị tư vấn phải tính toán thêm, có biện pháp kiểm soát. Một số uỷ viên Thường vụ khác cho rằng, cần lập quy hoạch chung khu vực xây dựng nhà Quốc hội và các công trình lân cận hay xây đường hầm nối với toà nhà phụ trợ của Quốc hội sau này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, phòng họp ở tầng 3 song được nối ngay với với tầng 1. Trước đây đã có ý tưởng làm đường hầm song khó thực hiện. Phương án D1 được chọn, tạo ấn tượng hơn các phương án kiến trúc khác.
Sau khi thống nhất các ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, hướng ngồi của đại biểu và toà nhà vẫn theo hướng Đông Tây, hướng về lăng Bác, đại biểu sẽ ngồi theo vòng cung trong phòng họp lớn với 600 chỗ.
Theo ông Kiên, Chính phủ sẽ có các cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, cấp vốn cho dự án Nhà Quốc hội, song trên hết, các đơn vị thực hiện dự án phải quyết tâm xây dựng một toà nhà đẹp, thể hiện quyền lực của Quốc hội.
Nhà Quốc hội có 2 tầng hầm, 5 tầng nổi, khoảng 36.540m2 sàn và 26.700m2 sàn tầng hầm. Tổng mức đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng gồm hạng mục Nhà Quốc hội, nơi đỗ xe ngầm, đường hầm từ Nhà Quốc hội sang lô E, cải tạo đường Bắc Sơn, đường Độc Lập, đường Hoàng Văn Thụ... Đơn vị tư vấn thiết kế là Liên danh tư vấn thiết kế GMP International - Cộng hoà Liên bang Đức. Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội sẽ được phê duyệt tháng 8/2009, khởi công vào tháng 10/2009 và dự kiến hoàn thành tháng 6/2012. |
Đoàn Loan
1 nhận xét:
Sau khi thống nhất các ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, hướng ngồi của đại biểu và toà nhà vẫn theo hướng Đông Tây, hướng về lăng Bác, đại biểu sẽ ngồi theo vòng cung trong phòng họp lớn với 600 chỗ. ặc...ặc...
Đăng nhận xét