Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Chợ Bến Thành xưa và nay | Ben Thanh Market

Chợ Bến Thành là một trong những địa điểm tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong nhiều trường hợp, hình ảnh khu cửa nam ngôi chợ này được xem là biểu tượng của thành phố.

Nguồn gốc và xuất xứ tên gọi

Nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái).Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
-

Chợ Cũ

Chợ Bến Thành thời kỳ đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được mô tả như là “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền”. Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước.
-
Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng) mới chỉ có 100 ngàn dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất. Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến mới chỉ là một dãy nhà trống lợp ngói. Tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.
-
Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp đã cho cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng hòa là địa điểm Tổng Ngân khố, nay là Trường đào tạo cán bộ ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ). Ngôi chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá. Đến tháng 7 năm 1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh.
-
Chợ Bến Thành vào 1870, tất cả có 5 gian
-
Thời đó, khu chợ được xây dựng bên bờ phía nam một con kênh, được gọi là Kinh Lớn. Phía trước chợ, dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner, hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly.
-
Chợ Chaner – 1887, phía trước là kênh Lớn (sau đã được lấp)
-
Do vị trí nằm giao điểm của khu đô thị  hợp lưu của hai tuyến đường thủy là kênh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi), ghe thuyền có thể cập bến và đổ người lên chợ bất cứ ở phía bên này hay bên kia. Còn người bên đất liền muốn qua chợ thì có thể đi qua những chiếc cầu gỗ xinh xắn, do đó chợ Bến Thành luôn luôn nhộn nhịp. Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp (nay là Đại lộ Nguyễn Huệ).
-
Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp. Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.

Chợ Mới

Khu vực xây chợ, vốn là một cái ao sình lầy cũ, gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse), được người Pháp cho lấp đi. Khuôn viên chợ quy hoạch bốn mặt bởi bốn con đường. Mặt tiền là Place Cuniac, tên đặt theo viên Xã Tây (Ủy viên Hội đồng) Cuniac, người đã đề ra công việc lấp ao.
-
Chợ Bến Thành được xây dựng tại vị trí mới vào năm 1912-1914, gần Ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe SG) 
-
Chợ Bến Thành vốn nằm trên một ao sình lầy cũ, gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse)
-
Mặt đứng chính phía Nam chợ Bến Thành
-
Người Việt thì quen gọi đó là Bùng binh Chợ Bến Thành cho dù tên chính thức đã từng đổi là “Công trường Cộng Hòa”, “Công trường Diên Hồng”, rồi “Quảng trường Quách Thị Trang”. Mặt bắc chợ là Rue d’Espagne, phía đông là rue Viénot, và phía tây là rue Schroeder. Năm 1955 thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, bốn con đường này đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Châu Trinh.
-
 Con kênh Lớn được lấp đi và thay vào đó là một quảng trường
(Bùng binh Chợ Bến Thành – Công trường Cộng Hòa, Công trường Diên Hồng, Quảng trường Quách Thị Trang)
-
Ngôi chợ mới do hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất. Lễ ăn mừng chợ khánh thành được báo chí thời đó gọi là “Tân Vương Hội”, do được diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914, với pháo bông, xe hoa và hơn 100.000 người tham dự, kể cả từ các tỉnh đổ về.
-
Chợ Bến Thành sau 1975
-
Khu chợ mới này vẫn mang tên gọi Bến Thành; tuy nhiên cho đến trước năm 1975 tên gọi chợ Bến Thành này thường chỉ hiện diện trong sách vở, còn người dân thì thường gọi là chợ Sài Gòn hay chợ Mới, để phân biệt chợ Cũ tại điểm cũ, vốn chỉ còn lại gian hàng thịt. Phần còn lại bị phá đi và được người Pháp xây dựng thành cơ quan Ngân khố. Hai con đường bên hông chợ mãi đến năm 1940 còn là bến xe đò miền Đông và miền Tây. Về sau, bến xe này mới được dời đi chỗ khác.
-
Chợ Bến Thành sau bao lần thay da đổi thịt, nhưng hình ảnh tháp đồng hồ phía Nam vẫn không đổi…
-
Chợ Bến Thành hoạt động liên tục trong 70 năm. Từ ngày 1 tháng 7 đến 15 tháng 8 năm 1985, chợ Bến Thành được cải tạo và sữa chữa lớn.
  • Địa chỉ: Cửa Nam (nằm giữa các đường Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh – Lê Thánh Tôn – Công trường Quách Thị Trang) – Phường Bến Thành – Quận 1.
  • Điện thoại: (+84.8.8292096).
  • Diện tích: 13.056 m².
  • Ngành hàng kinh doanh chủ yếu: Quần áo, vải sợi, giầy dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi.

Chợ Bến Thành ngày nay

Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay.

Những năm gần đây chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP. Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, du khách đến chợ không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.

Bến Thành được xem là chợ bán lẻ quy mô nhất theo nghĩa có thể tìm thấy tại nơi này đủ thứ mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp, đặc biệt hàng thực phẩm thuộc loại chọn lọc nhất. Ở đây không thiếu một thứ gì, từ củ hành, trái ớt, mớ rau, con cá, đủ loại hoa quả mùa nào thức nấy, cho tới bánh kẹo, vải vóc, giày dép, túi xách, đồ điện, điện tử, hàng lưu niệm…

Chợ Bến Thành có tổng diện tích 13.056m², trung bình mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách lui tới mua bán và tham quan. Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.

  • Cửa Nam (nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang) với biểu tượng ngôi tháp đồng hồ ba mặt, là cổng chính, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô.
  • Cửa Bắc (phía đường Lê Thánh Tôn) rực rỡ với những gian hàng hoa tươi và trái cây mời gọi người qua đường.
  • Cửa Ðông (phía đường Phan Bội Châu) hấp dẫn khách hàng bởi các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc.
  • Cửa Tây (phía đường Phan Chu Trinh) lại là nơi thu hút phái đẹp vì sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Ngoài ra, dọc theo các hành lang bao quanh nhà lồng chợ là những gian hàng bày bán đủ các loại mặt hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, thổ cẩm…

Du khách cần may áo dài hay bộ vest? Các cửa hàng vải sẵn sàng nhận may và giao ngay trong ngày

Thời trang may sẵn dành cho nam phụ lão ấu

Ở đây không thiếu một thứ gì, từ củ hành, trái ớt, mớ rau, con cá.

Nhắc đến chợ Bến Thành thì không thể bỏ qua khu ẩm thực với sự góp mặt của đầy đủ các món ăn truyền thống khắp mọi miền đất nước. Cuối tháng 1-2012, chợ Bến Thành đã được Tạp chí Ẩm thực Food and Wine nổi tiếng chọn là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh, chính là lời khẳng định hùng hồn cho sự phong phú đó.

Miền Tây Nam bộ nổi tiếng với nhiều loại mắm, chợ Bến Thành cũng có một góc “mắm miền Tây” như vậy để khách hàng tha hồ chọn lựa

Nếu bạn chưa tự tin về tài nấu ăn thì các cửa hàng với hàng trăm loại gia vị này sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể kỹ năng nấu nướng

Khu ẩm thực, nơi mở cửa sớm nhất – sẵn sàng phục vụ thượng đế từ tờ mờ sáng

Ê hề bánh mứt mời gọi khách

Chợ Bến Thành cũng rất sôi động về đêm, bắt đầu từ 7 giờ tối, 178 quầy hàng đổ ra hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ với các quầy hàng mỹ nghệ, lưu niệm, quần áo và đặc biệt là hàng ăn.

Khách đến chợ Bến Thành chủ yếu chia thành hai dạng: khách vãng lai và khách hàng thân thiết. Khách vãng lai phần lớn là du khách trong đó đa phần là người nước ngoài, còn khách hàng thân thiết gồm dân cư sống ở các con phố lớn xung quanh cũng như những cư dân lâu năm của Sài Gòn.

Phong phú mặt hàng từ vali, xắc tay đến quà lưu niệm

Điểm độc đáo nhất, chẳng ở đâu có các cô bán hàng xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang và thành thạo ngoại ngữ như các tiểu thương chợ Bến Thành. Bước chân vào chợ là len lỏi giữa dòng du khách nước ngoài nườm nượp, tai nghe những lời chào bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Thái… xôn xao như một bản hợp âm. Có thể nói ít ngôi chợ nào trên đất nước thu hút được lượng du khách với mật độ cao, nhiều màu da và đa quốc tịch như cái chợ này.

Cô chủ cửa hàng hoa Nga, thế hệ thứ ba gắn bó với chợ Bến Thành


Cô tiểu thương hàng hoa giả vừa xinh đẹp vừa hợp mốt

Còn khách bản địa khi vào chợ thì được coi như người nhà, nếu còn trẻ thường được gọi là cưng, em gái hoặc chị Hai, cô Ba…ngọt xớt! Bẵng đi một thời gian, cũng người ấy nếu trở lại chợ sẽ được trìu mến gọi là má, mẹ, dì, và đến lúc nào đó sẽ không khỏi bần thần khi được mọi người cung kính gọi bằng… ngoại!

Muôn hoa khoe sắc

Hàng hóa ở đây đa dạng hơn rất nhiều nơi, có đủ các loại từ hàng xuất khẩu, hàng gia công đến hàng xách tay cao cấp. Thực phẩm thì đạt chuẩn vừa tươi vừa ngon, nhiều mặt hàng không đâu có được như rau củ trái mùa, trái cây ngoại nhập, thủy hải sản tươi sống, hàng đặc sản bào ngư, vi cá, hải sâm… được đưa thẳng tới từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Giá cả nơi đây lại không hề đắt, với điều kiện bạn dám trả giá mạnh bạo. Bí quyết để mua hàng rẻ là nắm đúng giá trị món hàng và có kỹ năng… kèo nài. Nếu khéo trả giá bạn vẫn có thể mua được hàng hóa với giá sỉ, vì phần lớn các quầy hàng ngoài việc bán lẻ còn là điểm buôn sỉ cho cả một hệ thống phân phối ở nhiều chợ, cửa hàng trong thành phố và các tỉnh..

Gian hàng trái cây ở cửa Bắc quyến rũ người đi đường

Rau củ xanh tươi đủ sức chinh phục cả những khách hàng ngoại khó tính

Mặc dù xu hướng mua sắm của một đô thị hiện đại là vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại, nhưng đôi khi trong nhịp sống nhanh đó người ta cũng cần sống chậm đi, như một cách lấy lại thăng bằng cho tâm hồn. Đó là một trong những lý do để chợ Bến Thành nói riêng và các chợ truyền thống nói chung sẽ vẫn tồn tại mãi với thời gian. Và phần hồn của chợ Bến Thành nằm ngay trong nhà lồng, nơi đời sống đô thị diễn ra sinh động nhất qua những giao tiếp thân tình giữa con người với con người.

Vì sao Chợ Bến Thành luôn nhộn nhịp, sầm uất?

Chợ có hơn 3.000 sạp hàng, bán sỉ, bán lẻ đủ các loại hàng hóa, từ thực phẩm vật dụng hàng ngày đến những hàng xa xỉ phẩm. Chợ bắt đầu mở cửa hoạt động từ 4h sáng tại khu vực cửa Bắc với các sạp hoa quả và mặt hàng tươi sống loại cao cấp cung cấp thực phẩm cho các gia đình, quán ăn và nhà hàng lớn trong thành phố. Đến 8 – 9h sáng, các quầy, sạp ở ba cửa chính Đông, Tây, Nam, các cửa phụ và trong lồng chợ… đồng loạt mở cửa đón khách từ khắp nơi đổ về. Từ khu vực các cửa ra vào đến khu nhà lồng chợ đâu đâu cũng diễn ra cảnh mua bán tấp nập. Nhà lồng chợ với bảy gian giữa lớn và sáu gian nhỏ bố trí ở hai bên, dày đặc các sạp lúc nào cũng tấp nập người vào, kẻ ra, chen chúc nhau ở các lối đi.

Các tiểu thương ở chợ Bến Thành ngày nay không còn mang hình ảnh những phụ nữ cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó như trước đây nữa  mà đều là những nhà kinh doanh thực thụ. Họ trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc thời thượng và đặc biệt là nói ngoại ngữ rất lưu loát, từ Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Pháp, Đức… và thậm chí cả tiếng Campuchia. Chuyện người bán hàng nói hai, ba ngoại ngữ một cách thông thạo không còn là mới ở chợ Bến Thành. Theo một nhân viên ban quản lý chợ, có đến 80 – 90% nhân viên bán hàng của các quầy quần áo, mỹ phẩm, thổ cẩm, hàng lưu niệm… nói được ít nhất hai ngoại ngữ trở lên.

Một trong những nguyên nhân khiến chợ Bến Thành luôn luôn nhộn nhịp, sầm uất chính là do vị trí trung tâm  thương hiệu Bến Thành. Khách vãng lai, khách du lịch, nhất là Việt kiều, khách nước ngoài… đã đến Sài Gòn thì đều thích ghé qua chợ Bến Thành, vì nó là đặc trưng văn hóa chợ của người Sài Gòn. Hầu hết các công ty du lịch, các hãng lữ hành… trong và ngoài nước đều đưa chợ Bến Thành vào tour của mình.

Những lợi thế này đã khiến giá sang nhượng mặt bằng ở chợ lên đến 230 lượng vàng/1m2, tương đương 173.000 USD. Chợ Bến Thành được nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đánh giá hiện đang là nơi có giá đất sang nhượng đắt đỏ nhất thế giới, vượt xa cả khu đất vốn đắt nhất thế giới trước đây là Ginza, Tokyo (Nhật Bản) cũng chỉ khoảng 130.000 USD/m2.

Gần đây, truyền thông trong nước có loan tin về việc chợ Bến Thành sẽ bị phá bỏ để xây dựng Trung tâm thương mại Bến Thành. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là nhiều người dân thành phố. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của thành phố cho biết thông tin này là không có cơ sở.

Chợ Bến Thành trong ca dao xưa

Chợ Bến Thành dời đổi
Người sao khỏi hợp tan
Xa gần giữ nghĩa tào khang
Chớ ham nơi quyền quí mà đá vàng phụ nhau…

(Source: Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: