Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

110710- Hành trình tìm 100 món đặc sản Việt Nam

Sau một năm thực hiện, Hành trình tìm kiếm kỷ lục S100, thu thập 100 đặc sản Việt Nam, vừa được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công bố những thông tin thú vị bước đầu.

Đã có hơn 300 đặc sản nổi tiếng Việt Nam được đơn vị thực hiện tìm thấy và ghi nhận dữ liệu. Đây là những món ăn ngon độc đáo và những đặc sản thiên nhiên của các địa phương trên cả nước. Để có tên trong bảng đề cử S100 đặc sản này, các đặc sản được xem xét theo các tiêu chí về mức độ phổ biến, danh tiếng và ưu thế xuất xứ từng vùng miền.

Vịt cỏ Vân Đình (Hà Nội) được làm lông và luộc rất khéo, không dính lông măng, thịt trắng đẹp

Hành trình tìm kiếm đặc sản được tiến hành theo hai nội dung. Một là loại đặc sản thiên về món ăn, có thể chế biến hoặc kết hợp với những thứ khác, theo công thức pha trộn gia vị để tạo nên món ăn hoàn chỉnh. Hai là những đặc sản nghiêng về tự nhiên như cây trái, rau cỏ qua bàn tay chăm sóc vun trồng của con người, cùng với đặc điểm riêng của từng vùng miền, cho ra những trái ngon quả ngọt...

Từ vịt cỏ Vân Đình đến đuông dừa Bến Tre

Trong những đặc sản đã được tìm thấy, có tới 12 loài gia súc, gia cầm dùng để chế biến món ăn, và quyết định sự nổi tiếng của món ăn đó. Chẳng hạn, nổi tiếng như vịt cỏ Vân Đình (Hà Nội), dê núi Trường Yên (Ninh Bình), lợn Vân Pha (Quảng Trị), gà Đông Cảo (Hưng Yên), v.v..

 

Đuông dừa Bến Tre. Con đuông sống trong đọt dừa, được chế biến
thành món ăn quý, giàu chất dinh dưỡng

Nước ta có nhiều sông suối, ao đầm, đường bờ biển khá dài, nên những loại thủy hải sản phục vụ món ăn khá nhiều, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong món ăn.

Nhiều vùng miền có những loài côn trùng mà người dân chế biến ra những món ăn đậm đà khó quên như: dế Mường Lò (Yên Bái), đuông dừa (Bến Tre)... Ngoài ra, còn có hai món đặc sản rất bổ dưỡng, được liệt vào hàng bát trân của vua chúa xưa, là yến sào và nhung hươu.

Đơn vị thực hiện cho biết, một số đặc sản mang tính chất "lưỡng tính", vừa là đặc sản thiên nhiên nhưng cũng có thể đưa vào danh sách các loại nguyên liệu phụ gia để chế biến món ăn. Đó là hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), hoa hồi, mắc mật (Lạng Sơn)...

Cao lầu Hội An, món mì có sợi màu vàng, dùng với tôm, thịt heo, các
loại rau sống và rất ít nước dùng

Các nguyên liệu phụ gia này được sử dụng tương sinh hài hòa với nhau và thường thuận theo nguyên lý "âm dương phối triển". Nếu các món ăn dễ gây lạnh bụng thì có vị cay nóng của tỏi, hồ tiêu đi kèm. Để món ăn có mùi vị thơm ngon dễ chịu, đồng thời làm cho màu sắc thêm hấp dẫn, người dân một số vùng miền cho thêm hồi, quế, lá hoặc quả mắc mật vào.

Tỉnh này quả ngọt, vùng kia trái chua

Đi dọc chiều dài đất nước, nếm nhiều thức quả thơm ngon, không phải du khách nào cũng nắm được những thông tin về những thức quả đó.

Cùng một loại quả nhưng ở địa phương này chúng có vị thơm mát, ngọt lịm, nhưng ở vùng khác chúng lại rôn rốt chua, thanh thanh, hoặc vùng này trái dày, cùi mỏng vỏ, miền kia ruột dày, hạt bé...

Quả mơ Hương Sơn gắn liền với lễ hội chùa Hương, chín rộ vào
tháng 2 - 3 Âm lịch

Cũng có những thức quả mà chỉ một vùng đất nào đó mới có và không thể lẫn được với nơi khác. Nhắc đến nho người ta nghĩ đến Ninh Thuận. Vị ngon ngọt, trái đỏ căng tròn quyến rũ của dâu tây, chỉ thấy ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Còn với chôm chôm, phần lớn người bán hàng nào được hỏi cũng giới thiệu đây là chôm chôm Vĩnh Long.

Việt Nam quanh năm bốn mùa hoa trái. Mùa nào, quả nấy, trải suốt ba miền, đâu cũng có hoa thơm quả ngọt. Ra Bắc, bạn không thể nào không nếm thử mơ chùa Hương, hồng xiêm Xuân Đỉnh, vải thiều Thanh Hà, bưởi Đoan Hùng, cam Bố Hạ, xoài Yên Châu...

Về miền Trung, bạn hãy thưởng thức hương vị tuyệt vời của cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, mía Triệu Tường... Vào miền Nam, với những vườn cây trái xum xuê, bạn mát lòng với bưởi Năm Roi, dưa hấu Sóc Trăng, mít tố nữ Đồng Nai...

Rau muống luộc phải ăn với mắm - ớt - chanh

Do đặc trưng thời tiết nhiệt đới gió mùa với khí hậu khác nhau rõ rệt ở ba miền, cùng những đặc điểm về địa lý, văn hóa địa phương, nên những món ăn cũng chịu sự ảnh hưởng, tác động và hình thành nên đặc trưng riêng của từng vùng.

Hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng nhờ sợi bánh làm từ gạo Gò Cát, có dộ dai
vừa phải, ngấm mỡ hành phi của nước lèo trở nên trong, bóng.
Từ những hạt ngọc của trời, qua bàn tay khéo léo, tinh luyện của người làm nghề mà các sợi bún, sợi mì, bánh đa, bánh canh... đã được ra đời. Người Việt thường ăn sáng bằng những thức quà nên đã có đến 13 món bún, cháo, miến, hủ tiếu… cùng 17 loại bánh đặc sắc được thu thập.

Đây là những món ăn nước và thức ăn vặt nổi tiếng trên cả ba miền, thường không sử dụng để ăn lấy no. Chưa kể còn có 10 loại bánh kẹo và những món ăn nhẹ cho con trẻ hoặc để tặng nhau.

Gia vị cho món ăn trong bữa ăn của người Việt phổ biến là nước mắm, nên đã có đến bảy loại mắm, nước mắm nổi danh được thống kê. Tùy các món mà người Việt có chén nước mắm, nước tương hoặc mắm cho phù hợp. Nước mắm chanh - ớt - tỏi chấm rau muống luộc, thịt luộc; nước mắm gừng chấm thịt vịt, thịt bò luộc... Mỗi loại nước mắm tùy từng vùng miền mà có vị đậm đà, độ sánh, hay màu sắc khác nhau.

Đồ uống cũng là đặc sản được chú ý trong hành trình tìm kiếm. Lượng gạo, ngô được làm ra nhiều, trong đó có các loại gạo khá nổi tiếng, nên đã sản sinh ra những loại rượu ngon nổi tiếng. Theo con số trong bảng đề cử đặc sản Việt Nam, có 11 loại rượu.

Mỗi loại mang đặc trưng cho từng vùng, với tên gọi ấn tượng, đọc lên người ta có thể biết nó xuất xứ từ đâu và đặc điểm ra sao.

Trà cũng là thức uống phổ thông trong ẩm thực của người Việt. Việt Nam có nhiều loại chè nổi tiếng như chè Tân Cương (Thái Nguyên), chè shan tuyết (Hà Giang), chè Bảo Lộc (Lâm Đồng)... Một số loại đồ uống mới như ca cao, cà phê…, đặc biệt, cà phê Đắk Lắk ngày càng nổi tiếng về sản lượng và chất lượng trong nước và thế giới.

Hành trình S100 là một cuộc tích hợp những giá trị trong đời sống xã hội các vùng miền Việt Nam để giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước.

Danh mục 100 đặc sản nổi tiếng Việt Nam sẽ được công bố chính thức vào đầu tháng 8 tới.

Những món ăn đặc sản đã được tìm thấy: 17 món bánh tươi, 13 món ăn sáng (3 bún, 3 phở, 1 bánh đa, 1 cao lầu, 1 mì Quảng, 2 cháo, 1 bánh canh, 1 hủ tiếu), 12 loại gia súc, gia cầm (4 lợn, 3 gà, 2 vịt, 1 dê, 1 bê, 1 cừu), 11 loại rượu, 10 món bánh kẹo, 10 loại thủy hải sản, 7 loại mắm nổi tiếng (2 nước mắm, 2 loại mắm, 2 loại tương, 1 tôm chua), 2 loại gạo, 2 loại côn trùng, 2 món ăn quý (yến sào, nhung hươu)...

Đặc sản thiên nhiên: 12 cam quýt, 8 loại bưởi, 6 loại hồng, 5 nguyên liệu phụ gia (tỏi Lý Sơn, hồ tiêu, mắc mật, hoa hồi, quế Trà My), 4 loại dứa (thơm, khóm), 4 loại xoài, 4 loại dừa, 4 loại nhãn, 5 loại nguyên liệu chế đồ uống (3 chè, 1 ca cao, 1 cà phê), 3 loại vải, 3 loại sầu riêng, 2 loại mía, 2 loại mít, 2 loại thanh long, 1 sâm (Ngọc Linh)...

5 nhận xét:

L DC nói...

nhin ngon them qua"

Ty Le Vang nói...

hôm nào đi thử đi kakaka

Đàm Quỳnh Anh nói...

Họ sẽ làm sách hả anh?
Nếu là sách mà kèm hình ảnh chụp thật và độ nét cao thì chắc sẽ tạo thú vị đối với người xem lắm.

Ty Le Vang nói...

thế nào cũng có mà em. em đăng ký chụp nguyên bộ luôn đi :-)

Đàm Quỳnh Anh nói...

Úi, em á, em có đi được hết vùng miền đâu mà đòi đăng ký nguyên bộ. Em chỉ thích mua để mỗi khi đi đến đâu có cẩm nang ẩm thực để em biết em xơi thôi.