Thứ Ba, 3 tháng 3, 2009

090303- Nhà đậu xe trên kênh hay cảnh quan?

Nguồn: http://www.sgtt.com.vn/detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=47525&fld=HTMG/2009/0227/47525

Ý tưởng mới của kiến trúc sư Trần Đình Bá về “Nhà trên đường” – đoạt giải thưởng cao nhất cuộc thi “Kiến trúc nhiệt đới với vấn đề môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả” được nhiều người đồng tình, chí ít cũng là ban giám khảo cuộc thi này do hội Kiến trúc sư và viện Kiến trúc nhiệt đới tổ chức năm 2008. Tuy nhiên, để ý tưởng trở thành hiện thực cần có sự toan tính, suy xét dưới nhiều góc độ và cân nhắc kỹ lưỡng

Photobucket

Thành phố đã chọn kênh mở để giữ cảnh quan sông nước. Ảnh: TTXVN

Nhà trên cầu vượt: hiệu quả hơn bãi xe ngầm

Bãi đậu xe ngầm phải giải quyết rất nhiều hạng mục như: phòng chống cháy nổ, thoát hiểm an toàn, chống ngập úng, triều cường, thông gió, chiếu sáng, tác động môi trường... Do vậy, khởi động từ năm 2005, UBND thành phố đã chấp thuận cho quy hoạch tám điểm để nghiên cứu xây dựng bãi đậu xe ngầm, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được.

Mô hình cầu vượt kết hợp nhà để xe khắc phục được nhiều khó khăn, nhược điểm của bãi đậu xe ngầm. Theo đề án của KTS Trần Đình Bá, “Nhà trên đường” vừa không tốn đất, vừa tạo được bãi cao rộng có sức chứa lớn, vừa ổn định lâu dài; bảo đảm độ thông thuỷ để lưu thông, bảo vệ môi trường. Mặt khác, dự án nhà nổi đậu xe trên kênh dễ thực hiện khi kêu gọi đầu tư, không phải đền bù giải toả di dời, thi công nhanh gọn; không tốn kém kinh phí, quản lý kinh doanh nhanh chóng thu hồi vốn; giải quyết nhiều bài toán về tài nguyên môi trường...

Photobucket

Mô hình nhà đậu xe nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Cảnh quan dòng kênh bị án ngữ

Tuy sáng kiến có nhiều ưu điểm, và cũng là yêu cầu cần kíp về bãi đậu xe, nhưng người dân thành phố cũng như du khách khắp nơi đang mong chờ dòng kênh như còn lại duy nhất ở Sài Gòn sẽ xanh – sạch – đẹp dài 13km, lượn lờ vắt qua năm quận. “Rồi các khối tích to thù lù hơn cả 10.000m3 chắn ngang dòng kênh, ngắt từng khúc vậy, sẽ làm cho cảnh quan bị hạn chế và có thể xấu đi”, KTS Nguyễn Văn Châu dự báo. Từ năm 2004, để tạo lưu thông qua lại thuận tiện giữa đôi bờ kênh, các cây cầu mọc lên, khi đó dư luận cho rằng “giữa thành phố hiện đại vậy, mà cầu như cầu khỉ” – thấp lè tè, la đà trên mặt nước. Ngay kiểu dáng cầu cũng đơn điệu. Thành phố đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng, thay vì làm “kênh đóng” bằng cống hộp, để xây dựng dòng “kênh mở” với bờ kè kiên cố, công viên, cây xanh rợp hai bên bờ, nước xanh... tái tạo cảnh quan môi trường.

Mô hình này không dừng ở một hay hai công trình, mà phải xây dựng trải dài qua năm quận nội thành. Khi đó mới mang lại tác dụng chứa giữ xe cho nhiều khu vực dàn rộng trong đô thị. Giả sử mỗi quận xây hai nhà nổi đậu xe, thì cứ chừng 600m là có một nhà nổi to đùng án ngữ trên kênh. Và theo đề án thí điểm, nhà nổi này có chiều dài xuôi theo kênh là 30m, bắc qua kênh cũng khoảng 20m trở lên, chiều cao 20m (tương đương một toà nhà lầu bốn tầng). Như vậy, xem ra không gian cảnh quan dòng kênh bị áp đảo. KTS Hà Anh Tuấn nói: “Dù công trình lớn hay nhỏ đều phải khảo sát kỹ về mối tương quan giữa nó với cảnh quan chung quanh. Trên thế giới họ đều làm như vậy, và dành nhiều thời gian cho quá trình khảo sát. Họ đưa vấn đề này ra cho các nhà chuyên môn, cả công chúng thẩm định, còn chúng ta thường thiếu, hay làm qua loa bước này”.

Theo tính toán của đề án thí điểm, toà nhà để xe sẽ có 8 – 10 tầng đậu 400 xe ô tô ngày đêm. Với sức chứa này không phải nhỏ, khi đó mỗi nhà nổi đậu xe kết hợp cầu vượt kênh là một “bến xe mini” – vấn đề ách tắc giao thông khó có thể tránh khỏi. Mặt khác, hai con đường ven kênh là một trong những trục giao thông Bắc – Nam của thành phố nhằm giải toả cho hai tuyến Cách Mạng Tháng Tám và Lê Văn Sỹ.

Nếu nhà đậu xe kết hợp cầu vượt kênh thí điểm có hiệu quả, sẽ đề xuất triển khai mô hình này dọc theo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kéo dài từ quận Bình Thạnh, Q.1, Q.3, quận Phú Nhuận đến quận Tân Bình. Ông Mai Trọng Tuấn, giám đốc công ty cổ phần Lá Xanh cho biết, vị trí chọn đề xuất làm công trình này nằm giữa cầu Bông và cầu Trần Khánh Dư trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Liên quan đề xuất này, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã chấp thuận và yêu cầu sở Quy hoạch – kiến trúc, Xây dựng, Giao thông vận tải tìm địa điểm phù hợp để thí điểm mô hình trên.

Nguyễn Tâm

Không có nhận xét nào: