Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Xa-hoi/2009/01/3BA0A952/
Cần đề ra luật cấm xả rác bừa bãi và có chế tài xử phạt, hoặc hình phạt (ví dụ bắt phải dọn sạch...) đủ để răn đe. Kiểm tra chặt chẽ và có trọng điểm để xử phạt nghiêm túc. Bố trí thêm nhiều thùng rác nơi công cộng. (Dang Van Nghia)
Đêm qua và sáng nay (19/12) đi qua cầu Chương Dương, tôi thực sự vô cùng thất vọng và phẫn nộ khi thấy người ta thản nhiên làm xong cái việc của mình rồi để lại ngút ngàn túi nylon vứt bừa bãi trên thành cầu. Họ có thể mất công mang cái túi, có nước và cá rất cẩn thận đến nơi để thả cá, tại sao lại không thể mang túi đó về hoặc đến nơi nào có thùng rác để bỏ vào, việc này đâu nặng nhọc gì? Thực chất của vấn đề này là ý thức rất kém.
Không biết những người vô ý như vậy sẽ hành động như thế nào khi họ bắt được tận tay người khác đến trước cửa nhà họ xả rác hoặc phóng uế? Chắc khi đó thái độ của họ sẽ quay ngoắt 180 độ và sẽ trở thành những người vô cùng có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, sạch sẽ cho nhà của mình.
Từ xưa đã có câu nói "Sạch nhà, bẩn ngõ", phải chăng đó là sự đúc kết cái thói xấu của người Việt Nam. Vậy phải làm thế nào để cái thói xấu này mất đi?
Với ý thức nơi công cộng tồi như vậy thì chắc rằng là thêm 1.000 năm nữa thì thủ đô Hà Nội vẫn là một thủ đô nhiều bụi bặm... Sự sạch sẽ và đẹp đẽ vẫn chỉ là giấc mơ nếu như chúng ta không có biện pháp cụ thể và hiệu quả. Vậy biện pháp là gì? Ai làm việc này?
Chúng ta không thể làm thay đổi ý thức kém đó chỉ bằng việc hô hào, tuyên truyền. Thử nhớ lại việc đốt pháo Tết, đội mũ bảo hiểm, nếu chúng ta chỉ tuyên truyền thì đến bây giờ hiệu quả ra sao? Chắc là Tết vẫn đì đùm tiếng pháo và những ai đội mũ bảo hiểm sẽ vẫn còn là lập dị. Vậy mà chúng ta đã làm được là Tết không đốt pháo và đội mũ bảo hiểm trở thành thói quen rất bình thường. Và khi đã "bị ép" thành thói quen trong một thời gian thì tự nó sẽ chuyển thành ý thức tự giác, chứ không còn là "sự ép buộc nữa".
Trong cuộc sống, thực ra có rất nhiều việc mọi người đều thấy là tốt, nhưng để nó thành thói quen nơi công cộng thì rất nhiều người không thể làm được, vì không ai muốn mình trở thành người lạc lõng. Do vậy mới có tâm lý mọi người cần có cộng đồng thực hiện giống mình, khi đó họ không còn ngại ngùng.
Vậy, tôi muốn đề xuất một vài ý kiến nhỏ sau đây, mong góp phần cải thiện tình hình xả rác bừa bãi, phóng uế lung tung nơi công cộng:
1. Cần đề ra luật cấm xả rác bừa bãi và có chế tài xử phạt, hoặc hình phạt (ví dụ bắt phải dọn sạch...) đủ để răn đe.
2. Kiểm tra chặt chẽ và có trọng điểm để xử phạt nghiêm túc. Tham khảo chuyện áp dụng luật cấm điều khiển phương tiện khi nồng độ cồn trong hơi thở vượt mức cho phép của một tỉnh mà tôi nghe thấy. Rất dễ, vì họ tập trung các chốt kiểm tra ngay phía ngoài các nhà hàng, nơi tập trung ăn nhậu. Vì vậy ai từ đó đi ra mà tự điều khiển phương tiện thì đa số là sẽ vi phạm luật. Dần dần mọi người đi ăn nhậu về, chủ yếu là sử dụng dịch vụ taxi hoặc xe ôm.
Ví dụ, đối với việc xả rác và phóng uế, ngày thường tập trung kiểm tra ở những điểm đen nơi người dân hay xả rác, phóng uế (rất dễ để khoanh vùng những điểm đen này). Ngày ông Công ông Táo thì tập trung túc trực kiểm tra ở những nơi sông hồ. Ngày lễ thì túc trực kiểm tra nơi công viên, vườn hoa, nơi mọi người hay tụ tập ăn nhậu...
3. Bố trí thêm nhiều thùng rác nơi công cộng. Hiện, thùng rác nơi công công rất ít, nên nhiều khi muốn vứt rác vào thùng rác mà không thấy thùng rác ở đâu.
4. Thùng rác nơi công cộng phải đủ lớn và dễ bỏ rác, dễ thu rác. Hiện thùng rác công cộng tại Hà Nội rất bé (rất hay bị đầy ứ lên) và bỏ rác rất khó vì nắp thùng nhỏ, hay kẹt và bẩn nên mọi người ngại mó tay vào.
Bên Nhật, người ta bố trí rất nhiều thùng rác lớn nơi công cộng, miệng rộng dễ bỏ rác, thùng rác được lót túi nylon nên rất dễ thu rác (chỉ cần túm túi nylon bỏ vào xe rác và đặt túi nylon mới vào thùng). Làm được như vậy thì cũng đỡ vất vả cho công nhân quét và thu gom rác. Hiện họ phải bê thùng, lật thùng, moi rác ra và hót vào xe chở rác nên rất vất vả và tốn nhiều thời gian.
5. Tần xuất thu gom rác trong thùng phải thường xuyên hơn để thùng rác luôn sạch, rộng rãi và không mùi xú uế. Có như vậy khi để thùng rác trước cửa nhà, cửa hàng mặt phố sẽ không bị người dân phản đối. Bên Nhật, rất nhiều người đứng cạnh để hút thuốc và bỏ rác mà không sợ bẩn, không mùi xú uế.
6. Vị trí đặt thùng rác tốt nhất nên để ở ngay các góc đường, liền với các cột đèn tín hiệu giao thông, cạnh các điểm đỗ xe buýt, cổng các trường học, siêu thị, công viên, vườn hoa, nơi điểm đen xả rác hiện tại...
Khi chúng ta đã "ép" được để mọi người có thói quen giữ sạch sẽ nơi công cộng thì khi đó ai gây bẩn sẽ trở thành kẻ lập dị. Và khi chúng ta đã giữ được sạch sẽ nơi công cộng trong thời gian nhất định và mọi người cảm thấy sung sướng khi được tận hưởng chung sự trong lành đó thì sẽ biến thành ý thức tốt và không dám gây bẩn nó.
Rất mong một ngày gần đây, chúng ta có thể cảm thấy thoải mái và tự hào vì một Việt Nam văn minh, sạch sẽ mọi lúc, mọi nơi (chứ không phải chỉ sạch sẽ một vài ngày khi có sự kiện gì lớn như hiện nay). Đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để hấp dẫn khách du lịch nước ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét